Thông tư 10-TTg năm 1963 giải thích Thông tư 73-TTg 1962 quy định việc quản lý đất tư nhân cho thuê, đất vắng chủ, đất bỏ hoang ở nội thành, nội thị do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 10-TTg
Ngày ban hành 04/02/1963
Ngày có hiệu lực 19/02/1963
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Kim Cương
Lĩnh vực Bất động sản

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-TTg

Hà Nội, ngày 04 tháng 2 năm 1963

 

THÔNG TƯ

CỦA PHỦ THỦ TƯỚNG SỐ 10/TTG NGÀY 4 THÁNG 2 NĂM 1963 GIẢI THÍCH THÔNG TƯ SỐ 73/TTG NGÀY 7-7-1962 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ VIỆC QUẢN LÝ TƯ NHÂN CHO THUÊ, ĐẤT VẮNG CHỦ, ĐẤT BỎ HOANG Ở NỘI THÀNH, NỘI THỊ

I - SỰ CẦN THIẾT PHẢI QUẢN LÝ ĐẤT Ở NỘI THÀNH, NỘI THỊ

Đát ở đô thị, chủ yếu là dùng để phục vụ nhu cầu về xây dựng cơ bản, mở mang đô thị, phát triển kinh tế. Nhưng hiện nay một số tư nhân vẫn còn chiếm hữu đất để cho thuê bóc lột; một số khác lại chiếm hữu bất hợp pháp một số đất công (kể cả đất sa bồi), đất vắng chủ để tự sử dụng, hoặc để cho thuê và để mua đi, bán lại lấy tiền lại...Việc cho thuê đất và quản lý đất không hợp pháp của tư nhân nói trên đã gây trở ngại đến đời sống của người lao động thuê đất, đến việc xây dựng và mở mang thành phố. Hình thức bóc lột về cho thuê đất hiện nay là không phù hợp với giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta.

Tình hình đó đòi hỏi Nhà nước phải tiến hành việc quản lý toàn bộ đất đai ở đô thị. Trước mắt là phải quản lý đất cho thuê của tư nhân, đất vắng chủ, đất bỏ hoang nhằm xoá bỏ tàn dư bóc lột lạc hậu về đất đai, chấm dứt tình trạng chiếm hữu không hợp pháp của tư nhân về các loại đất công (kể cả đất sa bồi), đất vắng chủ, để góp phần thuận lợi vào sự nghiệp chung xây dựng chủ nghĩa xã hội ở thành thị. Tinh thần Thông tư số 73-TTg ngày 7 -7 -1962 của Thủ tướng Chính phủ là nhằm đáp yêu cầu đó.

II - VỀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ ĐẤT

1. Chuyển quyền sở hữu về đất cho thuê của tư nhân (kể cả bất động sản trên mặt đất như ao, hồ, cây ăn quả lưu niên, cây cổ thụ, giếng nước và các di tích lịch sử) thành quyền sở hữu của toàn dân do Nhà nước trực tiếp quản lý, phân phối và sử dụng.

2. Chấm dứt tình trạng chiếm hữu bất hợp pháp của tư nhân về các loại đất công (kể cả đất sa bồi), đất vắng chủ và sử dụng hợp lý các loại đất bỏ hoang.

3. Tất cả các loại đất nói ở trên (kể cả bất động sản có trên mặt đất) đều do Nhà nước trực tiếp quản lý không phải bồi hoàn tiền cho các chủ có đất. Những ngườihiện đang sử dụng đất hợp lý đều được phép tiếp tục sử dụng, không phải trả tiền thuế đất mà chỉ phải đóng thuế thổ trạch hoặc thuế nông nghiệp.

Về phương châm chính sách:

- Dựa vào quần chúng, tiến hành việc giáo dục những chủ có đất tự nguyện chấp hành chính sách.

- Tuỳ thành phần giai cấp, tuỳ hoàn cảnh sinh sống của từng người mà đối xử khác nhau.

- Làm nhanh, gọn và tranh thủ hoàn thành căn bản trong quý I năm 1963.

III - CÁC CHÍNH SÁCH CỤ THỂ

Dựa vào các chính sách và đường lối giai cấp của Đảng và Nhà nước, mục II của Thông tư 73/TTg đã quy định các đối tượng cần giao đất qua Nhà nước quản lý. Đấy là vấn đề quan trọng, Phủ Thủ tướng thấy cần thiết phải giải thích và hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Đối với thành phần bóc lột:

Tất cả các chủ có các loại đất cho thuê, các loại đất mà chủ có đất không dùng và cho người khác dùng nhờ sau đây, dù diện tích ấy nhiều hay ít (kể cả bất động sản trên mặt đất ấy) đều do Nhà nước trực tiếp quản lý và không bồi hoàn cho họ một khoản tiền nào:

- Những địa chủ trước đây đã quy trong cải cách ruộng đất (không kể việc cải biến thành phần của họ hiện nay);

- Những phú nông có đất cho thuê ở thành thị;

- Những nhà tư sản đã qua cải tạo công thương nghiệp tư doanh bằng hình thức công tư hợp doanh hoặc bằng các hình thức cải tạo khác (kể cả số tư sản gác lại và tư sản kinh doanh vàng bạc);

- Những chủ có nhà cho thuê thuộc diện cải tạo nhà cửa.

2. Đối với các hội hè, tôn giáo:

Tất cả các hội hè, tôn giáo có đất cho thuê, đất cho người khác sử dụng nhờ sau đây, dù diện tích ấy nhiều hay ít (kể cả bất động sản trên mặt đất) đều do Nhà nước trực tiếp quản lý và không bồi hoàn cho họ một khoản tiền nào:

- Của các đình, đền, phe giáp, bản làng...

- Của các tổ chức tư nhân và hội hè khác.

- Của các tổ chức Thiên chúa giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác.

Riêng đất cho thuê, cho sử dụng nhờ của các tổ chức tôn giáo thì chúng ta cần chú ý làm tốt về mặt chính trị, cho nên tuỳ từng trường hợp của từng loại đất cho thuê của họ mà giải quyết như sau:

Đất cho thuê, cho sử dụng nhờ thuộc phạm vi ngoại tự thì Nhà nước quản lý theo chính sách.

[...]