Thông tư 1869-VHC năm 1956 hướng xây dựng và củng cố Ủy ban hành chính xã về mặt tư pháp sau cải cách ruộng đất do Bộ Tư Pháp ban hành.

Số hiệu 1869-VHC
Ngày ban hành 25/10/1955
Ngày có hiệu lực 09/11/1955
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Vũ Đình Hoè
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1869-VHC

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 1955 

 

THÔNG TƯ

VỀ HƯỚNG XÂY DỰNG VÀ CỦNG CỐ ỦY BAN HÀNH CHÍNH XÃ VỀ MẶT TƯ PHÁP SAU CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Kính gửi: Các Ủy ban hành chính liên khu và tỉnh, các ông Công tố ủy viên Tòa án nhân dân liên khu và Tòa án nhân dân tỉnh và thành phố.

Hiện nay ở những xã đã cải cách ruộng đất, giai cấp địa chủ tuy đã đánh đổ nhưng nhiều tên địa chủ còn đang có nhiều phản ứng, đế quốc Mỹ dựa vào giai cấp địa chủ làm nòng cốt để phá hoại ta.

Trong nội bộ nông dân còn có một số việc xích mích, tranh chấp nhau về quyền lợi. Những vụ trộm cắp, thông gian, hủ hóa, v.v…còn ít nhiều xảy ra.

Trước tình hình đó, phần lớn cán bộ tư pháp xã chưa được huấn luyện về mặt tư pháp, cán bộ tư pháp huyện cũng đang lúng túng trong việc hướng dẫn Ủy ban hành chính xã về mặt tư pháp. Quan niệm về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức; về lề lối làm việc của Ủy ban hành chính về mặt tư pháp cũng chưa được thống nhất ở tất cả mọi nơi.

Bộ Tư pháp đã triệu tập một hội nghị trao đổi kinh nghiệm về xây dựng và củng cố Ủy ban hành chính xã về mặt tư pháp sau cải cách ruộng đất trong hai ngày 15 và 16-9-1955. Căn cứ vào ý kiến của hội nghị, Bộ đã xây dựng được một hướng củng cố Ủy ban hành chính xã về mặt tư pháp sau cải cách ruộng đất (kèm theo Thông tư này) để các Ủy ban hành chính và Tòa án nhân dân khu và tỉnh cho tạm thời thực hiện và rút kinh nghiệm.

Trong khi thực nghiệm, xin báo cáo cho Bộ biết những kinh nghiệm đã thu lượm được và ý kiến xây dựng.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP




Vũ Đình Hòe

 

 

 

HƯỚNG XÂY DỰNG VÀ CỦNG CỐ ỦY BAN HÀNH CHÍNH XÃ VỀ MẶT TƯ PHÁP SAU CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT

1. – Mục đích, yêu cầu của việc củng cố Ủy ban hành chính xã về mặt tư pháp sau cải cách ruộng đất

Mục đích của việc củng cố Ủy ban hành chính xã về mặt tư pháp sau cải cách ruộng đất là: góp phần vào việc củng cố chính quyền ở xã, góp phần vào việc tăng cường đoàn kết ở nông thôn và việc trấn áp được kịp thời và có hiệu quả những hành động phá hoại trị an, phá hoại sản xuất của giai cấp địa chủ và của bọn phản động.

Trong việc củng cố Ủy ban hành chính xã về mặt tư pháp sau cải cách ruộng đất, chủ yếu là phải bồi dưỡng lập trường, tư tưởng cho cán bộ phụ trách công việc tư pháp xã, đồng thời cũng phải chú ý hướng dẫn anh em về tổ chức và lề lối làm việc của Ủy ban hành chính xã về mặt tư pháp xã.

2. – Nhiệm vụ và quyền hạn tổ chức và lề lối làm việc của Ủy ban hành chính xã về mặt tư pháp

1) Nhiệm vụ và quyền hạn về mặt tư pháp của Ủy ban hành chính xã:

Nội dung nhiệm vụ về mặt tư pháp của Ủy ban hành chính xã là:

a) Hòa giải những việc xích mích, tranh chấp về quyền lợi trong nhân dân (trường hợp địa chủ tranh chấp với nhau thì Ủy ban hành chính xã cũng phải giáo dục và giải quyết cho chúng).

Ủy ban hành chính xã có quyền công nhận những việc thuận tình ly hôn mà hai bên không có tranh chấp nhau về con cái hoặc tài sản.

b) Kiểm thảo giáo dục những người phạm lỗi nhỏ làm mất trật tự ở nông thôn như: say rượu, làm huyên náo thôn xóm, đánh chửi nhau thường, trộm cắp vặt, hủ hôn thường, v.v…Nếu có gây thịêt hại cho người khác, Ủy ban hành chính xã có thể bắt người phạm lỗi phải bồi thường.

c) Nghiêm khắc cảnh cáo những tên địa chủ có những phản ứng nhỏ như: láo xược với nông dân, không chịu lao động, trộm cắp vặt, dây dưa thuế, không chịu đi dân công, v.v…

d) Thi hành mệnh lệnh của cấp trên như: tống đạt giấy gọi, tống đạt án, điều tra cung cấp thêm tài liệu về một vụ án theo yêu cầu Tòa án nhân dân huyện hoặc của Tòa án nhân dân tỉnh, v.v…

Ủy ban hành chính xã không có quyền phạt giam hoặc giữ người phạm lỗi một vài ngày để bắt họ quét trụ sở, đắp đường, đào ao, đào giếng,v.v…

Bỏ phạt vi cảnh ở xã, vì đối với nông dân, kiểm thảo giáo dục là chính, còn đối với địa chủ, chúng ta phải dựa vào lực lượng của nhân dân mà nghiêm khắc cảnh cáo, trấn áp những phản ứng của chúng.

Nên bỏ khoản phạt tiền trong hương ước của xóm đối với những việc gia súc phá hoại hoa màu, vì nhiều nơi thường phạt nặng quá, tùy trường hợp sẽ kiển thảo, phê bình người chủ gia súc và bắt bồi thường cho người có hoa màu bị thiệt hại, đồng thời giáo dục ý thức bảo vệ sản xuất cho các em thiếu nhi chăn trâu bò.

[...]