Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư 12/2019/TT-NHNN quy định về chức danh, mã số ngạch, tiêu chuẩn nghiệp vụ và cách xếp lương các ngạch công chức ngành Ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu 12/2019/TT-NHNN
Ngày ban hành 19/08/2019
Ngày có hiệu lực 01/01/2020
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Người ký Đào Minh Tú
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Lao động - Tiền lương

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2019/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 19 tháng 8 năm 2019

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHỨC DANH, MÃ SỐ NGẠCH, TIÊU CHUẨN NGHIỆP VỤ VÀ CÁCH XẾP LƯƠNG CÁC NGẠCH CÔNG CHỨC NGÀNH NGÂN HÀNG

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;

Căn cứ Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ;

Sau khi thống nhất với Bộ Nội vụ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định chức danh, mã số ngạch, tiêu chuẩn nghiệp vụ và cách xếp lương các ngạch công chức ngành Ngân hàng.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định chức danh, mã số ngạch, tiêu chuẩn nghiệp vụ và cách xếp lương các ngạch công chức ngành Ngân hàng.

2. Thông tư này áp dụng đối với công chức làm việc tại Ngân hàng Nhà nước Trung ương và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 2. Chức danh và mã số ngạch các ngạch công chức ngành Ngân hàng, gồm:

1. Ngạch Kiểm soát viên cao cấp ngân hàng

Mã số ngạch: 07.044

2. Ngạch Kiểm soát viên chính ngân hàng

Mã số ngạch: 07.045

3. Ngạch Kiểm soát viên ngân hàng

Mã số ngạch: 07.046

4. Ngạch Thủ kho ngân hàng

Mã số ngạch: 07.048

5. Ngạch Thủ quỹ ngân hàng

Mã số ngạch: 06.034

6. Ngạch Kiểm ngân

Mã số ngạch: 07.047

Điều 3. Tiêu chuẩn chung về phẩm chất

Thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 11/2014/TT-BNV ngày 09 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và thực hiện theo các quy định của pháp luật khác liên quan đến chuyên ngành Ngân hàng.

Chương II

CHỨC TRÁCH, NHIỆM VỤ, TIÊU CHUẨN NGHIỆP VỤ CHUYÊN MÔN VÀ CÁCH XẾP LƯƠNG CÁC NGẠCH CÔNG CHỨC NGÀNH NGÂN HÀNG

Điều 4. Ngạch kiểm soát viên cao cấp ngân hàng

1. Chức trách

Là công chức có chuyên môn nghiệp vụ về kiểm soát ngân hàng cao nhất làm việc tại Ngân hàng Nhà nước Trung ương chịu trách nhiệm chủ trì tham mưu xây dựng cơ chế, quy chế về kiểm soát, kiểm toán các mặt hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước).

2. Nhiệm vụ

a) Chủ trì, nghiên cứu xây dựng chiến lược, định hướng chương trình kế hoạch công tác kiểm soát, kiểm toán dài hạn và biện pháp tổ chức thực hiện kiểm soát, kiểm toán các mặt hoạt động của Ngân hàng Nhà nước; trực tiếp xem xét, kết luận xử lý những vấn đề chuyên môn phức tạp;

b) Chủ trì triển khai kiểm soát, kiểm toán những vấn đề có liên quan đến nhiều lĩnh vực hoạt động Ngân hàng Nhà nước; trực tiếp chỉ đạo và thực hiện kiểm soát thường xuyên, đột xuất; kiểm toán định kỳ việc chấp hành các quy định, thể lệ, chế độ trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước; lập báo cáo kiểm soát, kiểm toán, lập biên bản kiểm soát, kiểm toán, kiến nghị đề xuất các biện pháp khắc phục, xử lý những thiếu sót, vi phạm đối với các đơn vị được kiểm soát, kiểm toán;

c) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng các cơ chế, quy chế, quy trình kiểm soát, kiểm toán Ngân hàng Nhà nước; quy chế, chế độ nghiệp vụ về hoạt động ngân hàng;

[...]