Thông tư 107/2007/TT-BTC hướng dẫn về quản lý thanh toán, quyết toán vốn đầu tư dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư sử dụng vốn ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 107/2007/TT-BTC
Ngày ban hành 07/09/2007
Ngày có hiệu lực 09/10/2007
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Công Nghiệp
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 107/2007/TT-BTC

Hà Nội, ngày 07 tháng 09 năm 2007 

 

 

HƯỚNG DẪN VỀ QUẢN LÝ THANH TOÁN, QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ DỰ ÁN GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG, TÁI ĐỊNH CƯ SỬ DỤNG VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002;
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 7/2/2005 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 7/2/2005;
Căn cứ Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 và số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/01/2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý thanh toán, quyết toán vốn đầu tư dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư sử dụng vốn ngân sách nhà nước như sau:

1. Thông tư này hướng dẫn về quản lý thanh toán, quyết toán vốn đầu tư đối với trường hợp công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sử dụng vốn ngân sách nhà nước được thực hiện theo dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư; bao gồm:

- Dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư để thực hiện kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

- Dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư được tách ra từ dự án đầu tư xây dựng công trình của các Bộ, cơ quan trung ương, giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) nơi có dự án thực hiện.

Trường hợp công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là một hạng mục trong dự án đầu tư xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt (không tách thành dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư) thì việc quản lý thanh toán, quyết toán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính đối với dự án đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Thông tư này không áp dụng cho dự án bồi thường, di dân tái định cư Dự án thuỷ điện Sơn La (thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính).

Các dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư không sử dụng vốn ngân sách nhà nước có thể vận dụng thực hiện quy định tại Thông tư này.

2. Việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chủ đầu tư dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư do cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật.

3. Nguồn vốn đối với dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư do địa phương thực hiện bao gồm:

- Nguồn vốn ngân sách địa phương đối với các dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư để thực hiện kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

 - Nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương đối với các dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư là dự án độc lập được tách ra từ dự án đầu tư xây dựng công trình của các Bộ, cơ quan trung ương; giao cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án thực hiện.

- Nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các Bộ, cơ quan trung ương đối với các dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư là dự án thành phần được tách ra từ dự án đầu tư xây dựng công trình của các Bộ, cơ quan trung ương; giao cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án thực hiện.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

I. PHÂN BỔ VỐN, CHUYỂN VỐN CHO DỰ ÁN GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG, TÁI ĐỊNH CƯ:

1. Đối với dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư sử dụng vốn ngân sách địa phương:

Căn cứ chỉ tiêu dự toán vốn đầu tư hàng năm, Uỷ ban nhân dân các cấp phân bổ và quyết định giao dự toán vốn đầu tư cho từng dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư thuộc phạm vi quản lý; đồng gửi Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản thanh toán của chủ đầu tư dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư để theo dõi, làm căn cứ kiểm soát, thanh toán vốn.

2. Đối với dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư là dự án độc lập được tách ra từ dự án đầu tư xây dựng công trình của các Bộ, cơ quan trung ương; giao cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án thực hiện:

Căn cứ chỉ tiêu dự toán vốn đầu tư từ nguồn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư là dự án độc lập được tách ra từ dự án đầu tư xây dựng công trình của các Bộ, cơ quan trung ương; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phân bổ và quyết định giao dự toán vốn đầu tư cho từng dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình của các Bộ, cơ quan trung ương tại địa phương; đảm bảo đúng mục tiêu và tổng mức vốn; đồng gửi Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản thanh toán của chủ đầu tư dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư để làm căn cứ kiểm soát thanh toán vốn.

3. Đối với dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư là dự án thành phần được tách ra từ dự án đầu tư xây dựng công trình của các Bộ, cơ quan trung ương; giao cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án thực hiện:

Căn cứ chỉ tiêu dự toán vốn đầu tư hàng năm, các Bộ, cơ quan trung ương có trách nhiệm phân bổ và giao dự toán vốn đầu tư cho từng dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư tại từng địa phương; gửi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, đồng gửi Kho bạc Nhà nước.

Căn cứ văn bản giao dự toán vốn đầu tư của các Bộ, cơ quan trung ương; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thông báo dự toán vốn đầu tư cho chủ đầu tư dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư để thực hiện.

Căn cứ văn bản giao dự toán vốn đầu tư của các Bộ, cơ quan trung ương; Kho bạc Nhà nước thông báo dự toán và chuyển nguồn vốn của các Bộ, cơ quan trung ương về Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh để theo dõi, làm căn cứ kiểm soát thanh toán vốn.

Trường hợp Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh phân cấp về Kho bạc Nhà nước huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Kho bạc Nhà nước cấp huyện) kiểm soát, thanh toán thì Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh thông báo dự toán và chuyển nguồn vốn về Kho bạc Nhà nước cấp huyện để kiểm soát, thanh toán.

4. Việc thẩm tra phân bổ vốn đầu tư cho dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư của cơ quan Tài chính các cấp thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.      

II. THANH TOÁN VỐN ĐẦU TƯ DỰ ÁN GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG, TÁI ĐỊNH CƯ:

1. Mở tài khoản: Chủ đầu tư dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi thuận tiện cho việc kiểm soát thanh toán và thuận tiện cho giao dịch của chủ đầu tư dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư.

[...]