Thông tư 18-TT/LB năm 1961 hướng dẫn Chỉ thị 126/TTg về việc cải tiến chế độ gửi trẻ của nữ công nhân, nữ viên chức do Bộ Nội Vụ- Bộ Lao Động ban hành

Số hiệu 18-TT/LB
Ngày ban hành 18/10/1961
Ngày có hiệu lực 18/10/1961
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động,Bộ Nội vụ
Người ký Lê Tất Đắc,Nguyễn Đăng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG-BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18-TT/LB

Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 1961 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHỈ THỊ SỐ 126/TTG NGÀY 01-4-1961 CỦA PHỦ THỦ TƯỚNG VỀ VIỆC CẢI TIẾN CHẾ ĐỘ GỬI TRẺ CỦA NỮ CÔNG NHÂN, NỮ VIÊN CHỨC

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan, đoàn thể trung ương
- Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh

 

Phủ Thủ tướng đã ra Chỉ thị số 126/TTg ngày 01-4-1961 cải tiến chế độ gửi trẻ. Nay Liên bộ quy định chi tiết, giải thích và hướng dẫn việc thi hành như sau:

I. CÁC HÌNH THỨC GỬI TRẺ VÀ ĐIỀU KIỆN THU NHẬN TRẺ

Tổ chức nhà trẻ cần sát với hoàn cảnh công tác, sản xuất của nữ công nhân, nữ viên chức và thích hợp với điều kiện sinh hoạt của trẻ.

Do đó có hai hình thức gửi trẻ:

1. Gửi trẻ theo giờ làm việc:

Tổ chức nhà trẻ theo giờ làm việc nhằm đảm bảo cho các người mẹ yên tâm công tác, sản xuất trong giờ làm việc. Hết giờ làm việc người mẹ đón con về. Ở bệnh viện, nhà trẻ có trách nhiệm trông trẻ cho cả những nữ công nhân, nữ viên chức trực nhật ngoài giờ làm việc chung. Ở các xí nghiệp làm việc theo ca, kíp, thì nhà trẻ phải tổ chức việc gửi trẻ theo ca, kíp.

Những cơ quan, xí nghiệp sử dụng nhiều nữ công nhân, nữ viên chức, nếu nhà trẻ ở xa nơi làm việc mà có từ 6 trẻ con đang bú sữa mẹ trở lên, thì cần tổ chức riêng một nhà trẻ cho loại này ở gần hoặc ở trong cơ quan, xí nghiệp để thực hiện chế độ giờ nghỉ cho con bú đã được quy định, đảm bảo sức khỏe cho trẻ đồng thời đảm bảo thời gian sản xuất, công tác của người mẹ.

2. Gửi trẻ thường xuyên:

Tổ chức gửi trẻ thường xuyên là nhằm bảo đảm việc trông nom trẻ cho những nữ công nhân, nữ nhân viên chức do yêu cầu công tác phải đi về các cơ sở, các địa phương một thời gian, mà hàng ngày gia đình không có điều kiện đưa con đến nhà gửi trẻ theo giờ làm việc để sau đó lại đón con về. Thời gian được gửi con thường xuyên là suốt thời gian người mẹ đi công tác xa, vắng nhà.

Tùy theo tình hình mỗi nơi, một nhà trẻ có thể đảm nhiệm cả hai hình thức gửi trẻ: gửi trẻ theo giờ và gửi trẻ thường xuyên, không nhất thiết tổ chức hai nhà trẻ riêng cho hai hình thức gửi trẻ.

Trong việc tổ chức nhà trẻ cần phối hợp giữa các cơ quan, xí nghiệp ở gần nhau mà tổ chức nhà trẻ liên cơ quan gửi theo giờ làm việc hay thường xuyên, không bó hẹp trong phạm vi từng đơn vị như trước. Nữ công nhân, nữ viên chức được gửi con ở nhà trẻ của cơ quan, xí nghiệp nào thuận tiện nhất cho việc đưa đón con, không nhất thiết làm việc ở đơn vị nào thì phải gửi con ở nhà trẻ của đơn vị ấy.

Đặc biệt những cơ quan ở xa nhau, không thể tổ chức nhà trẻ liên cơ quan được, thì có thể tổ chức nhà trẻ riêng, nếu có ít nhất 4 trẻ dưới 18 tháng, hoặc 8 trẻ trên 18 tháng đến 36 tháng.

3. Thì giờ làm việc của nhà trẻ:

Nhà trẻ phải tổ chức việc trông trẻ theo giờ làm việc của các người mẹ, ngày hai buổi, hoặc theo ca kíp kể cả giờ làm việc ban đêm.

Nhà trẻ cần phân công nhân viên công tác nhà trẻ đến trước giờ làm việc của các người mẹ để đảm bảo cho các người mẹ sau khi gửi con còn có đủ thì giờ cần thiết đi tới nơi làm việc được đúng giờ. Và khi hết giờ thì nhà trẻ cũng phải phân công nhân viên ở lại một thời gian để cho các người mẹ đến đón con. Thời gian đến sớm, về muộn để đảm bảo việc giao và nhận trẻ như vậy coi là chế độ công tác, không có phụ cấp thêm giờ. Mỗi cơ quan, xí nghiệp sẽ quy định thì giờ đi sớm về muộn cho các nhân viên công tác nhà trẻ cho sát.

4. Điều kiện thu nhận trẻ:

Con của nữ công nhân, nữ viên chức từ 36 tháng trở xuống được thầy thuốc chứng nhận không có bệnh truyền nhiễm thì được xét để thu nhận vào các nhà gửi trẻ.

II. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC XÉT ĐỂ GỬI CON VÀ MỨC ĐÓNG GÓP

1. Đối tượng được xét:

a) Những người được gửi con vào nhà trẻ theo giờ làm việc:

- Nữ công nhân, nữ viên chức trong biên chế làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường.

- Nữ công nhân, nữ viên chức ngoài biên chế làm việc thường xuyên liên tục, nữ công nhân học nghề theo lối kèm cặp ở các xí nghiệp, nữ công nhân, nữ viên chức trong thời gian tập sự.

- Nữ công nhân, viên chức được cử đi học các lớp đào tạo hoặc bổ túc.

[...]