Thông tư 14/2015/TT-BTP hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 14/2015/TT-BTP
Ngày ban hành 14/10/2015
Ngày có hiệu lực 27/11/2015
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Phan Chí Hiếu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2015/TT-BTP

Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2015

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG TRONG NGÀNH TƯ PHÁP

Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 1 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng,

Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Tư pháp.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn một số nội dung về đối tượng thi đua, khen thưởng; tổ chức phát động phong trào thi đua; danh hiệu thi đua và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua; hình thức khen thưởng và tiêu chuẩn hình thức khen thưởng; thẩm quyền quyết định, thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng; Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, Hội đồng khoa học, sáng kiến; Cụm, Khu vực thi đua và Quỹ Thi đua - Khen thưởng ngành Tư pháp.

Điều 2. Đối tượng thi đua

1. Đối tượng thi đua thường xuyên:

a) Các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp;

b) Cục Thi hành án dân sự;

c) Chi cục Thi hành án dân sự;

d) Tập thể nhỏ thuộc các đơn vị quy định tại điểm a, b khoản này;

đ) Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác, làm việc tại các cơ quan, đơn vị quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này, kể cả công chức, viên chức đang trong thời gian tập sự, nhân viên hợp đồng không xác định thời hạn, nhân viên hợp đồng lao động từ 01 năm trở lên.

2. Đối tượng thi đua theo đợt hoặc theo chuyên đề:

a) Tập thể, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Sở Tư pháp, tập thể, cá nhân thuộc Sở Tư pháp;

c) Tập thể, cá nhân thuộc cơ quan Thi hành án Bộ Quốc phòng;

d) Tập thể, cá nhân thuộc tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tập thể, cá nhân được xác định cụ thể trong Kế hoạch phát động phong trào thi đua theo đợt hoặc theo chuyên đề; tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác thực hiện nhiệm vụ liên quan đến các lĩnh vực công tác của ngành Tư pháp.

Điều 3. Đối tượng khen thưởng

1. Tập thể, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 được khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được; khen thưởng theo chuyên đề, theo đợt.

2. Cá nhân được khen thưởng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” theo quy định về xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

3. Cá nhân được khen thưởng quá trình cống hiến.

4. Tập thể, cá nhân được khen thưởng thành tích đột xuất xuất sắc.

[...]