BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU
TƯ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
07/2016/TT-BKHĐT
|
Hà Nội, ngày 29
tháng 6 năm 2016
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH CHI TIẾT LẬP HỒ SƠ MỜI THẦU, HỒ SƠ YÊU CẦU MUA SẮM HÀNG HÓA ĐỐI VỚI ĐẤU
THẦU QUA MẠNG
Căn cứ Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26
tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26
tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi Tiết thi hành một số Điều của Luật đấu
thầu về lựa chọn nhà thầu;
Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14
tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ
cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi Tiết
lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu mua sắm hàng hóa đối với đấu thầu qua mạng.
Điều 1. Phạm vi Điều
chỉnh
Thông tư này quy định chi Tiết lập hồ sơ mời
thầu, hồ sơ yêu cầu để thực hiện lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu
quốc gia tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn (sau đây gọi tắt là Hệ thống)
đối với gói thầu mua sắm hàng hóa áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh, gói
thầu mua sắm hàng hóa quy mô nhỏ áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi và đấu
thầu hạn chế trong nước theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ thuộc phạm
vi Điều chỉnh quy định tại Điều 1 Luật đấu thầu số 43/2013/QH13
như sau:
1. Mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa đối
với đấu thầu qua mạng: Mẫu số 01;
2. Mẫu hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh mua
sắm hàng hóa đối với đấu thầu qua mạng: Mẫu số 02.
Điều 2. Đối tượng áp
dụng
1. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá
nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động lựa chọn nhà thầu cho gói thầu
mua sắm hàng hóa thực hiện trên Hệ thống thuộc phạm vi Điều chỉnh quy định tại Điều 1 của Thông tư này.
2. Tổ chức, cá nhân có hoạt động đấu thầu
không thuộc phạm vi Điều chỉnh quy định tại Điều 1 của Thông tư
này chọn áp dụng mua sắm hàng hóa thông qua Hệ thống.
Điều 3. Nguyên tắc
lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu mua sắm hàng hóa đối với đấu thầu qua mạng
1. Khi lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đối
với đấu thầu qua mạng phải căn cứ vào quy mô, tính chất của từng gói thầu cụ
thể để đưa ra các yêu cầu phù hợp trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh,
công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế;
2. Không được đưa ra các Điều kiện nhằm hạn
chế sự tham gia của bất cứ nhà thầu nào đủ tư cách hợp lệ hoặc nhằm tạo lợi thế
cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng như nêu nhãn
hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hoá, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng
lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử; trường hợp không thể mô tả chi Tiết hàng
hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì có thể
nêu nhãn hiệu, ca-ta-lô của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu
cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương”
sau nhãn hiệu, catalô đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng
hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội
dung khác (nếu có). Không được quy định tương đương về xuất xứ.
3. Khi lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa
đối với đấu thầu qua mạng không được chỉnh sửa các quy định trong Chương I - Chỉ
dẫn nhà thầu, Chương VI - Điều kiện chung của hợp đồng của Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này; khi lập hồ
sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh mua sắm hàng hóa đối với đấu thầu qua mạng
không được chỉnh sửa các quy định trong Chương I - Chỉ dẫn nhà thầu của Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này. Đối với
các nội dung khác có thể chỉnh sửa cho phù hợp với quy mô, tính chất của gói
thầu. Trường hợp có chỉnh sửa các quy định nêu trong Mẫu hồ sơ thì tổ chức, cá
nhân thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu
phải bảo đảm việc chỉnh sửa đó là phù hợp, khoa học, chặt chẽ hơn so với quy
định nêu trong Mẫu hồ sơ và không trái với quy định của pháp luật về đấu thầu.
Trong tờ trình đề nghị phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải nêu rõ các
nội dung chỉnh sửa so với quy định trong Mẫu hồ sơ và lý do chỉnh sửa để chủ
đầu tư xem xét, quyết định.
Điều 4. Thành phần và
định dạng tập tin (file) của hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa đối với đấu thầu
qua mạng
1. Thành phần hồ sơ mời thầu bao gồm:
a) Chương I - Chỉ
dẫn nhà thầu;
b) Chương II - Bảng
dữ liệu đấu thầu;
c) Chương III - Tiêu
chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu;
d) Chương IV - Biểu
mẫu mời thầu và dự thầu;
đ) Chương V - Phạm
vi cung cấp;
e) Chương VI - Điều
kiện chung của hợp đồng;
g) Chương VII - Điều
kiện cụ thể của hợp đồng;
h) Chương VIII - Biểu
mẫu hợp đồng.
