Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 11-LĐ/TT-1985 hướng dẫn việc xếp bậc lương cho công nhân viên chức khu vực Nhà nước do Bộ Lao động ban hành

Số hiệu 11-LĐ/TT
Ngày ban hành 18/09/1985
Ngày có hiệu lực 01/09/1985
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Đào Thiện Thi
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

BỘ LAO ĐỘNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 18 tháng 9 năm 1985

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG HƯỚNG DẪN XẾP BẬC LƯƠNG CHO CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC KHU VỰC NHÀ NƯỚC SỐ 11-LĐ/TT NGÀY 18 THÁNG 9 NĂM 1985

Thi hành Nghị định số 235/HĐBT ngày 18 tháng 9 năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân viên chức thuộc khu vực Nhà nước.

Bộ Lao động hướng dẫn việc xếp bậc lương cho công nhân viên chức vào các thang lương, bảng lương như sau:

A/ ĐỐI TƯỢNG SẮP XẾP LƯƠNG MỚI

1- Công nhân, viên chức thuộc khu vực Nhà nước được sắp xếp vào các thang lương, bảng lương mới bao gồm:

a) Những người đã được tuyển dụng chính thức hiện đang làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến huyện, thị xã trong các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức Đảng, đoàn thể, trong các đơn vị sản xuất kinh doanh, kể cả bộ đội chuyển ngành đã hết 18 tháng, lao động hợp đồng hưởng các chế độ như công nhân viên chức tuyển dụng chính thức.

b) Những người đã được tuyển dụng chính thức đang đi học các trường, lớp văn hoá, chính trị, kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ; hoặc đang điều trị ở bệnh viện, trại điều dưỡng, đi tham quan, thực tập hay đang công tác ở ngoài nước.

c) Những người đã hết thời gian tập sự, thử việc được tuyển dụng chính thức.

2- Những người chưa được xếp lương mới bao gồm:

a) Những người làm việc theo hợp đồng ngắn hạn hết việc thì nghỉ.

b) Những người làm việc theo hợp đồng đặc biệt trong các cơ quan xí nghiệp hoặc trả lương theo giá tiền công địa phương.

3- Những trường hợp khác:

a) Những người đang trong thời gian tập sự, thử việc chưa được xếp bậc thì được trả 95% mức lương của công nhân viên chức cùng trình độ đã được tuyển dụng chính thức.

b) Quân nhân chuyển ngành đang trong thời gian 18 tháng chưa xếp lại lương thì hưởng theo lương hoặc sinh hoạt phí mới của quân đội.

c) Những người bị đình chỉ công tác tạm thời cho hưởng 7% mức lương mới của công nhân viên chức cùng trình độ.

d) Những người bị tạm giam thì tạm thời cho hường 50% mức lương mới của công nhân viên chức cùng trình độ nghề nghiệp. Hết thời hạn tạm giam, tuỳ theo kết luận của cơ quan pháp luật mà xử lý theo quy định chung của Nhà nước.

đ) Đối với những người Việt Nam làm việc cho các cơ quan, các tổ chức, các liên doanh với nước ngoài đóng tại Việt Nam, sẽ có thông tư hướng dẫn riêng.

4- Đối tượng cán bộ xã, phường hưởng phụ cấp sinh hoạt phí sẽ do Ban tổ chức Chính phủ hướng dẫn riêng.

B- NGUYÊN TẮC SẮP XẾP BẬC LƯƠNG

Để quán triệt nguyên tắc phân phối theo lao động, đồng thời khuyến khích mọi người không ngừng trau dồi nghề nghiệp để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác, khi sắp xếp bậc lương cần nắm vững hai nguyên tắc sau:

1- Căn cứ để xếp lương cấp bậc cho công nhân và nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh là tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật hoặc tiểu chuẩn nghiệp vụ; đối với cán bộ quản lý xí nghiệp là chức vụ hiện giữ và hạng mới của xí nghiệp được xếp (tiêu chuẩn xếp hạng có thông tư hướng dẫn riêng); đối với cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức sự nghiệp là chức vụ đang đảm nhiệm, các chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ.

2- Làm công việc gì; chức vụ gì thì xếp bậc và trả lương theo công việc ấy, chức vụ ấy, khi thay đổi công việc, thay đổi chức vụ thì hưởng lương theo công việc mới, chức vụ mới, không bảo lưu bậc lương cũ. Chỉ trong trường hợp có quyết định của cơ quan quản lý cấp trên cử về tăng cường cho cấp dưới thì mới được giữ nguyên lương cũ.

C- XẾP BẬC LƯƠNG CHO CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC

I- ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC TRỰC TIẾP SẢN XUẤT KINH DOANH

1- Đối với các ngành, nghề áp dụng các thang lương, bảng lương mới có số bậc bằng số bậc của thang lương, bảng lương cũ thì căn cứ vào bậc lương hiện tại của mỗi người, tạm thời xếp chuyển ngang cùng bậc, không kết hợp điều chỉnh bất hợp lý hoặc tiến bộ về nghề nghiệp. Việc điều chỉnh bất hợp lý hoặc sẽ được giải quyết sau qua kiểm tra, sát hạch lại theo tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật được bổ sung. Ví dụ: Công nhân khai thác than hầm lò hiện đang được xếp bậc 5 theo thang lương khai thác mỏ hầm lò 6 bậc cũ thì nay chuyển sang bậc 5 của thang lương khai thác mỏ hầm lò 6 bậc mới.

Những người hiện đã xếp bậc cao nhất của thang lương, bảng lương cũ, đang hưởng phụ cấp thợ đặc biệt giỏi, hoặc đã xếp vượt bậc cao nhất của thang lương mới, bảng lương mới và được hưởng phụ cấp vượt không theo quy định chung. Ví dụ: Công nhân nghề tiện đã xếp bậc 7 thang lương cơ khí 7 bậc cũ, đã được hưởng phụ cấp thợ đặc biệt giỏi thì xếp vào bậc 7 mới và được hưởng phụ cấp vượt khung theo quy định chung.

2- Đối với các ngành, nghề áp dụng các thang lương, bảng lương mới có số bậc nhiều hơn hoặc ít hơn số bậc của thang lương, bảng lương cũ, thì dựa vào tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật hiện hành mà xếp lương và cũng theo nguyên tắc chuyển ngang cùng bậc, không được xếp lên bậc cao hơn so với bậc cũ. Ví dụ: Công nhân chăn nuôi ngành nông nghiệp áp dụng thang lương mới 6 bậc, thang lương cũ 5 bậc thì khi xếp chuyển ngang cùng bậc, cũng chỉ được xếp đến bậc 5.

[...]