Thông tư 06/1998/TT-NHNN1 về một số nội dung liên quan đến ngân hàng khi chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần theo Nghị định 44/1998/NĐ-CP do Ngân Hàng Nhà Nước ban hành

Số hiệu 06/1998/TT-NHNN1
Ngày ban hành 15/08/1998
Ngày có hiệu lực 15/08/1998
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Dương Thu Hương
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/1998/TT-NHNN1

Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 1998

 

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 06/1998/TT-NHNN1 NGÀY 15 THÁNG 8 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN NGÂN HÀNG KHI CHUYỂN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN
(Theo Nghị định số 44/1998/NĐ-CP ngày 29/6/1998)

Thi hành Nghị định số 44/1998/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 1998 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành Công ty cổ phần; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số nội dung liên quan đến Ngân hàng khi chuyển doanh nghiệp nhà nước thành Công ty cổ phần như sau:

1. Giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp để cổ phần hoá theo các hình thức quy định tại Điều 7 của Nghị định số 44/1998/NĐ-CP được tính bằng giá trị thực tế của doanh nghiệp trừ đi các khoản nợ phải trả, kể cả nợ vay các tổ chức tín dụng (bao gồm gốc và lãi).

2. Khi doanh nghiệp nhà nước có quyết định của cơ quan có thẩm quyền chuyển thành Công ty cổ phần theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 44/1998/NĐ-CP của Chính phủ thì Công ty cổ phần có trách nhiệm kế thừa và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp nhà nước trước đây trong quan hệ với các tổ chức tín dụng theo quy định hiện hành của pháp luật, làm thủ tục nhận các khoản còn nợ vay cả gốc và lãi với các tổ chức tín dụng, trả nợ vay đến hạn, thoả thuận với các Tổ chức tín dụng về phương án xử lý các khoản nợ còn lại phù hợp với các hình thức cổ phân hoá doanh nghiệp nhà nước.

3. Các doanh nghiệp cổ phần hoá vay vốn các Tổ chức tín dụng nhà nước theo cơ chế và lãi suất như sau:

- Loại doanh nghiệp mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối, cổ phần đặc biệt được tiếp tục vay vốn theo cơ chế và lãi suất hiện hành áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước;

- Loại doanh nghiệp mà Nhà nước không nắm cổ phần chi phối, cổ phần đặc biệt, không tham gia cổ phần, được tiếp tục vay vốn theo cơ chế và lãi suất hiện hành áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước trong 2 năm liên tiếp kể từ sau khi chuyển chính thức sang hoạt động theo Luật công ty. Sau thời gian này, nếu Công ty cổ phần sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và có nhu cầu vay vốn thì được các Tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay vốn theo cơ chế tín dụng hiện hành.

4. Các Ngân hàng thương mại, các Công ty tài chính làm đại lý bán cổ phần hoặc bảo lãnh phát hành cổ phiếu cho các doanh nghiệp cổ phần hoá được hưởng phí do doanh nghiệp cổ phần hoá thoả thuận với các Ngân hàng thương mại và Công ty tài chính trong phạm vi mức phí do Bộ Tài chính hoặc cơ quan có thẩm quyền khác quy định.

5. Các Tổ chức tín dụng được mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hoá theo quy định hiện hành của pháp luật về góp vốn, mua cổ phần của Tổ chức tín dụng.

6. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

7. Tổ chức thực hiện:

- Các Tổ chức tín dụng phải bám sát việc lựa chọn, quyết định doanh nghiệp cổ phần hoá, phương án cổ phần hoá của từng doanh nghiệp theo các hình thức quy định tại Điều 7 của Nghị định số 44/1998/NĐ-CP để thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong việc xử lý nợ và cho vay đối với doanh nghiệp cổ phần hoá.

- Chánh Văn phòng Thống đốc, Vụ trưởng, Cục trưởng, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này theo chức năng và nhiệm vụ được giao.

 

Dương Thu Hương

(Đã ký)