2. Chương I và Chương VI áp dụng thống nhất
đối với tất cả các gói thầu mua sắm hàng hóa qua mạng, được cố định theo định
dạng file PDF và đăng tải trên Hệ thống. Chủ đầu tư không cần tổ chức thẩm
định, phê duyệt hai chương này khi thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu, tuy
nhiên hai chương này là thành phần không thể tách rời của hồ sơ mời thầu và được
sử dụng làm căn cứ pháp lý để xử lý khi xảy ra tranh chấp.
3. Chương II, Chương III (phần Bảng tiêu
chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm), Chương IV, Chương V (phần phạm vi
và tiến độ cung cấp hàng hóa và các dịch vụ liên quan) và Chương VII được số
hóa dưới dạng các biểu mẫu trên Hệ thống (webform).
4. Chương III (phần không bao gồm Bảng tiêu
chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm), Chương V (phần không bao gồm phạm
vi và tiến độ cung cấp hàng hóa và các dịch vụ liên quan) và Chương VIII là các
file theo định dạng MS Word, MS Excel, PDF, CAD, các định dạng file ảnh, file
nén hoặc định dạng khác phù hợp với gói thầu, được bên mời thầu đính kèm và đăng
tải trên Hệ thống.
Điều 5. Thành phần và
định dạng file của hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh mua sắm hàng hóa đối với
đấu thầu qua mạng
1. Thành phần hồ sơ yêu cầu bao gồm:
a) Chương I - Chỉ
dẫn nhà thầu;
b) Chương II - Bảng
dữ liệu đấu thầu;
c) Chương III - Tiêu
chuẩn đánh giá hồ sơ đề xuất;
d) Chương IV - Biểu
mẫu mời thầu và dự thầu;
đ) Chương V - Yêu
cầu đối với gói thầu;
e) Chương VI - Dự
thảo hợp đồng.
2. Chương I áp dụng thống nhất đối với tất cả
các gói thầu chào hàng cạnh tranh mua sắm hàng hóa qua mạng, được cố định theo
định dạng file PDF và đăng tải trên Hệ thống. Chủ đầu tư không cần tổ chức thẩm
định, phê duyệt chương này khi thẩm định và phê duyệt hồ sơ yêu cầu, tuy nhiên
chương này là thành phần không thể tách rời của hồ sơ yêu cầu và được sử dụng
làm căn cứ pháp lý để xử lý khi xảy ra tranh chấp.
3. Chương II, Chương III (phần Bảng tiêu
chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm), Chương IV, Chương V (phần phạm vi,
tiến độ cung cấp hàng hóa và dịch vụ liên quan) được số hóa dưới dạng các webform
trên Hệ thống.
4. Chương III (phần không bao gồm Bảng tiêu
chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm), Chương V (phần không bao gồm phạm
vi, tiến độ cung cấp hàng hóa và dịch vụ liên quan) và Chương VI là các file
theo định dạng MS Word, MS Excel, PDF, CAD, các định dạng ảnh, file nén hoặc
định dạng khác phù hợp với gói thầu, được bên mời thầu đính kèm và đăng tải
trên Hệ thống.
Điều 6. Lập, thẩm
định, phê duyệt và đăng tải hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu mua sắm hàng hóa đối
với đấu thầu qua mạng
1. Lập và thẩm định hồ sơ mời thầu:
Bước 1: Bên mời thầu nhấn nút Đăng nhập
trên trang chủ và nhập mật khẩu chứng thư số của bên mời thầu để đăng nhập vào
Hệ thống. Chọn Mục “Hàng hóa” để nhập thông tin về thông báo mời thầu và
hồ sơ mời thầu.
Bước 2: Bên mời thầu điền nội dung thông tin vào
Bảng dữ liệu đấu thầu; Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và nhân sự
chủ chốt; Biểu mẫu mời thầu; Phạm vi và tiến độ cung cấp hàng hóa và các dịch
vụ liên quan; Điều kiện cụ thể của hợp đồng vào webform tương ứng trên Hệ thống.
