Thông tư 166/2009/TT-BTC hướng dẫn xử lý một số loại tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 166/2009/TT-BTC
Ngày ban hành 18/08/2009
Ngày có hiệu lực 02/10/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Hữu Chí
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------------

Số: 166/2009/TT-BTC

Hà Nội, ngày 18 tháng 08 năm 2009

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN XỬ LÝ MỘT SỐ LOẠI TÀI SẢN TỊCH THU SUNG QUỸ NHÀ NƯỚC VÀ TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CỦA NHÀ NƯỚC

Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 21 tháng 12 năm 1999;
Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Luật Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước;
Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý một số loại tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước như sau:

Phần 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn xử lý một số loại tài sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước hoặc quyết định xác lập quyền sở hữu của nhà nước (sau đây gọi chung là tài sản), bao gồm:

a) Tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

b) Tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước là vật chứng vụ án, một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và hình sự;

c) Tài sản là bất động sản không xác định được chủ sở hữu được xác lập quyền sở hữu của nhà nước theo quy định của pháp luật về dân sự;

d) Tài sản bị đánh rơi, bỏ quên không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không nhận lại được xác lập quyền sở hữu của nhà nước theo quy định của pháp luật về dân sự;

đ) Tài sản không có người nhận thừa kế được xác lập quyền sở hữu của nhà nước theo quy định của pháp luật về dân sự;

e) Tài sản do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chuyển giao quyền sở hữu cho nhà nước Việt Nam dưới hình thức hiến, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ và các hình thức chuyển giao khác;

g) Tài sản là quà tặng được giao nộp cho cơ quan nhà nước theo quy định của Chính phủ hoặc của Thủ tướng Chính phủ.

2. Các loại tài sản không thuộc đối tượng và phạm vi áp dụng của Thông tư này, gồm:

a) Tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính;

b) Tài sản của các chương trình, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước;

c) Tài sản tồn đọng trong kho ngoại quan;

d) Tài sản tồn đọng tại cảng biển Việt Nam;

đ) Tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy.

Điều 2. Nguyên tắc xử lý tài sản

1. Việc xử lý tài sản theo quy định tại Thông tư này được áp dụng từ thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước hoặc quyết định xác lập quyền sở hữu của nhà nước đối với tài sản đó.

2. Việc tiếp nhận, bảo quản tài sản, lập phương án xử lý tài sản, phê duyệt phương án xử lý tài sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Việc xử lý tài sản được thực hiện theo đúng phương án xử lý tài sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng trình tự quy định.

Phần 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Tiếp nhận, bảo quản tài sản và hồ sơ có liên quan

1. Tiếp nhận, bảo quản tài sản.

[...]