Thông tư 07-TT/TC/LN năm 1960 ủy quyền cho các Ủy ban hành chính khu tự trị Thái – Mèo và các tỉnh, chỉ đạo và giám đốc công tác quản lý tài vụ các cơ sở kinh doanh của Tổng cục Lâm nghiệp do Tổng Cục Lâm Nghiệp- Bộ Tài Chính ban hành.
Số hiệu | 07-TT/TC/LN |
Ngày ban hành | 20/12/1960 |
Ngày có hiệu lực | 01/01/1961 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính,Tổng cục Lâm nghiệp |
Người ký | Nguyễn Tạo,Trịnh Văn Bính |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
BỘ
TÀI CHÍNH-TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP |
VIỆT
|
Số: 07-TT/TC/LN |
Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 1960 |
Hiện nay các xí nghiệp thuộc ngành Lâm nghiệp (Ty Lâm nghiệp, Chi nhánh Lâm khẩn v.v…) đang còn là những xí nghiệp thuộc trung ương do trung ương (Tổng cục Lâm nghiệp) trực tiếp quản lý. Các kế hoạch kinh tế quốc dân cũng như kế hoạch thu chi tài vụ đều do trung ương xét duyệt, các khoản vốn cũng như các khoản lỗ lãi đều thuộc ngân sách trung ương đảm nhiệm.
Tuy nhiên, những xí nghiệp này ở rải rác hầu hết khắp nơi, có những hạt lâm nghiệp, những khu khai thác ở sâu trong rừng, mà sản lượng khai thác thì ngày càng lớn, vốn đầu tư và vốn tích lũy ngày càng tăng, việc lãnh đạo trực tiếp của trung ương do đó cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, các Ty Lâm nghiệp quản lý nhiều công tác khác nhau: công tác sản xuất kinh doanh, công tác kiến thiết cơ bản, công tác sự nghiệp, mỗi công tác có vốn riêng và có phương thức quản lý riêng. Đặc biệt các loại công tác kiến thiết cơ bản và sự nghiệp đều có cả trung ương và địa phương quản lý và do hai nguồn vốn khác nhau cung cấp: ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Mặt khác, việc xây dựng và thực hiện những kế hoạch về sản xuất, về kiến thiết cơ bản, về sự nghiệp của những xí nghiệp lâm nghiệp thuộc trung ương được tốt hay không đều có liên quan và cũng còn tùy thuộc nhiều vào việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch kinh tế khác của địa phương, nhất là kế hoạch lao động và kế hoạch sản xuất nông nghiệp.
Vì những lý do nói trên, Bộ và Tổng cục nhận thấy rằng sự chỉ đạo trực tiếp và sự giúp đỡ tích cực của Ủy ban hành chính các khu, tỉnh đối với các xí nghiệp thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, trước tầm quan trọng của công tác hiện nay là rất cần thiết và cấp bách. Việc phân cấp quản lý toàn diện các xí nghiệp lâm nghiệp cho Ủy ban hành chính đang được nghiên cứu, trong khi chờ đợi thực hiện được việc phân cấp quản lý toàn diện này, và để tạo điều kiện tốt cho việc phân cấp quản lý sau này, cũng như để khắc phục một số khuyết điểm và nhược điểm trước mắt về mặt tài vụ như: kế hoạch giá thành, kế hoạch định mức vốn lưu động lập chưa sát, lãi và khấu hao còn nộp chậm v.v… Bộ và Tổng cục quyết định ủy nhiệm cho các Ủy ban hành chính khu, tỉnh thay mặt Bộ và Tổng cục chỉ đạo và giám đốc thực hiện toàn bộ công tác quản lý kinh tế và tài vụ đối với các cơ sở của Tổng cục Lâm nghiệp, nằm tại các khu và tỉnh gồm các mặt sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ bản và công tác sự nghiệp theo những nguyên tắc sau đây:
A. MẤY NGUYÊN TẮC LỚN VỀ LẬP VÀ QUẢN LÝ KẾ HOẠCH
Về mặt lập kế hoạch: nói chung, các loại kế hoạch về sản lượng, giá thành, lỗ lãi, vốn cũng như các chỉ tiêu xây dựng cơ bản và dự toán sự nghiệp trung ương sẽ do trung ương xét duyệt và quyết định (riêng đối với một số công trình xây dựng cơ bản dưới hạn ngạch, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ nghiên cứu uỷ quyền cho Ủy ban hành chính khu, tỉnh thay mặt Tổng cục xét duyệt thiết kế và dự toán thiết kế; sẽ có thông tư riêng, quy định cụ thể về việc này).
Trong quá trình các xí nghiệp lâm nghiệp xây dựng kế hoạch hàng năm cũng như điều chỉnh kế hoạch giữa năm, các Ủy ban hành chính khu, tỉnh sẽ trực tiếp chỉ đạo các xí nghiệp này (Ty Lâm nghiệp, Chi nhánh Lâm khẩn, v.v…) lập kế hoạch nhằm đáp ứng được yêu cầu của trung ương đồng thời sát với tình hình địa phương, đề xuất những biện pháp cần thiết để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trung ương sẽ căn cứ những ý kiến của Ủy ban hành chính khu, tỉnh để xét duyệt kế hoạch.
Về mặt quản lý và thực hiện kế hoạch, Ủy ban hành chính khu, tỉnh sẽ theo dõi, hướng dẫn giúp đỡ các cơ sở xí nghiệp. Trong quá trình thực hiện, nếu ngành Lâm nghiệp gặp những khó khăn trở ngại, thì Ủy ban hành chính khu, tỉnh giúp đỡ ý kiến hoặc biện pháp thích ứng động viên mọi lực lượng cần thiết để giải quyết. Về kết quả công tác hàng quý, năm của ngành Lâm nghiệp, Ủy ban hành chính khu, tỉnh sẽ có ý kiến nhận xét để giúp trung ương đánh giá được sát thực và đúng mức. Như vậy, các bảng tổng kết tài sản và quyết toán hàng quý, năm chỉ được trung ương xét duyệt sau khi có ý kiến nhận xét của Ủy ban hành chính.