Sau đó in ra để hoàn thiện nội dung Chương II - Bảng
dữ liệu đấu thầu, Chương III – Tiêu chuẩn đánh
giá (Bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm), Chương IV - Biểu mẫu mời thầu và dự thầu và Chương V – Phạm vi cung cấp (phần phạm vi, tiến độ cung cấp
hàng hóa và dịch vụ liên quan).
Bước 3: Bên mời thầu soạn nội dung Tiêu chuẩn
đánh giá hồ sơ dự thầu (phần không bao gồm Bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực,
kinh nghiệm), Phạm vi cung cấp (phần không bao gồm phạm vi, tiến độ cung cấp
hàng hóa và dịch vụ liên quan), Biểu mẫu hợp đồng theo Mẫu số 01 đính kèm trên Hệ thống. Sau đó in ra để
hoàn thiện nội dung Chương III - Tiêu chuẩn đánh
giá hồ sơ dự thầu, Chương V - Phạm vi cung cấp,
Chương VIII - Biểu mẫu hợp đồng.
Bước 4: Bên mời thầu trình chủ đầu tư tổ chức
thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu. Nội dung thẩm định và phê duyệt bao gồm:
- Chương II - Bảng
dữ liệu đấu thầu;
- Chương III - Tiêu
chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu;
- Chương IV - Biểu
mẫu mời thầu và dự thầu, bao gồm các mẫu sau: Mẫu số 01, Mẫu số 02, Mẫu số 03,
Mẫu số 04, Mẫu số 05;
- Chương V - Phạm
vi cung cấp;
- Chương VII - Điều
kiện cụ thể của hợp đồng;
- Chương VIII - Biểu
mẫu hợp đồng.
Bước 5: Trường hợp cần sửa đổi trong quá
trình thẩm định và phê duyệt, đối với các nội dung do bên mời thầu thực hiện
tại Bước 2 của Khoản này, bên mời thầu đăng nhập vào Hệ thống và chỉnh sửa trực
tiếp trên Hệ thống. Đối với các nội dung cần sửa đổi tại các phần khác, bên mời
thầu chỉnh sửa nội dung đó trên bản dự thảo được thực hiện tại Bước 3 của Khoản
này, để hoàn thiện hồ sơ trình chủ đầu tư phê duyệt.
2. Lập và thẩm định hồ sơ yêu cầu:
Bước 1: Bên mời thầu nhấn nút Đăng nhập trên
trang chủ và nhập mật khẩu chứng thư số của bên mời thầu để đăng nhập vào Hệ
thống. Chọn Mục “Hàng hóa” để nhập thông tin về thông báo mời chào hàng
và hồ sơ yêu cầu.
Bước 2: Bên mời thầu điền nội dung thông tin
vào Bảng dữ liệu đấu thầu; Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; Biểu
mẫu mời thầu; Phạm vi và tiến độ cung cấp hàng hóa và dịch vụ liên quan vào các
webform tương ứng trên Hệ thống. Sau đó in ra để hoàn thiện nội dung Chương II
- Bảng dữ liệu đấu thầu, Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ đề xuất (phần tiêu chuẩn
đánh giá về năng lực và kinh nghiệm), Chương IV - Biểu
mẫu mời thầu và dự thầu, Chương V - Yêu cầu đối
với gói thầu (phần phạm vi và tiến độ cung cấp hàng hóa và dịch vụ liên
quan).
Bước 3: Bên mời thầu soạn nội dung Tiêu chuẩn
đánh giá hồ sơ đề xuất (phần không bao gồm tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và
kinh nghiệm); Yêu cầu đối với gói thầu (phần không bao gồm phạm vi và tiến độ
cung cấp hàng hóa và dịch vụ liên quan); Dự thảo hợp đồng theo Mẫu số 02 đính kèm trên Hệ thống. Sau đó in ra để
hoàn thiện nội dung Chương III - Tiêu chuẩn đánh
giá hồ sơ dự thầu, Chương V - Yêu cầu đối với
gói thầu, Chương VIII - Biểu mẫu hợp đồng.
Bước 4: Bên mời thầu trình chủ đầu tư tổ chức
thẩm định và phê duyệt hồ sơ yêu cầu. Nội dung thẩm định và phê duyệt bao gồm:
- Chương II - Bảng
dữ liệu đấu thầu;
- Chương III - Tiêu
chuẩn đánh giá hồ sơ đề xuất;
- Chương IV - Biểu
mẫu mời thầu và dự thầu, bao gồm các mẫu sau: Mẫu số 01, Mẫu số 02, Mẫu số 03,
Mẫu số 04, Mẫu số 05;
- Chương V - Yêu
cầu đối với gói thầu;
- Chương VI – Dự
thảo hợp đồng.
