Thông tư 10-LĐTBXH/TT-1997 về việc tổ chức, hoạt động của Hội đồng hòa giải cơ sở, Hòa giải viên lao động của cơ quan lao động quận, huyện, thành phố, thị xã, thị trấn thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành

Số hiệu 10-LĐTBXH/TT
Ngày ban hành 25/03/1997
Ngày có hiệu lực 10/04/1997
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Trần Đình Hoan
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-LĐTBXH/TT

Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 1997

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 10-LĐTBXH/TT NGÀY 25 THÁNG 3 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN VIỆC TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG HOÀ GIẢI CƠ SỞ, HOÀ GIẢI VIÊN LAO ĐỘNG CỦA CƠ QUAN LAO ĐỘNG QUẬN, HUYỆN, THÀNH PHỐ, THỊ XÃ, THỊ TRẤN THUỘC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Căn cứ Chương XIV của Bộ Luật lao động, ngày 23 tháng 6 năm 1994, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về tổ chức, hoạt động và thủ tục giải quyết tranh chấp lao động của Hội đồng hoà giải cơ sở, hoà giải viên lao động quận, huyện, thị xã, thị trấn thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Đối tượng áp dụng.

Những doanh nghiệp sử dụng từ 10 lao động trở lên không phân biệt thành phần kinh tế, kể cả những doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập và phụ thuộc của các Liên hiệp xí nghiệp, Tổng công ty Nhà nước phải thành lập Hội đồng hoà giải lao động cơ sở.

2. Những đơn vị sau đây không phải thành lập Hội đồng hoà giải lao động cơ sở:

- Doanh nghiệp sử dụng dưới 10 người lao động thuộc các thành phần kinh tế;

- Các cơ quan hành chính sự nghiệp Nhà nước, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức chính trị xã hội, các hợp tác xã có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động;

- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế; các văn phòng đại diện của các tổ chức quốc tế, nước ngoài; tổ chức kinh tế quốc tế, nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế, nước ngoài khác có sử dụng lao động là người Việt Nam.

Khi tranh chấp lao động xảy ra ở các đơn vị nói trên thì hoà giải viên của cơ quan lao động cấp huyện là người có thẩm quyền giải quyết.

II. TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG HOÀ GIẢI CƠ SỞ

1. Thành phần của Hội đồng hoà giải gồm số đại diện ngang nhau của bên người sử dụng lao động và người lao động:

- Bên người sử dụng lao động là người sử dụng lao động hoặc người giữ chức vụ quản lý khác của doanh nghiệp do người sử dụng lao động cử làm đại diện.

- Đại diện của người lao động do Ban chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Công đoàn lâm thời cử.

- Số lượng thành viên của Hội đồng hoà giải cơ sở ít nhất phải có 4 người trong đó có Chủ tịch và Thư ký Hội đồng. Nhiệm kỳ của Hội đồng hoà giải cơ sở là 2 năm, đại diện của mỗi bên luân phiên làm Chủ tịch và Thư ký Hội đồng hoà giải 6 tháng 1 lần kể từ ngày thành lập. Hội đồng hoà giải làm việc theo nguyên tắc thoả thuận và nhất trí.

2. Thủ tục thành lập.

- Người sử dụng lao động hoặc Chủ tịch Công đoàn cơ sở, chủ động đề xuất về việc thành lập Hội đồng hoà giải và số lượng thành viên tuỳ theo số lượng người lao động, tình hình tổ chức và quy mô sản xuất của doanh nghiệp, để người sử dụng lao động ra quyết định thành lập Hội đồng hoà giải cơ sở. Trong Quyết định ghi rõ họ tên của từng thành viên, Chủ tịch và thư ký của Hội đồng hoà giải.

Quyết định phải được gửi ngay về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban chấp hành công đoàn cơ sở và các thành viên của Hội đồng hoà giải.

- Trong nhiệm kỳ của Hội đồng hoà giải các bên có quyền thay đổi hoặc bổ sung thành viên là đại diện của mình. Việc thay đổi hoặc bổ sung thành viên do hai bên thoả thuận và phải có quyết định của người sử dụng lao động, quyết định này cũng phải gửi ngay về những nơi như quyết định thành lập Hội đồng hoà giải nói trên.

III. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG HOÀ GIẢI CƠ SỞ

1. Hội đồng hoà giải có nhiệm vụ: giải quyết tất cả các vụ tranh chấp lao động tập thể và tranh chấp lao động cá nhân (kể cả tranh chấp về sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, bồi thường thiệt hại khi đương sự yêu cầu) xảy ra tại doanh nghiệp.

2. Hội đồng hoà giải có quyền:

- Tìm hiểu vụ việc, gặp gỡ các bên tranh chấp, những người có liên quan, những người làm chứng;

- Thu thập tài liệu chứng cứ, yêu cầu đương sự cung cấp đầy đủ các tài liệu có liên quan tới vụ việc phải hoà giải;

- Yêu cầu đương sự tới phiên họp hoà giải của Hội đồng;

- Đưa ra phương án hoà giải để hai bên tranh chấp cùng xem xét, thương lượng.

3. Chủ tịch Hội đồng hoà giải có nhiệm vụ: điều hành mọi hoạt động của Hội đồng hoà giải, chủ toạ các phiên họp hoà giải, báo cáo tình hình hoà giải lao động của Hội đồng về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vào cuối tháng 6 và cuối tháng 12 hàng năm.

[...]