Thứ 4, Ngày 30/10/2024

Thông tư 07/TT-NH1-1996 hướng dẫn Quy chế phát hành và sử dụng Séc ban hành kèm theo Nghị định 30/CP/1996 do Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 07/TT-NH1
Ngày ban hành 27/12/1996
Ngày có hiệu lực 01/04/1997
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Lê Đức Thuý
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/TT-NH1

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 1996

 

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 07/TT-NH1 NGÀY 27 THÁNG 12 NĂM 1996 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY CHẾ PHÁT HÀNH VÀ SỬ DỤNG SÉC BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 30/CP NGÀY 9/5/1996 CỦA CHÍNH PHỦ

Ngày 9/5/1996, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/CP ban hành Quy chế phát hành và sử dụng séc (sau đây gọi tắt là Quy chế). Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Quy chế này như sau:

Phần 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Séc quy định trong Quy chế là loại séc được dùng chung cho cá nhân và pháp nhân.

2. Các từ ngữ trong Quy chế này được hiểu như sau:

2.1. Chủ tài khoản là người đứng tên mở tài khoản tiền gửi thanh toán và là chủ sở hữu hoặc người đại diện chủ sở hữu số tiền ghi trên tài khoản đó.

- Chủ tài khoản cá nhân là người đứng tên mở tài khoản tiền gửi thanh toán của chính mình theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

- Chủ tài khoản pháp nhân là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đứng tên mở tài khoản tiền gửi thanh toán của pháp nhân theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

2.2. Người phát hành séc là chủ tài khoản hoặc người được chủ tài khoản uỷ quyền theo quy định của pháp luật về uỷ quyền.

2.3. Người thụ hưởng séc là người có quyền sở hữu số tiền ghi trên séc. Đối với séc ký danh là người có tên trên séc; đối với séc vô danh là người cầm séc.

2.4. Người chuyển nhượng séc là cá nhân hoặc đại diện theo pháp luật của pháp nhân đứng tên chuyển nhượng quyền thụ hưởng séc cho người khác.

2.5. Đơn vị thanh toán là đơn vị giữ tài khoản tiền gửi thanh toán của chủ tài khoản, được phép làm dịch vụ hoặc nhiệm vụ thanh toán theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 91/CP ngày 25/11/1993 của Chính phủ về tổ chức thanh toán không dùng tiền mặt và Điều 1 Quyết định số 144/QĐ-NH1 ngày 30/6/1994 của Thống đốc NHNN về điều kiện thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với các quỹ tín dụng nhân dân.

2.6. Đơn vị thu hộ là đơn vị cùng hoặc khác hệ thống với đơn vị thanh toán, được phép làm dịch vụ hoặc nhiệm vụ thanh toán, nhận các tờ séc do người thụ hưởng nộp vào để thu hộ tiền.

2.7. Séc ký danh là séc có ghi họ, tên, địa chỉ cá nhân hoặc tên, địa chỉ pháp nhân thụ hưởng séc. Séc ký danh khi chuyển nhượng phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ cá nhân hoặc tên, địa chỉ pháp nhận được chuyển nhượng.

2.8. Séc vô danh là séc không ghi họ, tên cá nhân hoặc tên pháp nhân thụ hưởng séc. Việc phát hành và sử dụng séc vô danh khi có đủ điều kiện kỹ thuật và môi trường pháp lý mới áp dụng và sẽ có văn bản hướng dẫn sau của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

3. Trách nhiệm đối với séc: Người phát hành séc và những người chuyển nhượng séc đều có trách nhiệm đối với séc. Trách nhiệm đối với séc bao gồm nghĩa vụ thanh toán số tiền ghi trên séc và trách nhiệm liên đới giải quyết khiếu nại hoặc khởi kiện khi séc bị từ chối thanh toán.

4. Thời hạn hiệu lực thanh toán của tờ séc là 15 ngày kể từ ngày séc được ký phát hành cho tới khi séc được nộp vào đơn vị thanh toán hoặc đơn vị thu hộ. Thời hạn này bao gồm cả ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ. Nếu ngày kết thúc của thời hạn là ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ thì thời hạn được lùi vào ngày làm việc tiếp theo ngày sau ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ đó.

5. Phạm vi thanh toán séc trong thời gian trước mắt:

- Séc thanh toán giữa các khách hàng mở tài khoản tiền gửi thanh toán ở cùng một đơn vị hoặc khác đơn vị nhưng trong cùng hệ thống tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước;

- Séc thanh toán giữa các khách hàng mở tài khoản tiền gửi thanh toán tại các đơn vị khác hệ thống tổ chức tín dụng, kho bạc Nhà nước chỉ áp dụng trong trường hợp các đơn vị này có tham gia thanh toán bù trừ trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước thông báo cho khách hàng của mình biết để sử dụng đúng phạm vi quy định.

Phần 2:

HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG TỜ SÉC

1. Hình thức của tờ séc phải được thiết kế theo mẫu thống nhất do Ngân hàng Nhà nước quy định tại Phụ lục số 1 đính kèm Thông tư này. Nội dung của tờ séc phải được in và ghi bằng tiếng Việt Nam.

1.1. Các yếu tố trên tờ séc gồm:

a) Chữ "Séc" được in bằng chữ in hoa;

[...]