Thông tư 17-BTC/ĐT năm 1992 hướng dẫn chế độ quản lý vốn đầu tư XDCB đối với công trình đường dây 500KV Bắc-Nam do Bộ tài chính ban hành

Số hiệu 17-BTC/ĐT
Ngày ban hành 28/05/1992
Ngày có hiệu lực 01/05/1992
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Hồ Tế
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Xây dựng - Đô thị

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17-BTC/ĐT

Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 1992

 

THÔNG TƯ

SỐ 17- BTC/ĐT NGÀY 28-5-1992 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN VỚI CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG DÂY 500 KV BẮC - NAM

Căn cứ Quyết định số 61-C T ngày 25-2-1992 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc phê duyệt Luận chứng kinh tế - kỹ thuật hệ thống tải điện 500kv Bắc Nam, Chỉ thị số 161 C T ngày 11-5-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về nguồn vốn và quản lý cấp phát vốn cho công trình; Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, cấp phát vốn qua hệ thống Kho bạc Nhà nước đối với công trình Đường dây tải điện Bắc - Nam 500 KV như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Để được cấp phát vốn, công trình phải có đủ luận chứng kinh tế kỹ thuật, tổng dự toán hoặc dự toán hạng mục công trình được duyệt, kế hoạch giá trị khối lượng đầu tư xây dựng cơ bản, kế hoạch tiến độ thi công, kế hoạch cấp phát vốn đầu tư để thanh toán sản phẩm xây dựng cơ bản hoàn thành được duyệt trong năm kế hoạch.

2. Căn cứ vào kế hoạch đầu tư và kế hoạch cấp phát vốn đầu tư trong năm kế hoạch được duyệt, căn cứ vào tiến độ thực hiện kế hoạch, Bộ Tài chính cấp phát vốn cho đủ đầu tư qua Cục Kho bạc Nhà nước để Cục Kho bạc Nhà nước thông qua bộ máy hệ thống của mình, cấp phát vốn thanh toán cho công trình hoặc hạng mục công trình khi có khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành theo chế độ quy định.

Do đặc điểm công tác thi công xây dựng công trình, quá trình cấp phát vốn đối với công trình được thực hiện qua các bước: tạm ứng vốn, cấp phát thanh toán, quyết toán.

3. Chủ đầu tư được mở tài khoản tiền gửi tại Cục Kho bạc Nhà nước hoặc tại các Chi cục Kho bạc Nhà nước (nếu cần thiết) và phải thực hiện theo đúng chế độ mở, sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước. Chủ đầu tư và chủ quản đầu tư (Bộ Năng lượng) được quyền sử dụng và chịu trách nhiệm về việc sử dụng vốn cấp phát đúng mục đích, theo kế hoạch được duyệt, có hiệu quả, chấp hành chính sách giá, chất lượng, thời hạn đưa công trình vào sử dụng, quyết toán với Bộ Tài chính toàn bộ số vốn đã được cấp phát cho công trình theo chế độ quy định và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước.

II- VỀ NGUỒN VỐN CỦA CÔNG TRÌNH

Toàn bộ nguồn vốn dùng để đầu tư xây dựng công trình Đường dây tải điện Bắc - Nam 500 KV (gồm vốn vay nước ngoài, vốn vay dân, vốn của ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác nếu có) đều phải tập trung vào ngân sách Nhà nước (qua Cục Kho bạc Nhà nước) và do Bộ Tài chính thống nhất quản lý).

III- LẬP VÀ XÉT DUYỆT KẾ HOẠCH CẤP PHÁT VỐN ĐẦU TƯ

1. Hàng năm, chủ đầu tư lập kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và kế hoạch cấp phát vốn đầu tư gửi cơ quan chủ quản đầu tư (Bộ Năng lượng), Bộ Tài chính và Cục Kho bạc Nhà nước. Bộ Năng lượng có trách nhiệm kiểm tra xem xét và bảo vệ kế hoạch với Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính trước khi trình Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt.

Kế hoạch cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm của công trình phải phản ánh đầy đủ các nội dung sau:

- Giá trị sản phẩm xây dựng cơ bản hoàn thành (gồm XL, Tiểu ban, KTCB khác) trong năm kế hoạch đủ tiêu chuẩn để ngân sách cấp phát vốn thanh toán.

- Giá trị sản phẩm xây dựng cơ bản hoàn thành của năm kế hoạch nhưng chuyển năm sau thanh toán.

- Giá trị sản phẩm xây dựng cơ bản hoàn thành trong kế hoạch năm trước chưa được cấp phát vốn thanh toán.

- Tổng số vốn để ngân sách cấp phát trong năm kế hoạch (kế hoạch cả năm có phân theo quý; kế hoạch hàng quý có phân theo tháng) theo tiến độ có khối lượng xây dựng cơ bản thực hiện được thanh toán.

2. Các căn cứ chủ yếu để lập kế hoạch:

- Tổng mức vốn đầu tư được duyệt, tổng tiến độ thực hiện đầu tư của công trình, hạng mục công trình.

- Kết quả đầu tư tính từ khởi công đến cuối năm báo cáo.

- Các mục tiêu phải hoàn thành trong năm kế hoạch.

- Các hợp đồng mua vật tư, thiết bị; dự kiến vật tư, thiết bị về trong năm theo hợp đồng đã ký.

- Các hồ sơ, tài liệu khác có liên quan.

3. Khi kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản đã được Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt, Bộ Năng lượng tính toán, xác định lại kế hoạch vốn ngân sách cấp phát theo quý, tháng và bảo vệ với Bộ Tài chính, Cục Kho bạc Nhà nước để cân đối vào dự toán ngân sách Nhà nước năm kế hoạch. Sau khi dự toán ngân sách Nhà nước được duyệt, Bộ Tài chính thông báo kế hoạch cấp phát vốn đầu tư cho chủ quản đầu tư (Bộ Năng lượng) và chủ đầu tư; đồng thời căn cứ vào kế hoạch đã thông báo, đảm bảo vốn để Kho bạc Nhà nước cấp phát thanh toán theo tiến độ thi công xây dựng công trình.

IV- CẤP PHÁT VỐN ĐẦU TƯ

1. Chuyển vốn ngân sách Nhà nước sang Cục Kho bạc Nhà nước:

Căn cứ vào kế hoạch cấp phát vốn ngân sách cho công trình được duyệt, Vụ đầu tư (thuộc Bộ Tài chính) làm thủ tục chuyển vốn của ngân sách sang Cục Kho bạc Nhà nước để cấp phát thanh toán cho công trình trên cơ sở các tài liệu sau đây:

- Luận chứng kinh tế kỹ thuật, tổng dự toán hoặc dự toán hạng mục công trình được duyệt.

[...]