Thông tư 08/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 46/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động về tranh chấp lao động do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 08/2013/TT-BLĐTBXH
Ngày ban hành 10/06/2013
Ngày có hiệu lực 01/08/2013
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Phạm Minh Huân
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 08/2013/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 10 tháng 06 năm 2013

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN NGHỊ ĐỊNH SỐ 46/2013/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 5 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG VỀ TRANH CHẤP LAO ĐỘNG

Căn cứ Nghị định số 46/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tranh chấp lao động;

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 46/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tranh chấp lao động.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện việc tuyển chọn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động và miễn nhiệm hòa giải viên lao động theo quy định tại Nghị định số 46/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tranh chấp lao động (sau đây gọi tắt là Nghị định số 46/2013/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Hòa giải viên lao động.

2. Người lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Bộ luật lao động.

3. Người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Bộ luật lao động.

4. Tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 của Bộ luật lao động.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện việc tuyển chọn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động và miễn nhiệm hòa giải viên lao động.

Điều 3. Hồ sơ dự tuyển hòa giải viên lao động

1. Đơn dự tuyển hòa giải viên lao động theo mẫu số 01/HGV ban hành kèm theo Thông tư này. Đơn xin dự tuyển hòa giải viên lao động của người đang làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp không thuộc các cơ quan tổ chức giới thiệu quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2013/NĐ-CP phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan, đơn vị đang công tác.

2. Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan trực tiếp quản lý hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường nơi cư trú.

3. Giấy chứng nhận sức khỏe của cơ quan y tế có thẩm quyền.

4. Bản sao các văn bằng, chứng chỉ có chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

5. Văn bản giới thiệu tham gia dự tuyển hòa giải viên lao động của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2013/NĐ-CP đối với người được giới thiệu tham gia dự tuyển hòa giải viên lao động.

Điều 4. Xác định số lượng và tuyển chọn hòa giải viên lao động

1. Mỗi quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phải có hòa giải viên lao động. Căn cứ số lượng doanh nghiệp, mức độ tranh chấp lao động trên địa bàn, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội xác định số lượng hòa giải viên lao động trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.

Quý 4 hàng năm căn cứ mức độ giải quyết tranh chấp lao động, số lượng doanh nghiệp và số lượng hòa giải viên lao động hiện có, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện bổ sung số lượng hòa giải viên lao động để làm cơ sở tuyển chọn theo quy định.

2. Căn cứ tiêu chuẩn hòa giải viên lao động quy định tại Điều 4 Nghị định số 46/2013/NĐ-CP và số lượng hòa giải viên lao động cần tuyển, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo tuyển chọn hòa giải viên lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương.

3. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giới thiệu một cán bộ thuộc phòng quản lý để bổ nhiệm hòa giải viên lao động.

4. Danh sách người đạt tiêu chuẩn báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để đề nghị bổ nhiệm hòa giải viên lao động quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2013/NĐ-CP được lập theo mẫu số 02/HGV ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Quyết định bổ nhiệm hòa giải viên lao động

Quyết định bổ nhiệm hòa giải viên lao động của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo mẫu số 03/HGV ban hành kèm theo Thông tư này.

[...]