Thông tư 08-LĐTBXH/TT năm 1993 hướng dẫn Nghị quyết 05-CP 1993 về ngăn chặn, chống tệ nạn mại dâm và Nghị quyết 06-CP 1993 về phòng chống, kiểm soát ma tuý do Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành

Số hiệu 08-LĐTBXH/TT
Ngày ban hành 29/01/1993
Ngày có hiệu lực 29/01/1993
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Trần Đình Hoan
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08-LĐTBXH/TT

Hà Nội, ngày 29 tháng 1 năm 1993

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 08-LĐTBXH/TT NGÀY 12 THÁNG 5 NĂM 1993 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 05-CP NGÀY 29-1-1993 VỀ NGĂN CHẶN, CHỐNG TỆ NẠN MẠI DÂM VÀ NGHỊ QUYẾT 06-CP NGÀY 29-1-1993 VỀ PHÒNG CHỐNG, KIỂM SOÁT MA TUÝ

Căn cứ điểm 4 của Nghị quyết 05-CPđiểm 3 của Nghị quyết 06-CP về phân công trách nhiệm trong việc phòng chống mại dâm và ma tuý, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện những nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Ngành như sau:

I - PHƯƠNG HƯỚNG CHUNG

- Mại dâm và nghiện ma tuý là những vấn đề xã hội phức tạp phải coi trọng đồng bộ các giải pháp kinh tế, xã hội lấy phòng ngừa, khôi phục nhân phẩm, nâng đỡ để đối tượng vượt qua khó khăn là chính, đồng thời không coi nhẹ biện pháp hành chính bắt buộc.

- Việc tổ chức chữa bệnh, dạy nghề, tạo việc làm cho người mại dâm, tổ chức cai nghiện và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện là những nội dung quan trọng của chương trình phòng chống tệ nạn mại dâm và cai nghiện ma tuý; tổ chức cai nghiện phải sát hợp với tình hình kinh tế - xã hội và phong tục tập quán địa phương, nhất là các vùng núi, vùng dân tộc ít người.

- Tệ nạn mại dâm và nghiện ma tuý phải được phòng ngừa và giải quyết ngay tại cộng đồng và cơ sở, kết hợp với các đoàn thể và nhân dân vận động sự tự giác của đối tượng, đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan bằng các chương trình liên ngành và kế hoạch hàng năm để tổ chức thực hiện các biện pháp thường xuyên và tiếp tục.

II- NHỮNG BIỆN PHÁP CỤ THỂ

1. Tổ chức điều tra nắm chắc tệ nạn mại dâm và nghiện ma tuý trên từng địa bàn để làm căn cứ xây dựng chương trình, kế hoạch đồng thời phân loại, tìm hiểu hoàn cảnh, nguyên nhân của từng người để có biện pháp phù hợp.

2. Tổ chức khám, chữa bệnh xã hội cho người mại dâm và cai nghiện ma tuý.

a. Vận động và bắt buộc chữa bệnh đối với người mại dâm có bệnh xã hội.

Việc tổ chức khám chữa bệnh chủ yếu được thực hiện tại các cơ sở y tế và do ngành y tế phụ trách. Riêng người mại dâm ở trong các cơ sở xã hội thì do các cơ sở thực hiện theo sự hướng dẫn về chuyên môn của ngành y tế.

b. Những người nghiện ma tuý đều bắt buộc cai theo điểm d của Nghị quyết 06-CP, nhất là những người trong độ tuổi lao động, vị thành niên và người nghiện dưới hình thức tiêm chích.

Tổ chức cai nghiện dưới các hình thức tại nhà, tại cơ sở y tế của Nhà nước và tư nhân, tại các Trung tâm xã hội. Người nghiện nặng không có điều kiện cai tại nhà hoặc xã, phường thì đưa vào Trung tâm cai nghiện.

3. Tổ chức dạy nghề cho người mại dâm và nghiện ma tuý.

Mỗi địa phương, tuỳ theo số lượng yêu cầu ngành nghề mà tổ chức dạy nghề cho đối tượng nhằm tạo việc làm, ổn định đời sống. Việc tổ chức dạy nghề cho số phải tập trung thì tiến hành tại các Trung tâm xã hội. Số khác học nghề tại các Trung tâm dạy nghề hoặc tại cơ sở sản xuất ở địa phương, cơ sở.

Việc đầu tư trợ giúp cho các Trung tâm giáo dục, chữa bệnh, dạy nghề và tạo việc làm cho đối tượng trên theo kế hoạch và các văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

4. Tạo việc làm.

Người mại dâm và nghiện ma tuý sau khi đã được chữa bệnh, cai nghiện, học nghề thì địa phương tạo điều kiện để họ có việc làm theo hướng:

- Nếu tự tạo việc làm tại gia đình, thì được ưu tiên vay vốn theo Nghị quyết 120-HĐBT ngày 11-4-1991.

- Nếu giới thiệu đến các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân để tìm việc làm. Các cơ sở nhận số lao động này vào làm việc được vay vốn tương ứng suất đầu tư chỗ làm việc và số người được nhận vào làm việc.

- Các Trung tâm xã hội có điều kiện tổ chức sản xuất cho đối tượng thì được xem xét đầu tư hỗ trợ trên cơ sở đề án sản xuất.

- Tổ chức định cư để ổn định cuộc sống tại các khu quy hoạch của địa phương, thì hỗ trợ kinh phí làm nhà theo chính sách di dân đến vùng kinh tế mới.

5. Phối hợp để thường xuyên nắm vững tình hình đời sống của những gia đình khó khăn hoặc có hoàn cảnh đặc biệt, nghèo, đông con... để hỗ trợ kịp thời về việc làm và đời sống. Không để những trường hợp vì khó khăn về việc làm mà sa vào tệ nạn xã hội.

6. Củng cố các Trung tâm xã hội.

Tuỳ theo số lượng Trung tâm xã hội hiện có để củng cố nâng cấp hoặc xây dựng thêm theo hướng các Trung tâm xã hội ngoài nhiệm vụ giáo dục, chữa bệnh, dạy nghề cho đối tượng phải tổ chức sản xuất, tạo việc làm cho đối tượng.

7. Chế độ trợ cấp và nguồn kinh phí.

- Đối với người mại dâm và nghiện ma tuý phải tập trung chữa bệnh, học nghề, thì cấp sinh hoạt phí như các đối tượng xã hội nuôi dưỡng tập trung theo Thông tư 48-TBXH ngày 30-10-1985 và quyết định số 341 ngày 5-12-1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

[...]