Thông tư 12/2006/TT-BCN hướng dẫn thi hành Nghị định 68/2005/NĐ-CP về an toàn hoá chất do Bộ Công nghiệp ban hành

Số hiệu 12/2006/TT-BCN
Ngày ban hành 22/12/2006
Ngày có hiệu lực 03/02/2007
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp
Người ký Đỗ Hữu Hào
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ CÔNG NGHIỆP
******

SỐ 12/2006/TT-BCN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2006

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 68/2005/NĐ-CP NGÀY 20 THÁNG 5 NĂM 2005 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ AN TOÀN HOÁ CHẤT

Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28 tháng 5 năm 2003 quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 68/2005/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về an toàn hoá chất;
Bộ Công nghiệp hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 68/2005/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về an toàn hoá chất (sau đây gọi là Nghị định số 68/2005/NĐ-CP) như sau:

A. QUY ĐỊNH CHUNG

I. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn các hoạt động về quản lý an toàn hóa chất bao gồm: khai báo hoá chất nguy hiểm; đánh giá hoá chất mới; phiếu an toàn hoá chất; phân loại và ghi nhãn hóa chất; kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố hoá chất; khoảng cách an toàn và báo cáo an toàn hoá chất.

2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động hoá chất nguy hiểm theo quy định tại Nghị định số 68/2005/NĐ-CP, trừ một trong các hoá chất sau:

a) Hóa chất quy định tại khoản 2, Điều 1 Nghị định số 68/2005/NĐ-CP;

b) Hóa chất phục vụ cho mục đích an ninh, quốc phòng;

c) Các loại sản phẩm, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học phục vụ cho mục đích chữa bệnh, nuôi trồng động thực vật, trừ dịch hại, diệt khuẩn trong lĩnh vực gia dụng, y tế, thủy sản, nông nghiệp;

d) Hóa chất có trong thiên nhiên và chưa qua chế biến, xử lý;

đ) Các kim loại, hợp kim, thủy tinh, gốm sứ sử dụng trong lĩnh vực xây dựng, gia dụng hoặc gia công cơ khí;

e) Các chất phát sinh ngoài ý muốn trong quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển, sử dụng hóa chất;

g) Các hoá chất trung gian tạo thành trong quá trình sản xuất và không tồn tại khi kết thúc sản xuất;

h) Các sản phẩm polyme hoặc các hợp chất polyme có hóa chất mới hoặc hóa chất nguy hiểm ở hàm lượng nhỏ hơn 2% theo khối lượng.

II. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Danh mục hoá chất nước ngoài” là bản liệt kê hóa chất được phép lưu hành trong các quốc gia là thành viên của EU hoặc quốc gia là thành viên của OECD, do cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia đó ban hành.

2. “Khai báo hóa chất nguy hiểm” là thủ tục mà tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất thực hiện khi có các hoạt động liên quan đến hóa chất nguy hiểm theo quy định tại phần B Thông tư này.

3. Khoảng cách an toàn” là khoảng cách theo mọi hướng tính từ tâm đặt thiết bị sản xuất, chứa đựng hoá chất nguy hiểm đến một vị trí, địa điểm bất kỳ quy định tại khoản 1, Điều 12 Nghị định số 68/2005/NĐ-CP của Chính phủ về An toàn hoá chất, sao cho tại vị trí đó nồng độ hoá chất nguy hiểm do cháy, nổ lan truyền từ các thiết bị trong trường hợp sự cố đạt mức nhỏ hơn ngưỡng định lượng quy định tại khoản 1, mục I, phần G Thông tư này.

4. IUPAC là tên viết tắt của Hiệp hội hoá học cơ bản và ứng dụng (International Union of Pure and Applied Chemistry).

5. “Mã số CAS”của một hóa chất là dãy các chữ số duy nhất ấn định cho mỗi hoá chất theo quy tắc của tổ chức Chemical Abstracts Service (CAS).    

6. “OECD” là tên viết tắt của tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế  (Organisation for Economic Co-operation and Development).

7. “Phiếu an toàn hóa chất” là tài liệu ở dạng văn bản được biên soạn theo quy định tại phần D Thông tư này. Phiếu an toàn hóa chất còn có tên thông dụng bằng tiếng Anh là Material safety data sheet (MSDS) hoặc Safety data sheets (SDS).

III. Phân loại hoá chất nguy hiểm

1. Căn cứ vào đặc tính nguy hiểm hoá chất nguy hiểm được phân loại thành các dạng sau:

a) Dễ nổ;

b) Ôxi hoá mạnh;

[...]