Thông tư 1118/TT-TTNN-1996 hướng dẫn giải quyết khiếu nại hành chính hiện nay do Thanh Tra Nhà Nước ban hành

Số hiệu 1118/TT-TTNN
Ngày ban hành 20/07/1996
Ngày có hiệu lực 04/08/1996
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Thanh tra Nhà nước
Người ký Tạ Hữu Thanh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THANH TRA NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1118/TT-TTNN

Hà Nội, ngày 20 tháng 7 năm 1996

 

THÔNG TƯ

CỦA THANH TRA NHÀ NƯỚC SỐ 1118/TT-TTNN NGÀY 20 THÁNG 7 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI HÀNH CHÍNH HIỆN NAY

Sau khi Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1991 được ban hành, nhiều Luật và Pháp lệnh đã được Nhà nước thông qua, trong đó có quy định về việc giải quyết khiếu nại của công dân. Ngày 21-5-1996, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính được ban hành quy định thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính của Toà án nhân dân.

Để tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan hành chính Nhà nước với Toà án nhân dân các cấp nhằm giải quyết có hiệu quả các khiếu kiện hành chính; trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1991 Tổng Thanh tra Nhà nước hướng một số vấn đề như sau:

I. VỀ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT.

1. Từ 1-7-1996 Toà án nhân dân các cấp có thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính. Theo quy định tại Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì trước khi khởi kiện tại Toà án nhân dân, công dân phải khiếu nại với cơ quan Nhà nước, người đã ra quyết định hành chính hay có hành vi hành chính mà họ cho là trái Pháp luật. Như vậy việc giải quyết khiếu nại lần đầu thuộc trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước.

Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì người khiếu nại có quyền lựa chọn: khiếu nại lên cấp trên trực tiếp hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền theo quy định tại Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Việc giải quyết các khiếu nại thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện theo quy định của Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1991 hoặc các văn bản pháp luật hiện hành.

2. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính lần đầu được xác định theo quy định tại Điều 10 Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1991: "Khiếu nại đối với nhân viên mà nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý của cơ quan nào, thì thủ trưởng cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết. Khiếu nại đối với quyết định hoặc việc làm của thủ trưởng cơ quan nào, thì thủ trưởng cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết".

Đối với các khiếu nại được quy định trong các Luật hoặc Pháp lệnh khác ban hành sau Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1991 thì thẩm quyền giải quyết lần đầu được xác định theo các văn bản Pháp luật đó.

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra văn bản quyết định giải quyết; nếu không giải quyết thì phải ra văn bản trả lời và ghi rõ lý do. Quyết định giải quyết hoặc văn bản trả lời phải gửi cho đương sự, đồng thời phải gửi cơ quan Nhà nước cấp trên.

Nếu quá thời hạn không có văn bản quyết định giải quyết hoặc văn bản trả lời thì thủ trưởng cơ quan đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

3. Nếu vụ việc đã được giải quyết lần đầu nhưng đương sự không đồng ý mà tiếp khiếu lên cơ quan Nhà nước cấp trên trực tiếp thì cơ quan đó phải tiếp nhận, giải quyết theo quy định tại Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1991, Nghị định 38/HĐBT ngày 28-1-1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) hoặc các văn bản pháp luật hiện hành.

4. Vụ việc một người khiếu nại đã được giải quyết lần đầu sau đó vừa khởi kiện tại Toà án, vừa tiếp khiếu lên cơ quan cấp trên trực tiếp thì vụ việc đó thuộc thẩm quyền của Toà án. Cơ quan đã thụ lý vụ việc phải chuyển toàn bộ hồ sơ hiện có cho Toà án có thẩm quyền.

Trường hợp cùng một vụ việc có nhiều người khiếu kiện, trong đó có người khởi kiện tại Toà án, có người tiếp khiếu lên cơ quan hành chính cấp trên thì vụ việc này thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính Nhà nước.

Khái niệm một vụ việc có nhiều người khiếu kiện là một quyết định hành chính hoặc một hành vi hành chính và những người khiếu kiện này có cùng chung một mục đích, một yêu cầu.

