Thông tư 1888/1997/TT-BKHCN&MT hướng dẫn thi hành Nghị định 57/CP-1997 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành

Số hiệu 1888/1997/TT-BKHCN&MT
Ngày ban hành 04/11/1997
Ngày có hiệu lực 04/11/1997
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
Người ký Chu Hảo
Lĩnh vực Thương mại,Vi phạm hành chính

BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1888/1997/TT-BKHCN&MT

Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 1997

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG SỐ 1888/1997/TT-BKHCN&MT NGÀY 04 THÁNG 11 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 57/CP NGÀY 31-5-1997 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ĐO LƯỜNG VÀ CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ

Ngày 31-5-1997, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Đo lường và Chất lượng hàng hoá. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành Thông tư này hướng dẫn việc thực hiện Nghị định 57/CP như sau:

1. Về những quy định chung

1.1. Hành vi bị xử phạt hành chính phải là hành vi vi phạm các quy định quản lý Nhà nước về đo lường và chất lượng hàng hoá do các tổ chức, cá nhân thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý mà chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

1.2. Tổ chức, cá nhân quy định ở khoản 2 Điều 2 Nghị định số 57/CP được hiểu như sau:

1.2.1. Tổ chức gồm: Cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và đơn vị vũ trang thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, văn phòng đại diện, doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan ngoại giao, tổ chức phi chính phủ v.v... hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

1.2.2. Cá nhân gồm:

- Người Việt Nam có đủ năng lực hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá đối với vi phạm do cố ý gây ra và chỉ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 50.000 đồng; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phải bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá với mọi vi phạm do mình gây ra, có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính quy định tại các điều khoản của Nghị định số 57/CP, khi phạt tiền đối với họ thì người có thẩm quyền áp dụng mức phạt thấp hơn đối với người thành niên.

Người chưa thành niên vi phạm hành chính gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người chưa thành niên không có tiền nộp phạt và bồi thường thì cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó phải nộp thay.

Quân nhân tại ngũ, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện và những người thuộc lực lượng công an nhân dân nếu vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá thì bị xử phạt như mọi công dân khác.

- Người nước ngoài sinh sống, công tác hoặc tham quan du lịch trên lãnh thổ Việt Nam có đủ năng lực hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam.

1.2.3. Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá không bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 57/CP trong các trường hợp sau:

- Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác;

- Trường hợp Pháp lệnh về quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao có quy định khác.

1.3. Chỉ có những người quy định tại Điều 17, Điều 18, Điều 19 Nghị định số 57/CP mới có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá. Các cơ quan Nhà nước khác nếu phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá không thuộc thẩm quyền xử phạt của mình, thì phải chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá để tiến hành xử lý vi phạm.

1.3.1. Trường hợp chưa có chức danh cấp trưởng quy định tai Điều 17 Nghị định số 57/CP thì cấp phó của các chức danh đó có thẩm quyền xử phạt như cấp trưởng.

1.3.2. Trường hợp chức danh cấp trưởng quy định tại Khoản 2, 3 Điều 17 Nghị định số 57/CP vắng mặt hoặc được sử uỷ quyền bằng văn bản của họ thì cấp phó của các chức danh đó có thẩm quyền xử phạt như cấp trưởng.

1.4. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm và các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng để quyết định hình thức, mức phạt và các biện phát hành chính khác một cách chính xác và đúng đắn.

1.4.1 Tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 7 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính gồm:

- Tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính đã ngăn chặn làm giảm bớt tác hại của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;

- Vi phạm trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra;

- Người vi phạm là phụ nữ có thai; người già yếu; người có bệnh hoặc tàn tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

- Vi phạm do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không tự mình gây ra hoàn cảnh đó;

- Vi phạm do trình độ lạc hậu.

1.4.2. Tình tiết tăng nặng theo quy định tại Điều 7 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính gồm:

[...]