Thông tư 1216-PC năm 1959 về việc kiện toàn tổ chức pháp chế ở các bộ và cơ quan Trung ương do Thủ Tướng ban hành

Số hiệu 1216-PC
Ngày ban hành 10/03/1959
Ngày có hiệu lực 25/03/1959
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Phạm Văn Bạch
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1216-PC

Hà Nội , ngày 10 tháng 03 năm 1959 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC KIỆN TOÀN TỔ CHỨC PHÁP CHẾ Ở CÁC BỘ VÀ CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG

BỘ TRƯỞNG THỦ TƯỚNG PHỦ

Kính gửi: các Bộ

Thi hành Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về việc tăng cường công tác pháp chế, Vụ pháp chế trực thuộc Thủ tướng phủ đã được thành lập theo Nghị định số 504-TTg ngày 26-10-1957 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Thông tư số 506-TTg cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đã hướng dẫn việc thành lập các cơ quan Pháp chế ở các Bộ, các cơ quan ngang Bộ và các Ủy ban hành chính địa phương.

Tới nay, một số Bộ đã thành lập Phòng hay Bộ phận Pháp chế, hoặc đã bước đầu chấn chỉnh các tổ chức pháp chế sẵn có. Nhưng nhìn chung, công tác pháp chế ở các Bộ còn yếu. Những bộ phận Pháp chế mới được xây dựng nhiều chưa có nội dung công tác rõ ràng hợp lý, còn gặp nhiều khó khăn trong lề lối làm việc. Ở một số Bộ thì công tác pháp chế chưa được chú ý đúng mức nên hoặc chưa thàn lập tổ chức pháp chế hoặc thử đặt rồi lại bỏ.

Căn cứ vào những kinh nghiệm bước đầu của các tổ chức pháp chế, chúng tôi xin góp một số ý kiến để giúp các Bộ quan niệm rõ về một số vấn đề chủ yếu trong việc kiện toàn các cơ quan pháp chế.

I. VỀ NỘI DUNG CÔNG TÁC CỦA CÁC TỔ CHỨC PHÁP CHẾ

Theo Thông tư số 506-TTg thì bộ phận pháp chế ở các Bộ có 5 nhiệm vụ cụ thể:

- Nghiên cứu về mặt pháp lý các dự thảo luật lệ do các bộ phận chuyên môn hay cơ quan thuộc Bộ thảo ra để Bộ ban hành hoặc gửi lên cấp trên xét duyệt.

- Nghiên cứu các vấn đề pháp lý liên quan đến công tác của Bộ; nghiên cứu góp ý kiến về mặt pháp lý vào các dự thảo luật lệ chung của các cơ quan khác gửi đến.

- Làm các thủ tục về ban hành các Nghị định Thông tư của Bộ.

- Góp ý kiến với các cơ quan thuộc Bộ và các cơ quan chính quyền đoàn thể sở quan để phổ biến trong cán bộ và nhân dân các luật lệ của Chính phủ và của Bộ ban hành.

- Sưu tầm các luật lệ, soát lại các văn bản của Bộ và cơ quan trực thuộc về mặt pháp lý, đề nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những văn bản ban hành không hợp lệ hoặc trái với các luật lệ hiện hành và các nguyên tắc pháp lý chung.

Trong những công tác trên, theo chúng tôi, các tổ chức pháp chế ở Bộ cần chú trọng những công tác chủ yếu sau đây:

1. Nghiên cứu góp ý kiến về mặt pháp lý vào các dự thảo luật lệ của Bộ.

Các bộ phận pháp chế hiện nay thường hay mắc mứu về nội dung của công tác nghiên cứu, góp ý kiến về mặt pháp lý. Cần hiểu nội dung và yêu cầu của việc nghiên cứu, góp ý kiến về mặt pháp lý là:

a) Nghiên cứu về tính hợp pháp của văn bản: xét xem văn bản có được ban hành trong phạm vi quyền hạn của cơ quan ban hành không, có theo những hình thức, thủ tục quy định không, có điểm nào về nội dung có trái với hiến pháp, luật, sắc lệnh, sắc luật, nghị định, thông tư của Chính phủ không, có điểm nào không ăn khớp với những quy định trong các văn bản của Bộ hay các ngành khác đã ban hành không? Nên quan niệm rõ ràng bộ phận pháp chế không phải tham gia ý kiến về nội dung đường lối chính sách của bản dự thảo, nhưng nói như thế không có nghĩa là bộ phận pháp chế không đi vào nội dung của văn bản vì qua việc nghiên cứu về mặt pháp lý như nói trên, bộ phận pháp chế có thể phát hiện những vấn đề cần sửa chữa, thêm bớt cho phù hợp với các luật lệ, các văn bản đã ban hành.