Ví dụ: UBND huyện B, ra quyết định giải toả nhà đất của một số hộ dân cư để xây dựng đường giao thông hoặc công trình công cộng, quyết định này có thể làm phát sinh các khiếu nại khác nhau:

- Nếu tất cả hoặc một số hộ thuộc đối tượng thi hành quyết định đó khiếu kiện về quyết định giải toả của UBND huyện B, vì cho rằng quyết định đó không đúng với quy hoạch phê duyệt, thì được coi là cùng một vụ việc có nhiều người khiếu kiện.

- Nếu một số hộ thuộc đối tượng thi hành quyết định đó khiếu nại về tính hợp pháp của quyết định đó; một số khác khiếu nại về mức đền bù thì không được coi là cùng một vụ việc có nhiều người khiếu kiện mà đây là hai vụ việc riêng biệt: Một là khiếu kiện về tính hợp pháp của quyết định giải toả, hai là khiếu kiện về mức đền bù được ghi trong quyết định đó.

5. Khi nhận được các khiếu nại đối với quyết định, hành vi có tính chất hành chính của các đoàn thể xã hội thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết theo trình tự và thủ tục quy định tại Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1991, Nghị định 38/HĐBT ngày 28-1-1992 hoặc các văn bản pháp luật hiện hành. Những khiếu nại liên quan đến việc vi phạm điều lệ, quy chế nội bộ của đoàn thể xã hội thì được giải quyết theo điều lệ của đoàn thể xã hội đó.

Ví dụ: Khiếu nại của một đoàn viên công đoàn bị khai trừ thì giải quyết theo điều lệ công đoàn. Đối với loại khiếu nại về hình thức kỷ luật hành chính của cán bộ công đoàn chuyên trách thì được giải theo qui định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo của công dân.

6. Các vụ việc khiếu nại hành chính đã được giải quyết hết thẩm quyền và theo trình tự hành chính được quy định tại Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1991 hoặc các văn bản pháp luật hiện hành, nếu công dân vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì việc khởi kiện ra Toà án hay không là thuộc quyền lựa chọn của công dân.

II. VỀ TRÌNH TỰ THỦ TỤC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI

1. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra văn bản trả lời cho đương sự trong thời hạn mà pháp luật quy định, nếu đương sự không đồng ý việc giải quyết, thì văn bản trả lời là cơ sở để đương sự thực hiện quyền khởi kiện tại Toà án nhân dân hoặc tiếp khiếu lên cơ quan Nhà nước cấp trên. Nếu trong thời hạn quy định mà cơ quan đó không trả lời thì cơ quan cấp trên trực tiếp phải có biện pháp buộc cơ quan đó trả lời cho đương sự bằng văn bản như quy định tại điểm 2 phần I Thông tư này.

2. Cơ quan Nhà nước, khi nhận được khiếu nại của công dân, nếu thấy vụ việc đó đã được giải quyết lần đầu mà thuộc thẩm quyền của mình thì phải thụ lý giải quyết. Việc thụ lý thực hiện theo quy định tại Điều 21 Pháp lệnh KNTC của công dân năm 1991 và yêu cầu đương sự cung cấp văn bản quyết định giải quyết hoặc văn bản trả lời của cơ quan đã giải quyết lần đầu.

Khi thụ lý, cơ quan này phải đồng thời thông báo cho Toà án nhân dân có thẩm quyền biết.

Nếu không thuộc thẩm quyền của mình thì cơ quan nhận được khiếu nại phải hướng dẫn công dân có thể tiếp khiếu lên cơ quan có thẩm quyền hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền.

3. Trong trường hợp đương sự khởi kiện tại Toà án nhân dân, Toà án đã thụ lý nhưng chưa xét xử sơ thẩm, mà đương sự rút đơn kiện, Toà án đã ra quyết định đình chỉ vụ án đó, nếu đương sự tiếp khiếu theo trình tự hành chính thì các cơ quan có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết. Trong trường hợp này, cơ quan thụ lý phải yêu cầu và đương sự có trách nhiệm cung cấp quyết định đình chỉ vụ án của Toà án nhân dân. 4. Trong quá trình giải quyết các khiếu nại hành chính tại các cơ quan Nhà nước, nếu đương sự rút đơn khiếu nại thì trả lại đơn và các tài liệu mà đương sự đã cung cấp (nếu đương sự yêu cầu). Khi nhận lại đơn và các tài liệu đó đương sự phải ký nhận.

[...]