Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 09-NV-1967 hướng dẫn thi hành chính sách đối với những người già cả, trẻ mồ côi không nơi nương tựa và những người tàn tật do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 09-NV
Ngày ban hành 18/05/1967
Ngày có hiệu lực 02/06/1967
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Lê Tất Đắc
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09-NV

Hà Nội, ngày 18 tháng 05 năm 1967 

 

THÔNG TƯ 

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI GIÀ CẢ,TRẺ MỒ CÔI KHÔNG NƠI NƯƠNG TỰA VÀ NHỮNG NGƯỜI TÀN TẬT

Kính gửi: Các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Ngày 26-11-1966 Hội đồng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 202-CP về chính sách đối với những người già cả, trẻ mồ côi không nơi nương tựa và những người tàn tật. Sau khi trao đổi ý kiến với các Bộ Tài chính, Nông nghiệp, Nội thương, Y tế và Tổng cục Lương thực, Bộ Nội vụ ra thông tư hướng dẫn thi hành như sau.

I. ĐỐI TƯỢNG THI HÀNH CHÍNH SÁCH

1. Những người già cả, không có con, cháu và người ruột thịt để nương tựa hoặc có mà vì điều kiện đặc biệt không thể nương tựa được, đời sống gặp khó khăn.

2. Những cháu mồ côi dưới 16 tuổi, không còn người ruột thịt săn sóc giúp đỡ.

3. Những người mù lòa, câm điếc, còng gù, què, cụt chân, tay, bại liệt, điên mãn tính, v.v… (trừ những người mắc bệnh ở thể lây).

Những đối tượng nói trên bao gồm cả nhân dân bị tai nạn chiến tranh mà mất nơi nương tựa hay trở thành tàn tật.

II. NỘI DUNG CHÍNH SÁCH

A. Đối với những người già cả không nơi nương tựa.

1. Ở nông thôn:

Ủy ban hành chính cơ sở bàn bạc với các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, đánh cá, làm muối… để thu nhận họ vào hợp tác xã. Nếu họ có ruộng đất, trâu bò, dụng cụ sản xuất thì vận động họ giao cho hợp tác xã quản lý, kinh doanh. Hợp tác xã có trách nhiệm tạo mọi điều kiện bảo đảm đời sống trước mắt và lâu dài cho họ.

Đối với những người còn sức lao động, Ủy ban hành chính cơ sở và các hợp tác xã sắp xếp cho họ làm những công việc thích hợp với sức khỏe như trồng cây, ươm cây, chăn nuôi, đan lát, bện thừng, sửa chữa nông cụ, giữ kho, quét dọn, chăn trâu, bò, v.v… để họ vừa có thu nhập bảo đảm đời sống, vừa tăng thêm nhân lực, của cải cho hợp tác xã. Cần có sự chiếu cố về công điểm, bảo đảm cho họ có số ngày công trung bình.

Đối với những người không còn sức lao động, thì vận động xã viên tương trợ một số ngày công hoặc xuất quỹ công ích giúp đỡ… để bảo đảm đời sống cho họ. Nếu các biện pháp tích cực trên chưa bảo đảm đời sống cho họ, thì Ủy ban hành chính cơ sở đề nghị cấp trên xét trợ cấp cứu tế từng thời gian hay thường xuyên, theo hoàn cảnh cụ thể của từng người. Riêng đối với những người hàng ngày cần phải có người trông nom săn sóc, xét không thể để ở cơ sở được, thì thu nhận vào trại an dưỡng (trại cứu tế xã hội) của địa phương.

Ở những hợp tác xã có khả năng có thể tổ chức nhà dưỡng lão cho các cụ già không nơi nương tựa, để nuôi dưỡng và tổ chức việc làm nhẹ cho các cụ.

2. Ở thành phố, thị xã:

Đối với những người còn khả năng lao động, thì Ủy ban hành chính cơ sở liên hệ bàn bạc với các hợp tác xã thủ công nghiệp để giúp đỡ họ làm một số công việc thích hợp với khả năng của họ.

Mặt khác, có thể giúp đỡ họ tổ chức những tổ sản xuất riêng và dành cho họ sản xuất một số mặt hàng mà họ có thể làm được như vót tăm, làm hộp, nắm than quả bàng, nhặt bông, bóc lạc, sửa chữa dụng cụ gia đình, làm đồ mây, tre, cói v.v… để có thu nhập giải quyết đời sống. Nếu cần thiết, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố bàn với ngân hàng, hoặc xuất quỹ cứu tế xã hội địa phương, hoặc vận động các cơ sở sản xuất cho họ vay vốn để mua nguyên vật liệu, trang bị kỹ thuật, v.v… và xét miễn hoặc giảm cho họ các khoản thuế.

Đối với những người không còn khả năng lao động, Ủy ban hành chính cơ sở đề nghị cấp trên trợ cấp cứu tế thường xuyên hoặc thu nhận vào các trại an dưỡng (trại cứu tế xã hội) của địa phương. Ở trại phải tổ chức cho họ lao động nhẹ để cải thiện thêm đời sống và tăng thêm sức khỏe.

Nói chung, ở nông thôn cũng như ở thành phố, thị xã, Ủy ban hành chính các địa phương cần phối hợp chặt chẽ và dựa vào các đoàn thể quần chúng, nhất là tổ phụ lão để giúp đỡ săn sóc, bảo đảm đời sống cho các cụ già không nơi nương tựa.

B. Đối với những trẻ mồ côi không nơi nương tựa.

Đối với những cháu còn nhỏ tuổi, Ủy ban hành chính cơ sở vận động những người thân thích, những người hiếm con, những người có nhiệt tình nhận về nuôi dạy hoặc vận động các đoàn thể thanh niên, phụ nữ (nhất là phụ nữ) nhận đỡ đầu các cháu. Ủy ban hành chính cơ sở có trách nhiệm theo dõi các gia đình nhận nuôi, nếu gia đình họ gặp khó khăn trong đời sống thì tích cực giúp đỡ.

Riêng đối với những cháu đang thời kỳ bú sữa, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố xét cấp phiếu đường, sữa để nuôi các cháu. Nếu gia đình nhận nuôi các cháu gặp khó khăn thì vận động nhân dân hoặc đề nghị hợp tác xã giúp đỡ.Trường hợp cần thiết mới xét trợ cấp. Những cháu đến tuổi gửi ở nhà trẻ, được miễn tiền gửi trẻ.

Đối với những cháu lớn tuổi có thể lao động được, Ủy ban hành chính cơ sở và các hợp tác xã sắp xếp cho các cháu có công việc làm vừa sức, bố trí có chỗ ăn, ở không phải sống bơ vơ, và ưu tiên giúp đỡ các cháu học nghề (cần có sự châm chước về tiêu chuẩn). Nếu đời sống các cháu chưa bảo đảm, hợp tác xã xuất quỹ công ích giúp đỡ thêm, nếu khả năng hợp tác xã không giải quyết được thì đề nghị cấp trên xét trợ cấp.

Ủy ban hành chính cơ sở và các hợp tác xã cần tích cực giúp đỡ các cháu được đi học, không để một cháu nào phải thất học và ít nhất cũng được học hết cấp I. Các cháu đi học được miễn trả học phí và các khoản đóng góp khác cho nhà trường.

Những cháu bị tàn phế, xét không thể giải quyết được bằng các biện pháp trên, thì Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố thu nhận các cháu vào trại an dưỡng (trại cứu tế xã hội) để nuôi dạy. Nếu địa phương chưa tổ chức được trại, thì trợ cấp và vận động nhân dân nuôi hộ.

C. Đối với những người tàn tật.

[...]