Thông tư 13-TD/CN năm 1961 bổ sung cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn trong kế hoạch và ngoài kế hoạch quy định trong thể lệ cho vay ngắn hạn đối với các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh ban hành 23-8-1957 và trong thể lệ cho vay đối với vận tải quốc doanh ban hành ngày 22-11-1958 do Ngân Hàng Nhà Nước ban hành

Số hiệu 13-TD/CN
Ngày ban hành 28/12/1961
Ngày có hiệu lực 12/01/1962
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Trần Dương
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13-TD/CN

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 1961 

 

THÔNG TƯ

BỔ SUNG NỘI DUNG LOẠI CHO VAY DỰ TRỮ VẬT TƯ TRÊN MỨC TIÊU CHUẨN TRONG KẾ HOẠCH VÀ NGOÀI KẾ HOẠCH QUY ĐỊNH TRONG THỂ LỆ CHO VAY NGẮN HẠN ĐỐI VỚI CÁC XÍ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP QUỐC DOANH BAN HÀNH 23-8-1957 VÀ TRONG THỂ LỆ CHO VAY ĐỐI VỚI VẬN TẢI QUỐC DOANH BAN HÀNH NGÀY 22-11-1958

Để thi hành Quyết định số 130-TTg ngày 4-4-1957 của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành từng bước chế độ hạch toán kinh tế đối với các xí nghiệp quốc doanh, và thi hành Nghị định số 144-TTg, ngày 9-4-1957 của Thủ tướng Chính phủ về việc thanh toán giữa các cơ quan và xí nghiệp Nhà nước với nhau, Ngân hàng Nhà nước đã có Nghị định số 448-VP/NgĐ ngày 23-8-1957 và Nghị định số 321 ngày 22-11-1958 ban hành thể lệ và biện pháp cho vay ngắn hạn đối với các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh và vận tải quốc doanh.

Trong thể lệ và biện pháp cho vay ngắn hạn nói trên, Ngân hàng Nhà nước có quy định các loại cho vay trong đó loại cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn trong kế hoạch và ngoài kế hoạch là quan trọng nhất, vì nội dung loại cho vay này, chẳng những giải quyết nhu cầu vốn lưu động cho xí nghiệp, mà còn có tác dụng đảm bảo những nguyên tắc cơ bản về quản lý vốn lưu động của Nhà nước nó quyết định một phần quan trọng việc kinh doanh tốt của xí nghiệp và giúp xí nghiệp thực hiện tốt chế độ tiết kiệm vốn cho Nhà nước. Số vốn Ngân hàng Nhà nước cho các xí nghiệp vay để dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn cấu tạo thành nguồn vốn lưu động tối cần thiết cho xí nghiệp trong một thời gian nhất định, để đảm bảo thực hiện kế hoạch sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Từ năm 1958 đến nay, đi đôi với việc phát triển của các xí nghiệp quốc doanh, công tác quản lý các xí nghiệp ngày càng cải tiến, công tác cho vay của Ngân hàng cũng ngày càng mở rộng. Loại cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn ngày càng tăng, trở thành trọng điểm trong các loại cho vay đối với các xí nghiệp sản xuất công nghiệp và vận tải quốc doanh.

Để công tác cho vay và thu nợ của Ngân hàng tiến hành được tốt hơn nữa nhằm góp phần vào việc tăng cường chế độ hạch toán kinh tế ở các xí nghiệp công nghiệp, vận tải quốc doanh, đồng thời đảm bảo các nguyên tắc tín dụng ngắn hạn, đáp ứng với yêu cầu thực tế và thích hợp với trình độ hiện nay của các xí nghiệp trong quá trình dự trữ vật tư sản xuất, Ngân hàng trung ương ra thông tư này để bổ sung về nội dung loại cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn trong kế hoạch và ngoài kế hoạch đã quy định trong thể lệ cho vay ngắn hạn đối với các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, ban hành ngày 23-8-1957 và thể lệ cho vay đối với vận tải quốc doanh ban hành ngày 22-11-1958.

Nội dung thông tư này gồm có 3 phần:

1. Cách cho vay.

2. Cách thu nợ.

3. Cách kiểm tra sử dụng vốn vay của Ngân hàng.

I. CÁCH CHO VAY

Hàng năm căn cứ vào kế hoạch kinh tế quốc dân, kết hợp với việc cải tiến các điều kiện sản xuất, kinh doanh, điều kiện cung cấp tiêu thụ, điều kiện thanh toán, Nhà nước chỉ cấp cho các xí nghiệp một số vốn cần thiết tối thiểu đủ để đảm bảo cho xí nghiệp hoạt động bình thường và liên tục trong năm kế hoạch. Nhưng trong quá trình hoạt động, do những điều kiện cung cấp vật tư, tính chất sản xuất và tiêu thụ, có trường hợp xí nghiệp cần phải dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn theo thời vụ hay không theo thời vụ phải vay Ngân hàng để bù đắp cho các khoản vốn đó.

Khi xây dựng kế hoạch vốn lưu động định mức và kế hoạch cung cấp vật tư, có những khoản dự trữ trên mức tiêu chuẩn, do điều kiện cung cấp, sản xuất và tiêu thụ có thời vụ thì xí nghiệp, có thể biết trước để xây dựng kế hoạch dự trữ của xí nghiệp, nhưng cũng có trường hợp do nguyên nhân khách quan buộc xí nghiệp phải tạm thời dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn ngoài kế hoạch, cho nên để giúp đỡ xí nghiệp quản lý và sử dụng vật tư một cách chặt chẽ, nâng cao trình độ kế hoạch hóa các nguồn vốn, biện pháp cho vay của Ngân hàng cần phân biệt 2 loại cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn:

A. Cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn trong kế hoạch.

B. Cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn ngoài kế hoạch (nhu cầu tạm thời).

A. Cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn trong kế hoạch:

a) Đối tượng cho vay:

Đối tượng cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn trong kế hoạch bao gồm:

1. Các loại nguyên vật liệu chính.

2. Vật liệu phụ.

3. Nhiên liệu.

4. Bao bì.

5. Phụ tùng thay thế sửa chữa.

6. Sản phẩm đang chế tạo và bán thành phẩm tự chế.

7. Thành phẩm.

Nói chung, đối tượng cho vay trên mức tiêu chuẩn là từng nhóm vật tư theo các tài khoản trong bảng cân đối như trên. Nhưng tùy theo điều kiện định mức vốn và trình độ hạch toán của xí nghiệp, Ngân hàng có thể tách ra từng mặt hàng trong các nhóm nguyên vật liệu chính, vật liệu phụ v.v… thành đối tượng cho vay độc lập, nhưng với điều kiện là xí nghiệp có định mức tiêu chuẩn riêng biệt cho các loại mặt hàng đó.

Ví dụ: Một xí nghiệp cần dự trữ nguyên liệu trên mức tiêu chuẩn gồm có gang, sắt, chì chiếm một tỷ trọng lớn trong toàn bộ nguyên liệu, có định mức tiêu chuẩn riêng biệt, có theo dõi xuất nhập tồn kho riêng biệt thì khi cho vay Ngân hàng có thể tách ra thành đối tượng độc lập để tính toán cho xí nghiệp vay vốn.

b) Những trường hợp xí nghiệp phải dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn trong kế hoạch được vay Ngân hàng là:

[...]