Thông tư 16/1999/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế cước đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hoá bằng tàu biển của các hãng vận tải nước ngoài vào Việt Nam khai thác vận tải do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 16/1999/TT-BTC
Ngày ban hành 04/02/1999
Ngày có hiệu lực 01/01/1999
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Giao thông - Vận tải

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16/1999/TT-BTC

Hà Nội, ngày 04 tháng 2 năm 1999

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 16/1999/TT/BTC NGÀY THÁNG 02 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN THUẾ CƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA BẰNG TÀU BIỂN CỦA CÁC HÃNG VẬN TẢI NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM KHAI THÁC VẬN TẢI

Căn cứ Luật thuế thu nhập doanh nghiệp được Quốc hội khoá IX thông qua ngày 10/5/1997;
Căn cứ Nghị định số 30/1998/NĐ- CP ngày 13/5/1998, quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp;
Căn cứ văn bản số 1554/CP-KTTH ngày 31/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu thuế cước đối với tàu biển nước ngoài;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu thuế cước đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển của các hãng vận tải nước ngoài như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ CƯỚC

1- Đối tượng nộp thuế cước theo hướng dẫn ở Thông tư này là các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển từ các cảng biển Việt Nam ra nước ngoài hoặc giữa các cảng biển Việt Nam, bao gồm:

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài dùng tàu biển thuộc sở hữu của mình hoặc thuê tàu để thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa.

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển thông qua các đại lý xếp dỡ, giao nhận vận chuyển là các tổ chức, cá nhân Việt nam nhưng các tổ chức, cá nhân nước ngoài là người chịu trách nhiệm pháp lý đối với hàng hóa của chủ hàng.

2- Thông tư này không áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải biển được thành lập và hoạt động theo luật pháp Việt nam như: Công ty vận tải biển Việt Nam hoặc Công ty vận tải biển có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

II. CĂN CỨ TÍNH THUẾ CƯỚC

1. Xác định thuế cước phải nộp:

Thuế cước phải nộp = Tổng tiền cước vận chuyển x Thuế suất thuế cước

Tiền cước vận chuyển làm căn cứ tính thuế là toàn bộ tiền cước thu được từ hoạt động vận chuyển hàng hoá từ cảng xếp hàng của Việt nam đến cảng cuối cùng bốc dỡ hàng hoá đó (bao gồm cả tiền cước của các lô hàng phải chuyển tải qua các cảng trung gian) và/hoặc tiền cước thu được do vận chuyển hàng hoá giữa các cảng Việt nam.

Tiền cước vận chuyển làm căn cứ tính thuế cước không bao gồm tiền cước đã tính thuế cước tại cảng Việt nam đối với chủ tàu nước ngoài và tiền cước trả cho doanh nghiệp vận tải Việt nam do đã tham gia vận chuyển hàng từ Cảng Việt nam đến một cảng trung gian.

Thuế suất thuế cước quy định là 3%.

Ví dụ: Doanh nghiệp Hoa Cúc thực hiện làm Đại lý cho Hãng vận tải Z của nước ngoài. Theo Hợp đồng đại lý vận tải, Doanh nghiệp Hoa Cúc thay mặt hãng Z nhận hàng vận chuyển ra nước ngoài, phát hành vận đơn, thu tiền vận chuyển...

Doanh nghiệp A của Việt nam thuê hãng Z (qua doanh nghiệp Hoa cúc) vận chuyển hàng từ Việt nam sang Hoa kỳ với số tiền vận chuyển là: 100 000USD.

Doanh nghiệp Hoa Cúc đã thuê tàu biển của doanh nghiệp Việt nam hoặc tàu biển nước ngoài chở hàng từ Việt nam sang Singapore với tiền cước vận chuyển là 20 000 USD và từ Singapore hàng sẽ được vận chuyển tiếp sang Hoa kỳ.

Doanh nghiệp Hoa cúc có trách nhiệm khấu trừ thuế cước của Hãng Z nộp cho Ngân sách Nhà nước. Số thuế cước khấu trừ sẽ là : (100 000 - 20 000) x 3%.

Nếu tàu biển nước ngoài chở hàng từ Việt nam sang Singapore thì cơ quan đại lý tàu biển thực hiện thu thuế cước đối với tàu nước ngoài với số tiền là : 20.000 x 3%.

2. Đồng tiền nộp thuế cước là đồng ngoại tệ chuyển đổi.

III . MIỄN THUẾ, GIẢM THUẾ CƯỚC

1- Các tổ chức, cá nhân nước ngoài vận chuyển dầu thô xuất khẩu của Việt Nam được giảm 60% thuế suất quy định.

2- Trong những trường hợp đặc biệt Nhà nước sẽ có quy định cho giảm thuế cước đối với vận chuyển một số mặt hàng cụ thể. Các đối tượng được miễn, giảm nộp thuế phải có đầy đủ tài liệu chứng minh thuộc diện được miễn, giảm nộp thuế trình bày với cơ quan đại lý tàu biển theo từng chuyến hàng. Cơ quan đại lý tàu biển lưu giữ các tài liệu này cuối tháng tổng hợp vào Bảng kê khai thu thuế cước theo Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

3- Đối với tổ chức ,cá nhân nước ngoài thuộc nước đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt nam thì tùy theo quy định của Hiệp định đã ký để xác định mức miễn giảm thuế cước. Trong các trường hợp này, mức thuế Thu nhập doanh nghiệp làm căn cứ xác định mức miễn giảm theo quy định của Hiệp định là 1% trong tổng mức thuế cước 3% quy định tại Thông tư này.

IV. KÊ KHAI NỘP THUẾ CƯỚC VÀ KIỂM TRA THU NỘP THUẾ CƯỚC

1. Uỷ quyền kê khai, thu nộp thuế cước:

Bộ Tài chính ủy quyền cho các đơn vị làm đại lý tàu biển đã được Cục Hàng hải Việt Nam cấp giấy phép hoạt động đại lý tàu biển và các đại lý giao nhận hàng hoá vận chuyển cho các hãng vận tải nước ngoài trực tiếp thu thuế cước và nộp Ngân sách Nhà nước theo quy định tại Thông tư này.

Đơn vị làm đại lý tàu biển, đại lý giao nhận hàng hoá vận chuyển của các hãng vận tải thuộc tổ chức, cá nhân nước ngoài, ngoài việc đăng ký, kê khai nộp thuế về hoạt động đại lý và hoạt động kinh doanh khác của đơn vị mình, phải thực hiện đăng ký kê khai nộp thuế cước với Cục thuế địa phương theo mẫu tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này. Riêng đại lý các hãng vận tải nước ngoài phải gửi một bản Hợp đồng đại lý (bản sao) cho cơ quan thuế.

[...]