Thông tư 08/2020/TT-BTNMT quy định về kỹ thuật phương pháp quan trắc hải văn do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Số hiệu 08/2020/TT-BTNMT
Ngày ban hành 11/09/2020
Ngày có hiệu lực 26/10/2020
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký Lê Công Thành
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2020/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2020

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH KỸ THUẬT PHƯƠNG PHÁP QUAN TRẮC HẢI VĂN

Căn cứ Luật khí tượng thủy văn ngày 23 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật khí tượng thủy văn;

Căn cứ Nghị định số 48/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật khí tượng thủy văn;

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định kỹ thuật phương pháp quan trắc hải văn.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định kỹ thuật phương pháp quan trắc hải văn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quan trắc hải văn.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nước lớn: mực nước biển cao nhất trong một chu kỳ dao động thủy triều được thể hiện bằng trị số độ cao và thời gian xuất hiện.

2. Nước ròng: mực nước biển thấp nhất trong một chu kỳ dao động thủy triều được thể hiện bằng trị số độ cao và thời gian xuất hiện.

3. Triều dâng: khoảng thời gian từ nước ròng đến nước lớn liền kề.

4. Triều rút: khoảng thời gian từ nước lớn đến nước ròng liền kề.

5. Tầng quan trắc: khoảng cách thẳng đứng tính từ mặt nước biển yên tĩnh đến điểm quan trắc.

6. Chu kỳ sóng: thời gian giữa hai lần xuất hiện liên tiếp đỉnh sóng tại một điểm.

7. Giờ tròn: giờ tại các thời điểm từ 0 giờ; 1 giờ; 2 giờ; cho đến 23 giờ.

Chương II

QUY ĐỊNH CHUNG VỀ PHƯƠNG PHÁP QUAN TRẮC HẢI VĂN

Điều 4. Nguyên tắc thực hiện quan trắc tại trạm đối với quan trắc viên

1. Trực tiếp thực hiện quan trắc các yếu tố khí tượng hải văn theo đúng quy định từ Điều 7 đến Điều 30 tại Thông tư này.

2. Quan trắc và ghi số liệu trung thực, khách quan, đánh giá đúng bản chất hiện tượng. Khi có hiện tượng nghi vấn, phải quan trắc lại và ghi chú vào sổ quan trắc.

[...]