Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 12-NV-1964 giải thích một số chính sách cụ thể về quản lý nhà cửa do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 12-NV
Ngày ban hành 22/04/1964
Ngày có hiệu lực 07/05/1964
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Nguyễn Văn Ngọc
Lĩnh vực Bất động sản

BỘ NỘI VỤ
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12-NV

Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 1964

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NỘI VỤ SỐ 12/NV NGÀY 22 THÁNG 4 NĂM 1964 GIẢI THÍCH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CỤ THỂ VỀ QUẢN LÝ NHÀ CỬA

Kính gửi: :
Đồng kính gửi:

- Các U. B. H. C khu, thành phố, tỉnh
- Các Sở quản lý nhà, đất thành phố trực thuộc Trung ương.
- Các Phòng quản lý nhà, đất Tỉnh, Thành phố trực thuộc Tỉnh và thị xã.

Trong và sau khi cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà cho thuê của tư nhân, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách về quản lý nhà cửa. Nhưng hiện nay, có nơi vẫn chưa quán triệt tinh thần các chính sách của Trung ương nên vẫn còn lúng túng trong việc giải quyết các vấn đề cụ thể hiện nay đang khá phức tạp. Để đáp ứng nhu cầu của các địa phương, Bộ giải thích thêm một số chính sách cụ thể sau đây:

1. Việc quản lý nhà vắng chủ:

Theo Nghị định số 19/CP ngày 29-6 -1960 của Hội đồng Chính phủ và Công văn số 19/BCT ngày 12-1-1961 của Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh Trung ương thì tất cả nhà vắng chủ, không kể của người Việt Nam hay của ngoại kiều, đều do cơ quan quản lý nhà, đất trực tiếp quản lý: cho thuê, thu tiền thuê, đóng thuế và sửa chữa. Các cơ quan, xí nghiệp, đoàn thể, hợp tác xã hay tư nhân sử dụng các loại nhà này đều phải ký hợp đồng thuê với cơ quan quản lý nhà, đất, kể cả trường hợp dùng vào việc kinh doanh, sản xuất hay vào các sự nghiệp y tế, văn hoá, giáo dục.

Từ trước đến nay, ta chưa quản lý chặt chẽ các loại nhà vắng chủ cho nên đã có cơ quan, xí nghiệp đưa cả nhà vắng chủ mà mình đang sử dụng vào vốn cố định của cơ quan, xí nghiệp. Nay các Uỷ ban hành chính phải lấy lại để quản lý theo chính sách đối với nhà vắng chủ.

Cơ quan quản lý nhà, đất phải lập bảng theo dõi thu chi đối với từng nhà, của từng chủ một để thanh toán với họ khi cần đến.

Nhà vắng chủ nếu là nhà tranh, tre, nứa lá sơ sài (không kể nhà gỗ kiên cố) thì cơ quan quản lý nhà, đất giao cho người đang ở tự sử dụng, không thu tiền thuê. Người sử dụng có trách nhiệm bảo quản, tu sửa nhà, khi không ở nữa thì phải giao lại cho cơ quan quản lý nhà, đất để phân phối cho người khác.

Đối với nhà vắng chủ phải hạn chế việc phá dỡ, trừ trường hợp cần thiết cho việc xây dựng các công trình lợi ích công cộng hoặc trường hợp nhà quá hư nát không thể sửa chữa được nữa. Khi phải phá dỡ thì dùng tiền bán nguyên liệu trả công phá dỡ, và đem số còn lại gửi vào Ngân hàng.

Nhà vắng chủ ở các xã, huyện thuộc ngoại thành, ngoại thị, nếu cần cho lợi ích công cộng thì do Uỷ ban hành chính xã, huyện đề nghị, Uỷ ban hành chính tỉnh quyết định việc sử dụng, theo chính sách đối với nhà vắng chủ.

2. Đối với nhà của Địa ốc Ngân hàng, viện trợ Mỹ hoặc các tổ chức khác của thực dân để lại:

Nhà của viện trợ Mỹ làm và cho thuê thì nay thuộc cơ quan quản lý nhà, đất quản lý toàn bộ. Nơi nào vẫn do Ty Tài chính quản lý và thu tiền thuê nhà thì Uỷ ban hành chính giao lại cho cơ quan quản lý nhà, đất quản lý (cả nhà và tiền cho thuê thu được từ trước đến nay).

