Thứ 5, Ngày 14/11/2024

Thông tư 15/2009/TT-BCA(C11) quy định về cơ sở đào tạo, tổ chức đào tạo, sát hạch và cấp đổi, thu hồi giấy phép lái xe của lực lượng Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành

Số hiệu 15/2009/TT-BCA(C11)
Ngày ban hành 31/03/2009
Ngày có hiệu lực 01/07/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Trần Đại Quang
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ CÔNG AN
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 15/2009/TT-BCA(C11)

Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 2009

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ CƠ SỞ ĐÀO TẠO, TỔ CHỨC ĐÀO TẠO, SÁT HẠCH VÀ CẤP ĐỔI, THU HỒI GIẤY PHÉP LÁI XE CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật giao thông đường bộ năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Bộ Công an;
Bộ Công an quy định về cơ sở đào tạo, tổ chức đào tạo, sát hạch và cấp đổi, thu hồi Giấy phép lái xe của lực lượng Công an nhân dân, như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi áp dụng

Thông tư này quy định về cơ sở đào tạo, tổ chức đào tạo, sát hạch và cấp đổi, thu hồi Giấy phép lái xe của lực lượng Công an nhân dân.

2. Đối tượng áp dụng

2.1. Cơ sở đào tạo lái xe được Bộ Công an có quyết định thành lập hoặc cho phép bằng văn bản theo quy định.

2.2. Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt, sỹ quan, hạ sỹ quan (sau đây gọi tắt là cán bộ, chiến sỹ) Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ sát hạch cấp, đổi, thu hồi Giấy phép lái xe.

2.3. Cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân, công nhân viên Công an nhân dân, người lao động có hợp đồng từ 12 tháng trở lên (sau đây gọi là cán bộ, chiến sỹ) do cấp có thẩm quyền ký liên quan đến việc học, thi sát hạch lấy Giấy phép lái xe do ngành Công an cấp.

3. Thời hạn của Giấy phép lái xe

3.1. Giấy phép lái xe mô tô hạng A1, A2, A3 có giá trị không thời hạn;

3.2. Các hạng Giấy phép lái xe hạng A4, B1, B2 có giá trị 5 năm;

3.3. Các hạng Giấy phép lái xe hạng C, D, E, F có giá trị 3 năm.

II. CƠ SỞ VÀ TỔ CHỨC ĐÀO TẠO

Cơ sở đào tạo lái xe thuộc Bộ Công an có nhiệm vụ quyền hạn và phải đảm bảo những điều kiện, tiêu chuẩn sau:

1. Nhiệm vụ của cơ sở đào tạo lái xe

1.1. Tổ chức tuyển sinh, khai giảng, đào tạo, cấp chứng chỉ nghề.

1.2. Trước 15 ngày khai giảng lớp học, cơ sở đào tạo lái xe phải có công văn kèm theo danh sách (Báo cáo số 01) và kế hoạch giảng dạy của khóa học tới Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (ở Trung ương) hoặc Phòng Cảnh sát giao thông (ở địa phương) để được công nhận lớp học và phối hợp theo dõi quản lý đào tạo, tổ chức sát hạch.

1.3. Trước 15 ngày kết thúc khóa học cơ sở đào tạo phải có công văn đề nghị sát hạch (dự kiến ngày, địa điểm sát hạch) kèm theo danh sách (báo cáo số 02) đến Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (ở Trung ương) hoặc Phòng Cảnh sát giao thông (ở địa phương) để có quyết định sát hạch.

1.4. Thu, sử dụng học phí học lái xe, lệ phí sát hạch theo đúng quy định.

2. Tiêu chuẩn, điều kiện của giáo viên

2.1. Giáo viên giảng dạy Luật giao thông đường bộ phải là cử nhân Luật hoặc tốt nghiệp Học viện, Đại học Công an nhân dân hoặc Đại học giao thông vận tải, được tổ chức tập huấn kiểm tra cấp chứng chỉ sư phạm và chứng chỉ đào tạo lái xe.

2.2. Giáo viên dạy thực hành lái xe phải có giấy phép lái xe từ hạng B2 trở lên và tương ứng với loại xe đào tạo, có chứng chỉ đào tạo lái xe, chứng chỉ sư phạm, có thâm niên thực tế lái xe từ 3 năm trở lên (đối với hạng B2 và từ 5 năm trở lên đối với hạng C, D, E, F).

3. Hệ thống phòng học, xưởng, trường

3.1. Phòng học Luật giao thông đường bộ phải có diện tích từ 50m2 trở lên cho mỗi lớp học từ 30 đến 35 học sinh, có thiết bị tin học, có hệ thống biển báo hiệu đường bộ, sa bàn bố trí các tình huống giả định khi giảng dạy Luật giao thông đường bộ.

3.2. Phòng học cấu tạo ôtô: Gồm phòng học cấu tạo động cơ, điện ôtô và hệ thống gầm; có mô hình, hình vẽ sơ đồ cấu tạo, mô tả nguyên lý hoạt động của hệ thống động cơ, điện, gầm loại xe chạy xăng và loại chạy dầu thông dụng; có các cụm chi tiết và tổng thành chủ yếu, hệ thống truyền động, hệ thống lái.

3.3. Phòng học kỹ thuật lái xe phải có mô hình, đồ dùng giảng dạy, sa bàn thu nhỏ để dạy thao tác lái xe cơ bản, kỹ năng và kinh nghiệm lái xe trên các loại đường, kèm theo phải có ca bin điện tử hoặc đầu ca bin thực kê cao để tập số nguội (thao tác khi động cơ nổ) và có thiết bị bổ trợ khác.

[...]