BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
143/2014/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày 30
tháng 09 năm 2014
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH VIỆC LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
“HỖ TRỢ, PHÁT TRIỂN NHÓM TRẺ ĐỘC LẬP TƯ THỤC Ở KHU VỰC KHU CÔNG NGHIỆP, KHU CHẾ
XUẤT ĐẾN NĂM 2020” TỪ NGUỒN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Ngân
sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP
ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP
ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Thực hiện Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng
Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở
khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020”;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành
chính sự nghiệp,
Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự
toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án “Hỗ trợ, phát triển
nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020”
từ nguồn ngân sách nhà nước.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối
tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn về lập dự toán, quản lý, sử
dụng và quyết toán kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế
xuất đến năm 2020” theo quy định tại Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng
Chính phủ.
2. Đối tượng áp dụng
a) Các cơ quan Trung ương, địa phương được giao nhiệm
vụ thực hiện Đề án;
b) Các cơ quan, đơn vị, cá nhân khác có liên quan.
Điều 2. Nguyên tắc sử dụng kinh
phí thực hiện Đề án
1. Kinh phí thực hiện Đề
án thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm theo phân cấp quản lý ngân
sách nhà nước hiện hành quy định tại Luật Ngân
sách Nhà nước và được bố trí trong dự toán của các cơ quan, đơn vị được
giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện nhiệm vụ.
2. Kinh phí thực hiện Đề
án từ nguồn ngân sách nhà nước được quản lý, sử dụng đúng mục đích, chế
độ, tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước và theo các quy định cụ thể tại Thông tư
này.
Điều 3. Nội dung chi
1. Nội dung chi do các cơ quan Trung ương thực hiện:
a) Chi các hoạt động triển khai, giám sát, đánh
giá, tổng kết việc thực hiện Đề án, gồm:
- Chi tổ chức hội nghị giới thiệu, hội nghị tập huấn
triển khai Đề án; hội thảo trao đổi kinh nghiệm; các hội nghị sơ kết, tổng kết
cấp Trung ương;
- Chi xây dựng bộ chỉ số giám sát, đánh giá thực hiện
Đề án; giám sát tiến độ, hiệu quả thực hiện
Đề án định kỳ, hàng năm hoặc đột xuất;
- Chi công tác phí đi chỉ đạo, kiểm tra, giám sát
việc thực hiện Đề án; chi viết báo cáo tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Đề án; chi tiền lương làm việc vào ban đêm, làm
thêm giờ (nếu có); chi văn phòng phẩm, vật tư, trang thiết bị và các chi phí
khác phục vụ trực tiếp hoạt động của bộ phận giúp việc Đề án.
b) Chi điều tra, khảo sát số lượng con công nhân
lao động khu công nghiệp, khu chế xuất dưới 36 tháng tuổi và thực trạng trông
giữ trẻ của các gia đình và các nhóm trẻ; rà soát các cá nhân, tổ chức có điều
kiện thành lập nhóm trẻ;
c) Chi xây dựng tài liệu cho các cuộc đào tạo, bồi
dưỡng, tập huấn, tài liệu truyền thông để hỗ trợ nâng cao năng lực cho người quản
lý, giáo viên, bảo mẫu các nhóm trẻ độc lập tư thục và các bà mẹ, người chăm
sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi tại các khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất, gồm:
- Tài liệu cho các cuộc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn
chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức lương tâm nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên và
bảo mẫu tại các nhóm trẻ độc lập tư thục; tài liệu về kiến thức chăm sóc, giáo
dục trẻ em cho các bà mẹ;
- Tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực về
giám sát và tham gia công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em cho cán bộ Hội Liên hiệp
phụ nữ các cấp;
- Chi biên soạn tài liệu truyền thông về chăm sóc
và phát triển trẻ em.
d) Chi các hoạt động truyền thông, tư vấn chăm sóc
con cho công nhân lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Chi tuyên truyền
trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương nhằm nâng cao nhận thức
và vận động cộng đồng tích cực hỗ trợ cho công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em.
đ) Chi tổ chức các khóa
tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực về giám sát và tham gia công tác chăm sóc
và bảo vệ trẻ em cho cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương;
e) Chi tổ chức hội thảo nghiên cứu, rà soát và đề
xuất chính sách hỗ trợ phụ nữ có con dưới 36 tháng tuổi là công nhân lao động;
chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại các khu công nghiệp, khu chế xuất;
g) Chi công tác chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ nhóm trẻ
độc lập tư thục trong công tác chăm sóc sức khỏe của trẻ em; chi hoạt động phối
hợp tổ chức khám sức khỏe định kỳ tại các nhóm trẻ độc lập tư thục;
h) Chi thực hiện các hoạt động phối hợp liên ngành
trong chỉ đạo, kiểm tra giám sát, hỗ trợ kỹ thuật.
