Thông tư 14-NV-1969 về việc phân cấp cho các Uỷ ban hành chính Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương cấp sổ trợ cấp chính thức cho những người được hưởng trợ cấp hưu trí, mất sức lao động, thương tật vì tai nạn lao động, tiền tuất do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 14-NV
Ngày ban hành 24/05/1969
Ngày có hiệu lực 08/06/1969
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Lê Tất Đắc
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14-NV

Hà Nội, ngày 24 tháng 05 năm 1969 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC PHÂN CẤP CHO CÁC UỶ BAN HÀNH CHÍNH TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG CẤP SỔ TRỢ CẤP CHÍNH THỨC CHO NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC HƯỞNG TRỢ CẤP HƯU TRÍ, MẤT SỨC LAO ĐỘNG, THƯƠNG TẬT VÌ TAI NẠN LAO ĐỘNG, TIỀN TUẤT.

Kính gửi : Các Uỷ ban hành chính thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh.

Để cải tiến công tác quản lý hồ sơ, cấp phát sổ trợ cấp bảo hiểm xã hội về các chế độ hưu trí, mất sức lao động, thương tật vì tai nạn lao động, tiền tuất cho phù hợp với tình hình mới kể từ ngày 01 tháng 07 năm 1969 Bộ Nội vụ phân cấp cho Uỷ ban hành chính các thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh cấp các loại sổ trợ cấp chính thức (theo mẫu thống nhất của Bộ) và thanh toán tiền trợ cấp lần đầu, quý đầu cho các loại sổ trợ cấp sau đây :

1. Đối với công nhân, viên chức.

a) Sổ trợ cấp hưu trí mất sức lao động, thương tật của công nhân, viên chức các đơn vị trực thuộc địa phương và các đơn vị trực thuộc trung ương đã nộp kinh phí 1% cho địa phương ;

b) Sổ trợ cấp tiền tuất cho thân nhân các công nhân, viên chức chết, được trợ cấp tuất lâu dài.

2. Đối với quân nhân.

a) Sổ trợ cấp hưu trí, mất sức lao động của các quân nhân các đơn vị lực lượng vũ trang đóng tại địa phương và các quân nhân phục viên thuộc đối tượng được xét trợ cấp hưu trí, mất sức lao động hiện cư trú ở địa phương ;

b) Sổ trợ cấp tiền tuất cho thân nhân các tử sĩ được trợ cấp tuất lâu dài.

3. Đối với những người đã có sổ trợ cấp chính thức do địa phương cấp, khi đương sự bị mất sổ thì việc cấp sổ lần thứ hai cho đương sự cũng do địa phương cấp.

4. Đối với những trường hợp phải điều chỉnh lại các khoản trong sổ trợ cấp đã cấp cho đương sự, địa phương sẽ tiến hành việc điều chỉnh sau khi đã báo cáo về Bộ.

Ngoài việc phân cấp trên đây, từ nay cho đến khi Bộ Nội vụ phân cấp nốt toàn bộ việc thu kinh phí 1% cho các địa phương, Bộ Nội vụ vẫn trực tiếp nhận hồ sơ, cấp sổ trợ cấp và thanh toán tiền trợ cấp lần đầu, quý đầu về các chế độ hưu trí, mất sức lao động, thương tật vì tai nạn lao động cho công nhân, viên chức các cơ quan, xí nghiệp của trung ương và hai khu tự trị Việt Bắc, Tây Bắc hiện vẫn nộp kinh phí 1% cho Bộ Nội vụ, và cho các quân nhân các đơn vị Quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh công an nhân dân vũ trang.

Việc cấp sổ lần thứ hai cho những người đã được Bộ Nội vụ cấp sổ trợ cấp chính thức, nhưng bị mất sổ, và việc cấp sổ chính thức cho những người trước đây có sổ trợ cấp tạm thời, hoặc có sổ trợ cấp của Liên hiệp công đoàn, nay cần đổi lấy sổ chính thức của Bộ Nội vụ, vẫn do Bộ Nội vụ xét duyệt hồ sơ và cấp sổ chính thức như hiện hành.

