Thông tư 09/2010/TT-BCT quy định trình tự thủ tục lập, phê duyệt và giám sát thực hiện kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 09/2010/TT-BCT
Ngày ban hành 03/03/2010
Ngày có hiệu lực 18/04/2010
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Đỗ Hữu Hào
Lĩnh vực Thương mại,Tài nguyên - Môi trường

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 09/2010/TT-BCT

Hà Nội, ngày 03 tháng 03 năm 2010

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ THỦ TỤC LẬP, PHÊ DUYỆT VÀ GIÁM SÁT THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VẬN HÀNH HỆ THỐNG ĐIỆN QUỐC GIA

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực;
Bộ Công Thương quy định trình tự thủ tục lập, phê duyệt và giám sát thực hiện kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định nguyên tắc, trình tự thủ tục lập, phê duyệt và giám sát thực hiện kế hoạch vận hành hệ thống điện và ngừng, giảm cung cấp điện trong hệ thống điện quốc gia.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị sau:

1. Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

2. Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia.

3. Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia.

4. Công ty Mua bán điện.

5. Các Đơn vị phát điện.

6. Các Công ty điện lực.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công suất khả dụng của hệ thống là tổng công suất khả dụng của tất cả các tổ máy phát điện trong hệ thống điện và công suất điện nhập khẩu trong cùng một khoảng thời gian xác định.

2. Công suất khả dụng của tổ máy phát điện là công suất phát thực tế cực đại của tổ máy phát điện có thể phát ổn định, liên tục trong một khoảng thời gian xác định.

3. Đánh giá an ninh hệ thống là sự đánh giá độ ổn định và an toàn cung cấp điện căn cứ theo cân bằng giữa công suất khả dụng của hệ thống và phụ tải dự kiến của hệ thống có tính đến các ràng buộc trong hệ thống điện và yêu cầu dự phòng công suất theo quy định trong từng tuần đối với đánh giá an ninh hệ thống trung hạn và theo giờ đối với đánh giá an ninh hệ thống ngắn hạn.

4. Điện năng đảm bảo là sản lượng điện năng tối thiểu mỗi tháng, mỗi tuần được Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia công bố mà nhà máy thủy điện phải sẵn sàng phát để đảm bảo an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

5. Đơn vị phát điện là đơn vị sở hữu hoặc được giao quản lý, vận hành nhà máy điện có công suất đặt lớn hơn 30 MW đấu nối với hệ thống điện quốc gia.

6. Lưới điện truyền tải là phần lưới điện bao gồm toàn bộ các đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp từ 220kV trở lên, các đường dây và trạm biến áp có điện áp 110kV để tiếp nhận công suất từ các nhà máy điện vào hệ thống điện trong chế độ cực đại bình thường của hệ thống.

7. Mức nước giới hạn là mức nước thượng lưu thấp nhất của hồ chứa thủy điện cuối mỗi tháng trong năm hoặc cuối mỗi tuần trong tháng được Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia công bố.

8. Ngày D là ngày vận hành thực tế.

9. Nhà máy điện BOT là nhà máy điện được đầu tư theo hình thức Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao.

10. Ngừng, giảm cung cấp điện là việc ngừng, giảm mức công suất cung cấp cho các Công ty điện lực theo yêu cầu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia khi xảy ra một trong những trường hợp sau:

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