2. Nội dung chi do các địa phương thực hiện:
a) Chi truyền thông, vận động, giáo dục nâng cao nhận
thức tại cộng đồng, phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương,
đoàn thể và các ngành liên quan trong quản lý nhóm trẻ; truyền thông, tư vấn
chăm sóc con cho công nhân lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất;
b) Chi công tác phí đi chỉ đạo, kiểm tra, giám sát
việc thực hiện tại địa phương; chi tổ chức các cuộc họp sơ kết, tổng kết các cấp
ở địa phương; chi văn phòng phẩm và các chi phí khác phục vụ trực tiếp cho hoạt
động triển khai Đề án;
c) Tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn
nghiệp vụ cho cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ của địa phương về giám sát và tham
gia công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn,
nghiệp vụ và đạo đức lương tâm nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên mầm non và người
quản lý nhóm trẻ độc lập tư thục ở địa phương; tập huấn cho các bà mẹ về kiến thức
chăm sóc và nuôi dạy trẻ em.
d) Chi in ấn, sao chụp, nhân bản các tài liệu để thực
hiện tập huấn, bồi dưỡng, tuyên truyền (trên cơ sở tài liệu do Trung ương cung
cấp, các địa phương tiến hành in ấn, sao chụp, nhân bản phục vụ các cuộc tập huấn,
bồi dưỡng, tuyên truyền được tổ chức tại địa phương);
đ) Chi hỗ trợ tài liệu sinh hoạt câu lạc bộ để kết
nối mạng lưới các chủ nhóm trẻ tại địa phương nhằm chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi
thông tin lẫn nhau giữa các nhóm trẻ. Địa điểm sinh hoạt Câu lạc bộ, nước uống
do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tạo
điều kiện hỗ trợ;
e) Hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ
độc lập tư thục, bao gồm cả các nhóm được kiện toàn và nhóm thành lập mới.
Điều 4. Mức chi
1. Chi thực hiện các cuộc điều tra, khảo sát trong
nước thực hiện theo quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BTC
ngày 11/05/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh
phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê.
2. Chi biên soạn, xây dựng tài liệu giảng dạy, tài
liệu tập huấn: Thực hiện, theo nội dung chi, mức chi xây dựng chương trình
khung và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học đối với ngành đào tạo đại
học, cao đẳng quy định tại Thông tư số 123/2009/TT-BTC
ngày 17/06/2009 của Bộ Tài chính.
3. Chi tổ chức các khóa
đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn thực hiện theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính
quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước
dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
4. Chi tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại
chúng (xây dựng tài liệu truyền thông, xây dựng băng, đĩa, tiểu phẩm truyền
thông và các nội dung chi khắc phục vụ hoạt động tuyên truyền); chi bồi dưỡng
báo cáo viên, cộng tác viên, tiền nước uống các cuộc sinh hoạt câu lạc bộ thực
hiện theo mức chi tuyên truyền và mức chi thù lao báo cáo viên, tuyên truyền
viên pháp luật, nước uống sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật quy định tại Thông tư
số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ
Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh
phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật
của người dân tại cơ sở.
5. Chi tổ chức hội nghị triển khai công tác của Đề án, sơ kết, tổng kết Đề án; chi công tác phí
chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án;
chi công tác phí chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ nhóm trẻ độc lập tư thục trong công
tác chăm sóc sức khỏe của trẻ em và phối hợp tổ chức khám sức khỏe định kỳ tại
các nhóm trẻ độc lập tư thục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính
quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các hội nghị đối với các cơ
quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
6. Chi tổ chức hội thảo khoa học thực hiện theo Thông
tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày
7/5/2007 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng và
phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử
dụng ngân sách nhà nước.
7. Chi hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm
trẻ độc lập tư thục, bao gồm cả các nhóm được kiện toàn và nhóm thành lập mới:
Căn cứ khả năng của ngân sách địa phương và tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương trình Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ cụ thể.
8. Chi in ấn các ấn phẩm, tài liệu giảng dạy và các
khoản chi khác thực hiện theo hóa đơn, chứng
từ hợp pháp, hợp lệ theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Điều 5. Lập dự toán, chấp hành
và quyết toán kinh phí:
Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí
ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện Đề án
thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà
nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn
thi hành. Thông tư này quy định thêm một số điểm đặc thù về công tác lập dự
toán kinh phí như sau:
1. Hàng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (cơ quan
chủ trì Đề án) căn cứ vào tiến độ thực hiện Đề
án có văn bản hướng dẫn các nội dung công việc cụ thể thực hiện Đề án để
các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có căn cứ lập dự toán ngân sách để triển
khai Đề án.
2. Đối với dự toán chi thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn ngân sách Trung
ương:
Căn cứ hướng dẫn nội dung công việc cụ thể thực hiện
Đề án của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam,
các Bộ, cơ quan Trung ương được phân công nhiệm vụ thực hiện Đề án lập dự toán chi tiết, tổng hợp chung vào
dự toán ngân sách của cơ quan, gửi Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Kinh phí thực hiện Đề
án của cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được sử dụng từ nguồn 2%
kinh phí công đoàn.
3. Đối với dự toán chi thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn ngân sách địa
phương:
Căn cứ hướng dẫn nội dung công việc cụ thể thực hiện
Đề án của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện
Đề án ở địa phương lập dự toán kinh phí
thực hiện Đề án và tổng hợp cùng với dự toán chi ngân sách của cơ quan, gửi cơ
quan tài chính đồng cấp tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Điều 6. Tổ chức thực hiện:
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/11/2014.
2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật trích
dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm
pháp luật khác thì áp dụng quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng
mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh
kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó TTCP;
- Văn phòng TW Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chính phủ;
- VP Quốc hội;
- VP Chủ tịch nước;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện KSND tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Cơ quan TW của các Hội, Đoàn thể;
- UBND, HĐND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở TC, KBNN các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Cổng TTĐTCP, Website Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, HCSN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trương Chí Trung
|