Quan niệm vấn đề một cách sâu rộng hơn, có thể nói bộ phận pháp chế sẽ thông qua việc đối chiếu bản dự thảo với các văn bản có tính chất luật lệ đã ban hành mà xét xem những quy định trong văn bản có phù hợp với những nguyên tắc pháp chế dân chủ không. Cụ thể là phải xem xét những quy định trong văn bản pháp luật có thể hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ không, có thể hiện nguyên tắc dân chủ tập trung và đường lối quần chúng của Đảng và Chính phủ không?

b) Xét xem văn bản có đáp ứng những yêu cầu về kỷ luật của các văn bản pháp quy của Nhà nước không? Các yêu cầu ấy là: văn bản phải trình bày vấn đề một cách rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu và không thể hiểu sai lạc ý nghĩa, không dài dòng, danh từ được chính xác, thống nhất.

2. Nghiên cứu các vấn đề pháp lý có liên quan đến công tác của Bộ.

Có nhiều vấn đề pháp luật thông thường mà mỗi khi giải quyết công tác hoặc nghiên cứu xây dựng một thể lệ, chế độ, cơ quan Nhà nước cần biết để làm cho đúng luật lệ. Trong các trường hợp ấy, cán bộ các ngành chuyên môn thường lúng túng. Có những vấn đề pháp lý cần phải đi sâu, nghiên cứu lâu, tham khảo nhiều tài liệu, mới có thể giải quyết được, nhất là đối với những vấn đề mà hiện nay pháp luật chưa có quy định rõ ràng cụ thể. Do đó, các bộ phận pháp chế không những có nhiệm vụ nghiên cứu và giúp đỡ Bộ giải quyết những vấn đề do Bộ (và các cơ quan nghiệp vụ) đề ra mà còn có trách nhiệm tự mình phát hiện những vấn đề cần phải có biện pháp thích đáng để giải quyết những yêu cầu cấp thiết hoặc lâu dài của công tác.

Những vấn đề pháp lý dù không thường hay quan trọng ở mỗi Bộ, mỗi cơ quan Nhà nước hiện nay không phải là ít. Chỉ cần cán bộ, công nhân, viên chức có tinh thần tôn trọng pháp luật và có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, thì sẽ thấy có nhiều điều cần biết và bộ phận pháp chế sẽ do đó mà phát huy được tác dụng của mình.

3. Soát lại các văn bản pháp quy.

Thông tư số 506-TTg giao cho bộ phận pháp chế trách nhiệm phải soát lại về mặt pháp lý các văn bản của Bộ và cơ quan trực thuộc, và có quyền đề nghị bãi bỏ những văn bản ban hành không hợp lệ, hoặc trái với luật lệ hiện hành và các nguyên tắc pháp chế chung. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, khẩn trương và có ý nghĩa chính trị lớn. Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về sản xuất nông nghiệp và vụ Đông xuân đã nhận định rằng “những thể lệ và chế độ hiện nay đương rất phiền phức, không hợp lý, gây trở ngại nhiều trong hoạt động của các ngành các cấp, nhất là cấp dưới”, và có đề ra cho các ngành trách nhiệm soát lại các chế độ, thể lệ trong từng ngành để giảm bớt và sửa chữa lại cho hợp lý. Cho nên việc soát lại các văn bản pháp quy làm được kịp thời sẽ giúp Bộ sửa chữa được kịp thời những việc bất hợp lý hoặc thiếu sót trong việc ban hành các thể lệ, chế độ. Muốn làm được việc này, các Bộ cần đặt vấn đề và giao nhiệm vụ cho Văn phòng Bộ và các cơ quan trực thuộc Bộ, và nên có kế hoạch thích hợp để tiến hành có trọng tâm, trọng điểm.

4. Sưu tầm, tập hợp các luật lệ.

Để có thể tiến hành công tác nghiên cứu dự thảo pháp luật và phục vụ tốt công tác nghiệp vụ đồng thời để làm cơ sở cho việc nghiên cứu khoa học của ngành mình và của Ủy ban Khoa học Nhà nước, các bộ phận pháp chế phải đặc biệt quan tâm đến công tác sưu tầm tập hợp luật lệ, sắp xếp, làm thành mục lục, hồ sơ nguyên tắc.

Nguyên tắc là ngành nào sưu tầm tập hợp luật lệ của ngành ấy và những luật lệ chung có liên quan đến công tác của ngành. Để tránh những việc làm trùng nhau, và để công việc có thể tiến hành nhanh gọn, Vụ Pháp chế (Thủ tướng Phủ) cần giúp đỡ và phối hợp công tác các bộ phận pháp chế theo một kế hoạch chung. Trên cơ sở những tài liệu sưu tầm tập hợp được, cán bộ pháp chế cần tiến hành việc nghiên cứu học tập để nắm vững luật lệ chung và luật lệ riêng của ngành mình. Ngoài những luật lệ của nước nhà, các Bộ cũng cần giúp đỡ cho cán bộ pháp chế có điều kiện thu thập và học tập được những tài liệu lý luận và luật lệ có liên quan của các nước bạn nữa.

[...]