Bước 5: Trường hợp cần sửa đổi trong quá
trình thẩm định và phê duyệt, đối với các nội dung do bên mời thầu thực hiện
tại Bước 2 của Khoản này, bên mời thầu đăng nhập vào Hệ thống và chỉnh sửa trực
tiếp trên Hệ thống. Đối với các nội dung cần sửa đổi tại các phần khác, bên mời
thầu chỉnh sửa nội dung đó trên bản dự thảo được thực hiện tại Bước 3 của Khoản
này, để hoàn thiện hồ sơ trình chủ đầu tư phê duyệt.
3. Phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu:
Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải được phê
duyệt bằng văn bản căn cứ vào tờ trình phê duyệt và báo cáo thẩm định.
Chủ đầu tư chỉ phê duyệt nội dung hồ sơ do
bên mời thầu trình thẩm định tại Bước 4 Khoản 1, Bước 4 Khoản 2 Điều này.
4. Đăng tải hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu:
Sau khi hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được
chủ đầu tư phê duyệt, bên mời thầu đăng nhập vào Hệ thống, chọn phần đăng tải
thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng và đính kèm các file đã được soạn
trong Bước 3 Khoản 1, Bước 3, Bước 5 Khoản 2 của Điều này và bản chụp (scan)
văn bản phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của chủ đầu tư vào thông báo
mời thầu, thông báo mời chào hàng rồi đăng tải công khai trên Hệ thống.
5. Chi Tiết thực hiện theo Hướng dẫn sử
dụng trên trang chủ Hệ thống và hỗ trợ của tổ chức vận hành Hệ thống.
Điều 7. Tính hợp lệ
của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất mua sắm hàng
hóa đối với đấu thầu qua mạng
1. Các thông tin và các file đính kèm của hồ
sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được coi là có giá trị pháp lý khi được bên mời thầu
đăng tải thành công trên Hệ thống thông qua chứng thư số của bên mời thầu. Bên
mời thầu chịu trách nhiệm về tính chính xác giữa nội dung hồ sơ mời thầu, hồ sơ
yêu cầu đăng tải trên Hệ thống và nội dung hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được
chủ đầu tư phê duyệt.
2. Nhà thầu điền các thông tin bao gồm: (i)
Đơn dự thầu, (ii) Biểu mẫu dự thầu trên Hệ thống và các nội dung (iii) Giấy ủy
quyền, (iv) Thỏa thuận liên danh (nếu có), (v) Bảo lãnh dự thầu, đồng thời đăng
tải các nội dung thông tin khác theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu
khi tham dự thầu. Hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất được coi là có giá trị pháp lý khi
được đăng tải thành công trên Hệ thống thông qua chứng thư số của nhà thầu.
Điều 8. Giá dự thầu
1. Giá dự thầu của nhà thầu phải bao gồm toàn
bộ các chi phí cần thiết để thực hiện gói thầu, trong đó có thuế, phí, lệ phí
(nếu có). Thuế, phí, lệ phí được áp theo thuế suất, mức phí, lệ phí theo quy
định tại thời Điểm 28 ngày trước ngày có thời Điểm đóng thầu. Khi đánh giá về
giá phải xem xét cả chi phí về thuế, phí, lệ phí (nếu có).
2. Nhà thầu phải chịu trách nhiệm tìm hiểu,
tính toán và chào đầy đủ các loại thuế, phí, lệ phí (nếu có) trong giá dự thầu.
Trường hợp hồ sơ dự thầu không đề cập về thuế, phí, lệ phí thì giá dự thầu của
nhà thầu được coi là đã bao gồm đầy đủ các loại thuế, phí, lệ phí; trong trường
hợp này, nếu nhà thầu trúng thầu, được trao hợp đồng thì phải chịu mọi trách
nhiệm và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí (nếu có) đối với Nhà
nước theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí liên quan.
3. Không áp dụng giảm giá trong đấu thầu qua
mạng. Khi nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất qua mạng, Hệ thống tự động
kết xuất giá dự thầu từ biểu mẫu dự thầu vào đơn dự thầu.
Điều 9. Bảo đảm dự
thầu
1. Bảo đảm dự thầu đối với đấu thầu qua mạng
được thực hiện theo hình thức thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoạt động hợp
pháp tại Việt Nam.