Riêng về công tác sự nghiệp, Bộ và Tổng cục ủy nhiệm hẳn cho Ủy ban hành chính khu, tỉnh theo dõi cấp phát và xét duyệt quyết toán thay cho Tổng cục lâm nghiệp.
Để thực hiện được những nhiệm vụ trên, Ủy ban hành chính khu tỉnh cần sử dụng các cơ quan xung quanh Ủy ban hành chính giúp sức nhất là Ủy ban kế hoạch khu, tỉnh, các Khu, Ty Tài chính, các Chi nhánh và Chi điếm Ngân hàng Nhà nước, các Chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết, v.v…
- Kế hoạch và dự toán hàng năm và điều chỉnh giữa năm:
Trong quá trình xây dựng kế hoạch, bao gồm các mặt sản xuất, kiến thiết cơ bản cũng như sự nghiệp của các cơ sở lâm nghiệp, Ủy ban hành chính khu, tỉnh nên sử dụng các cơ quan nói trên phối hợp nghiên cứu, tham gia ý kiến phục vụ sự lãnh đạo tập trung của Ủy ban hành chính. Nếu có những ý kiến bất đồng giữa các ngành thì kịp thời phản ảnh lên Ủy ban hành chính để giải quyết. Nếu giữa Ủy ban hành chính và các cơ sở lâm nghiệp còn có ý kiến khác nhau, thì những ý kiến đó sẽ được phản ảnh lên trung ương xét.
Trong lúc tham gia ý kiến, cần nắm chắc tình hình thực hiện năm trước với những thuận lợi khó khăn, so sánh với kế hoạch năm nay, để có căn cứ nhận xét tính toán cụ thể, nhằm làm cho kế hoạch được sát đúng và luôn luôn phải tiến bộ hơn các năm trước.
- Kế hoạch và dự toán hàng quý:
Hàng quý, các cơ sở lâm nghiệp phải lập các kế hoạch nộp lãi và khấu hao, kế hoạch hạn mức kiến thiết cơ bản và dự toán sự nghiệp quý, gửi lên trung ương xét duyệt. Trong khi lập và trước khi gửi lên trung ương, cơ sở lâm nghiệp phải thông qua Ủy ban hành chính, các ngành xung quanh Ủy ban hành chính nói trên sẽ giúp Ủy ban hành chính nghiên cứu tình hình cụ thể của cơ sở lâm nghiệp để tham gia ý kiến về các kế hoạch đó. Cần chú ý về mặt sản xuất, đi sâu nắm tình hình thực hiện kế hoạch giá thành, nắm khả năng thực hiện kế hoạch sản xuất, kế hoạch tiêu thụ và kế hoạch giá thành của quý đó, để có ý kiến cụ thể về mức nộp lãi và khấu hao. Về mặt xây dựng cơ bản, cần chú ý nắm tình hình để thực hiện về mặt khối lượng công trình và hạn mức còn thừa quý trước và khả năng thi công quý đó, để có ý kiến về số hạn mức cần thiết sẽ đề nghị.
Riêng về mặt dự toán sự nghiệp, Ủy ban hành chính sẽ xét duyệt cụ thể và chính thức. Tổng cục sẽ căn cứ vào sổ xét duyệt của Ủy ban hành chính để cấp phát.
Vốn lưu động và vốn kiến thiết cơ bản đều do Tổng cục Lâm nghiệp cấp phát, vốn lưu động thì qua Ngân hàng Nhà nước và vốn kiến thiết cơ bản qua Ngân hàng Kiến thiết như thường lệ, các việc cấp vốn này đều có báo cáo cho Ủy ban hành chính biết.
Riêng kinh phí sự nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ dựa vào dự toán quý đã được Ủy ban hành chính xét duyệt để chuyển dần số kinh phí hàng tháng cho Ủy ban hành chính khu, Ty Tài chính. Khu, Ty Tài chính sẽ cấp dần cho các cơ sở lâm nghiệp theo nhu cầu cần thiết.
Trường hợp thừa vốn lưu động hay kinh phí sự nghiệp, Ủy ban hành chính cần báo kịp thời cho Tổng cục và Bộ Tài chính để nghiên cứu điều chỉnh trong ngành Lâm nghiệp.
3. Quản lý và giám đốc thực hiện:
Trong quá trình thực hiện và quản lý kế hoạch, các ngành xung quanh Ủy ban hành chính nói trên sẽ giúp cho Ủy ban hành chính khu, tỉnh và các cơ sở Lâm nghiệp theo dõi và phát hiện kịp thời những vấn đề cần giải quyết. Cần chú ý những vấn đề sau đây:
a) Về mặt sản xuất:
- Quản lý kế hoạch và thực hiện kế hoạch giá thành:
Ủy ban hành chính và cơ quan Tài chính cần chú ý theo dõi thực hiện các yếu tố giá thành của từng loại sản phẩm, có so sánh với kế hoạch và với tình hình thực hiện của từng quý, theo dõi thực hiện tỷ lệ hạ giá thành của những sản phẩm có thể so sánh được, đồng thời nghiên cứu đề xuất những biện pháp cần thiết để hạ giá thành hơn nữa ở những khâu xét ra còn có thể hạ được, làm cho giá thành thực tế ngày càng giảm dần.