Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 10/LĐ-TT năm 1985 về chế độ phụ cấp khu vực do Bộ Lao động ban hành

Số hiệu 10/LĐ-TT
Ngày ban hành 18/09/1985
Ngày có hiệu lực 01/09/1985
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Đào Thiện Thi
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Tài chính nhà nước

BỘ LAO ĐỘNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/LĐ-TT

Hà Nội, ngày 18 tháng 9 năm 1985

 

THÔNG TƯ

VỀ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP KHU VỰC

Căn cứ điểm 1, điều 5 của Nghị định số 235/HĐBT ngày 18 tháng 9 năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang, Bộ Lao động hướng dẫn thi hành chế độ phụ cấp khu vực như sau:

I - MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Phụ cấp khu vực nhằm đãi ngộ hợp lý và khuyến khích công nhân, viên chức công tác ở những vùng có điều kiện khí hậu xấu, xa xôi hẻo lánh, đi lại khó khăn, điều kiện sinh hoạt khó khăn, góp phần điều chỉnh lao động giữa các vùng trong cả nước.

II - YẾU TỐ PHỤ CẤP KHU VỰC VÀ MỨC PHỤ CẤP

Phụ cấp khu vực được xác định theo các yếu tố:

1. Khí hậu xấu thể hiện ở mức độ khắc nghiệt về độ ẩm, nhiệt độ, tốc độ gió v.v… so với những nơi có điều kiện khí hậu bình thường.

2. Xa xôi hẻo lánh, sinh hoạt khó khăn thể hiện ở vùng có mật độ dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn, xa đất liền, xa các trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế, sinh hoạt vật chất và văn hóa có khó khăn.

Căn cứ các yếu tố trên, mức phụ cấp khu vực quy định như sau:

Mức 1: 5% lương cấp bậc (chức vụ)

Mức 2: 10%                "

Mức 3: 15%                "

Mức 4: 20%                "

Mức 5: 25%                "

III - NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH PHỤ CẤP KHU VỰC

1. Phụ cấp khu vực được xác định theo địa giới hành chính (xã, huyện) hoặc theo đơn vị sản xuất, kinh doanh. Trường hợp có thay đổi về địa giới hành chính, thì áp dụng phụ cấp khu vực theo địa giới hành chính mới.

2. Phụ cấp khu vực được trả theo nơi làm việc, công nhân, viên chức làm việc ở nơi nào hưởng phụ cấp khu vực quy định cho nơi đó.

IV - CÁCH TÍNH TRẢ PHỤ CẤP KHU VỰC

1. Phụ cấp khu vực được tính trên lương cấp bậc hoặc lương chức vụ của công nhân, viên chức. Phụ cấp khu vực được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng. Trường hợp hưởng lương khoán, lương sản phẩm, phụ cấp khu vực được tính vào đơn giá.

2. Trường hợp công nhân viên chức đi công tác:

a) Từ nơi không có phụ cấp khu vực đến nơi có phụ cấp khu vực hoặc từ nơi có phụ cấp khu vực thấp đến nơi có phụ cấp khu vực cao thì thời gian đi công tác từ 15 ngày trở lên được tính hưởng hoặc hưởng thêm phụ cấp khu vực từ ngày thứ 16, nếu thời gian công tác dưới 15 ngày thì không tính thêm phụ cấp khu vực.

b) Đi công tác từ nơi có phụ cấp khu vực cao đến nơi có phụ cấp khu vực thấp và từ nơi có phụ cấp khu vực đến nơi không có phụ cấp khu vực, nếu thời gian công tác không quá một tháng thì được giữ khoản phụ cấp khu vực. Từ tháng tiếp theo, sẽ hưởng phụ cấp khu vực nơi đến công tác nếu có.

3. Trường hợp công nhân, viên chức được điều động hẳn đến nơi công tác mới, thì phụ cấp khu vực được tính từ tháng tiếp theo ở địa điểm mới (nếu có), hoặc thôi không hưởng nếu nơi đến công tác không có phụ cấp khu vực.

4. Trường hợp công nhân, viên chức đi học:

a) Công nhân viên chức đi học ngắn hạn, tiền lương vẫn do cơ quan, xí nghiệp trả, thì phụ cấp khu vực được tính theo địa điểm nơi học như điểm 2.

b) Công nhân, viên chức đi học tập dài hạn, tiền lương hoặc sinh hoạt phí do quỹ đào tạo trả thì phụ cấp khu vực tính như trường hợp điều động hẳn (điểm 3).

5. Trường hợp công nhân, viên chức đi điều trị, điều dưỡng thì tính như công nhân viên chức đi học tập ngắn hạn (điểm 4).

[...]