Trước đây, các tổ chức viện trợ Mỹ và Địa ốc Ngân hàng xây dựng nhà rồi bán lại cho tư nhân mua bằng hình thức trả góp hoặc cho tư nhân làm nhà lên đất của viện trợ Mỹ hay của Địa ốc Ngân hàng, sau khi ở 5,10 năm thì nhà đó thuộc quyền sở hữu của các tổ chức ấy. Trường hợp này, nếu còn đủ giấy tờ chứng minh thì giải quyết như sau:

- Nhà tư nhân mua trả góp, nếu chưa trả hết mà nay tiếp tục trả số tiền còn nợ lại cho Nhà nước, thì nhà đó thuộc quyền sở hữu của họ. Nếu phải trả thêm mà họ không đủ khả năng trả nữa thì nhà đó thuộc Nhà nước quản lý; số tiền họ đã bỏ ra sẽ tính vào thời gian họ đã sử dụng nhà mà trừ đi, nếu trừ chưa hết thì sẽ trừ dần vào tiền thuê nhà.

- Nếu nhà do tư nhân xây dựng và ở trong thời hạn 5,10 năm rồi thuộc quyền sở hữu của các tổ chức nói trên thì nay Uỷ ban hành chính nên xét kỹ mà xác nhận quyền sở hữu chính thức cho người đã bỏ tiền ra xây dựng nhà. Người sở hữu nhà phải tu sửa nhà, phải tôn trọng thể lệ chung về nhà cửa và khi chuyển dịch quyền sở hữu phải xin phép cơ quan quản lý nhà, đất.

3. Đối với nhà cửa của tôn giáo (trừ nhà thờ và các nhà đang dùng cho việc thờ cúng):

Các nhà của các Hội truyền giáo ngoại quốc đều do Nhà nước quản lý và sử dụng.

Nhà của các cá nhân giáo sĩ là người ngoại quốc hiện không có mặt tại đây, thì Nhà nước quản lý và sử dụng, theo chính sách đối với nhà vắng chủ ngoại kiều.

Nhà dùng làm trường học, nhà tu kín, nhà tu nữ, v.v... đã cho thuê từ ngày hoà bình lập lại đến nay thì giải quyết theo như các loại nhà cho thuê khác. Nếu nhà do các cơ quan vận động để sử dụng không trả tiền thuê thì cơ quan sử dụng có trách nhiệm sửa chữa mỗi khi nhà hư hỏng. Phí tổn sửa chữa phải có hoá đơn làm chứng từ để lưu lại. Nếu các loại nhà này do các cơ quan vận động để sử dụng có trả tiền thuê, thì cơ quan quản lý nhà, đất có trách nhiệm thu tiền thuê, đóng thuế, và trích 60% tiền thuê gửi Ngân hàng làm quỹ sửa chữa nhà. Số tiền còn lại giao cho người quản lý hợp pháp. Nếu không có người quản lý hợp pháp thì cũng gửi cả vào Ngân hàng, để khi cần phải thanh toán đến.

4. Đối với một số trường hợp không giao nhà qua Nhà nước quản lý:

Nhà cho thuê của tư nhân thuộc diện cải tạo, nhà vắng chủ do tư nhân quản lý không hợp pháp, đến nay họ không chịu làm thủ tục bàn giao nhà qua Nhà nước quản lý thì Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố ra quyết định cho họ phải giao nhà cho cơ quan quản lý nhà, đất quản lý theo chính sách. Nếu họ không tuân theo thì coi như không chấp hành chính sách và Uỷ ban hành chính sẽ xét cần thiết đưa ra truy tố trước Toà án.

5. Nhà của tư sản vào công tư hợp doanh:

Nhà của tư sản dùng làm phương tiện kinh doanh công thương nghiệp như cửa hàng, kho tàng, văn phòng quản lý kinh doanh... trước đây chưa được giải quyết trong công tư hợp doanh thì cơ quan quản lý nhà, đất quản lý theo chính sách cải tạo nhà cửa.

Nếu các loại nhà trên đã kiểm kê, định giá và trả tức trong công tư hợp doanh nhưng nay lại chuyển thành nhà ở, nhà làm việc thì do cơ quan quản lý nhà, đất quản lý, cho thuê và trả tỷ lệ tiền thuê cố định cho chủ nhà.

6. Tỷ lệ tiền thuê cố định trả cho chủ nhà:

Mục đích của việc trả tỉ tệ tiền thuê cho chủ nhà là nhằm giúp cho chủ nhà sau cải tạo có diều kiện lao động để dần dần tiến tới hoàn toàn sống bằng sức lao động của mình. Do đó, tỉ lệ tiền nhà là cố định. Chủ nhà không thể xin tăng tỉ lệ tiền thuê, mặc dù giá cho thuê nhà có tăng lên sau khi sửa chữa. Ngược lại, nhà cửa do trong quá trình sử dụng bị hao mòn, làm cho giá trị sử dụng giảm xuống hoặc không còn sử dụng được nữa, phải dỡ bỏ, thì tỉ lệ tiền thuê trả cho chủ nhà cũng giảm xuống hoặc không trả nữa.

Nếu chủ nhà chết hoặc mất tích mà vợ hoặc chồng của họ yêu cầu thì ta xét cho người vợ hoặc chồng của họ được tiếp tục hưởng tỉ lệ tiền thuê.

[...]