2. Đối với những tổ chức tín dụng đã kết nối
với Hệ thống, nhà thầu thực hiện bảo lãnh dự thầu qua mạng.
3. Đối với tổ chức tín dụng chưa có kết nối
đến Hệ thống, nhà thầu quét (scan) thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng và đính
kèm khi nộp hồ sơ dự thầu qua mạng. Nhà thầu được mời vào thương thảo hợp đồng phải
nộp bản gốc thư bảo lãnh cho Bên mời thầu.
Điều 10. Hợp đồng
1. Loại hợp đồng áp dụng cho gói thầu mua sắm
hàng hóa đối với đấu thầu qua mạng là hợp đồng trọn gói.
2. Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải bao gồm
Mẫu hợp đồng và quy định chi Tiết các Điều, Khoản của hợp đồng để nhà thầu làm
cơ sở chào thầu và để các bên làm cơ sở thương thảo, hoàn thiện, ký kết và thực
hiện hợp đồng.
3. Hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư, bên mời
thầu với nhà thầu phải tuân thủ theo Mẫu hợp đồng, các Điều kiện hợp đồng quy
định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và các hiệu chỉnh, bổ sung do nhà thầu
đề xuất được chủ đầu tư chấp thuận trong quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp
đồng nhưng bảo đảm không trái với quy định của pháp luật về đấu thầu và quy
định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 11. Giấy phép
bán hàng của nhà sản xuất
1. Đối với hàng hóa thông thường, thông dụng,
sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định
của nhà sản xuất thì không yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà
sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị
tương đương.
2. Đối với hàng hóa đặc thù, phức tạp cần gắn
với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng
như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế và các dịch
vụ liên quan khác thì trong hồ sơ mời thầu có thể yêu cầu nhà thầu tham dự thầu
phải cung cấp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ
đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương. Trường hợp trong hồ sơ dự
thầu, hồ sơ đề xuất, nhà thầu không đính kèm bản chụp (scan) giấy phép bán hàng
của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá
trị tương đương thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm làm rõ, bổ sung trong quá
trình đánh giá hồ sơ dự thầu. Bên mời thầu phải có trách nhiệm tiếp nhận tài
liệu bổ sung do nhà thầu gửi đến để đánh giá. Nhà thầu chỉ được trao hợp đồng
sau khi đã đệ trình cho chủ đầu tư giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc
giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương.
3. Trường hợp trong nội dung giấy phép bán
hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác
có giá trị tương đương chưa đáp ứng đầy đủ các Điều kiện theo yêu cầu của hồ sơ
mời thầu thì bên mời thầu phải yêu cầu nhà thầu làm rõ về các nội dung này để
có đầy đủ thông tin phục vụ việc đánh giá hồ sơ dự thầu mà không được loại ngay
hồ sơ dự thầu của nhà thầu.
4. Trường hợp các nhà sản xuất, các đại lý,
nhà phân phối cố tình không cung cấp cho nhà thầu giấy phép bán hàng hoặc giấy
chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương mà không
có lý do chính đáng, không tuân thủ các quy định của pháp luật về thương mại và
cạnh tranh, dẫn đến tạo lợi thế hoặc tạo sự độc quyền cho nhà thầu khác thì nhà
thầu cần kịp thời phản ánh đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương để kịp
thời xử lý.
Điều 12. Tổ chức thực
hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 15 tháng 8 năm 2016.
2. Căn cứ tình hình thực tế, Cục Quản lý đấu
thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể chỉnh sửa các biểu mẫu dưới dạng webform
trên Hệ thống nhằm tạo Điều kiện thuận lợi hơn cho các bên tham gia vào hoạt
động lựa chọn nhà thầu qua mạng, giảm thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu của
các nhà tài trợ, tăng cường hơn nữa tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và
hiệu quả kinh tế trong đấu thầu, đồng thời đảm bảo hiệu quả công tác quản lý
nhà nước về đấu thầu.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá
nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình thực
hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá nhân có
liên quan gửi ý kiến về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để kịp thời hướng dẫn./.
Nơi nhận:
-
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy Ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Kế hoạch và Đầu tư;
- Các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Lưu: VT, Cục QLĐT (H. 300).
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Chí Dũng
|
FILE ĐƯỢC
ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|