Mặt khác để bảo đảm yêu cầu tăng cường sự chỉ đạo tập trung và thống nhất của Bộ Nội vụ đối với các chế độ trợ cấp nói trên, Uỷ ban hành chính các thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh cần làm đúng những quy định sau đây trong việc quản lý hồ sơ và cấp sổ trợ cấp :

1. Số thứ tự của các loại sổ trợ cấp, kể cả những loại sổ trợ cấp mà Bộ đã giao cho địa phương cấp sổ chính thức, vẫn do Bộ Nội vụ thống nhất quản lý. Vì vậy, trước khi cấp sổ trợ cấp chính thức cho các đương sự, Uỷ ban hành chính các thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh cần gửi hồ sơ kèm theo phiếu lập sổ và trợ cấp như hiện hành về Bộ để Bộ xét và cho số thứ tự của các loại sổ trợ cấp.

2. Các thể lệ về hồ sơ trợ cấp đã được quy định tại các Thông tư số 25-NV ngày 30 tháng 09 năm 1964, số 18-NV ngày 24 tháng 12 năm 1966, số 08-NV ngày 16 tháng 05 năm 1968 của Bộ Nội vụ, và Thông tư số 104-LB/QP ngày 12 tháng 04 năm 1965 của Liên bộ Quốc phòng – Công an - Nội vụ, vẫn phải chấp hành đầy đủ.

3. Các loại sổ trợ cấp mà Bộ đã phân cấp cho địa phương cấp, đều do Uỷ ban hành chính thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh ký. Tuy nhiên, đối với một số địa phương có nhiều việc, thì Uỷ ban hành chính thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh có thể uỷ nhiệm cho trưởng ban thương binh – xã hội ký thay. Cần chú ý là đối với những sổ trợ cấp hưu trí của các cán bộ trưởng, phó ty, uỷ viên uỷ ban hành chính huyện và các cấp tương đương thì phải do Uỷ ban hành chính thành phố trực thuộc trung ương hoặc tỉnh ký, và những cán bộ là tỉnh uỷ viên, uỷ viên Uỷ ban hành chính tỉnh đương chức cần nộp hồ sơ về Bộ để Bộ trực tiếp cấp sổ cho đương sự.

4. Từ ngày 01 tháng 07 năm 1969 trở đi, các địa phương không được cấp các loại sổ trợ cấp tạm thời về các chế độ hưu trí, mất sức lao động, thương tật vì tai nạn lao động, và tiền tuất của công nhân, viên chức và quân nhân chết không phải là liệt sĩ.

Để bảo đảm việc cấp sổ của địa phương và giải quyết các quyền lợi khác cho đương sự được kịp thời, các địa phương cần gửi hồ sơ về Bộ chậm nhất là một tháng trước ngày địa phương cho đương sự nghỉ việc.

Trường hợp đặc biệt, nếu không kịp gửi hồ sơ về Bộ trước một tháng để kịp thời cấp sổ trợ cấp chính thức cho đương sự khi nghỉ việc, thì Uỷ ban hành chính thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh có thể cấp cho đương sự giấy chứng nhận theo mẫu kèm theo[1]. Giấy chứng nhận này chỉ có giá trị trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày cấp và dùng để lĩnh trợ cấp lần đầu, quý đầu.

5. Kể từ ngày 01 tháng 07 năm 1969, bãi bỏ việc thu hồi 0đ30 tiền sổ trợ cấp quy định tại công văn số 4294-TBAT ngày 10 tháng 11 năm 1964 của Bộ.

6. Cuối năm và cuối mỗi quý (03 tháng) các ban thương binh – xã hội cần báo cáo về Bộ nhu cầu của địa phương về các loại sổ trợ cấp của năm sau và quý sau để Bộ kịp chuẩn bị cấp cho các địa phương.

Để việc cải tiến công tác quản lý hồ sơ và cấp sổ trợ cấp trên đây tiến hành được tốt, đề nghị Uỷ ban hành chính các thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh tăng cường chỉ đạo ban thương binh – xã hội kiện toàn công tác quản lý hồ sơ, trước mắt cần gấp rút bổ sung cán bộ có khả năng chuyên trách công tác này và kiên quyết thực hiện chuyên môn hoá cán bộ.

Trong khi thực hiện, nếu có những khó khăn gì, đề nghị các địa phương kịp thời báo cáo về Bộ Nội vụ để góp ý kiến giải quyết.

 

 
 
 

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
 
 


Lê Tất Đắc

 [1] không đăng mẫu giấy chứng nhận

[...]