Thông tư 05-VH-TV-1964 về việc bảo vệ sách và tài liệu chữ Hán, chữ Nôm do Bộ Văn hoá ban hành

Số hiệu 05-VH-TV
Ngày ban hành 21/02/1964
Ngày có hiệu lực 07/03/1964
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá
Người ký Hoàng Minh Giám
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HOÁ
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05-VH-TV

Hà Nội, ngày 21 tháng 2 năm 1964

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ SỐ 05-VH-TV NGÀY 21 THÁNG 2 NĂM 1964 VỀ VIỆC BẢO VỆ SÁCH VÀ TÀI LIỆU CHỮ HÁN, CHỮ NÔM

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ

Kính gửi:

- Các Uỷ ban hành chính tỉnh và thành phố
- Các Sở, Ty Văn hoá- Thông tin

Ngày 31-12-1962, Bộ văn hoá đã ra Thông tư số 1138/VH/TT giao cho các Ty và Sở Văn hoá - Thông tin tổ chức việc quản lý sách và tài liệu bằng chữ Hán và chữ Nôm.

Mới đây Phủ thủ tướng lại có Chỉ thị số 177/TTg ngày 13-12-1963 yêu cầu các Uỷ ban hành chính tỉnh và thành phố xúc tiến gấp công tác này để có thể hoàn thành trong những tháng đầu năm nay.

Sau khi đã trao đổi với các cơ quan hữu quan thuộc Bộ và thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước, Bộ Văn hoá hướng dẫn việc thi hành chỉ thị của Phủ Thủ tướng như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA VIỆC BẢO VỆ SÁCH VÀ  TÀI LIỆU BẰNG CHỮ HÁN, CHỮ NÔM

Sách và những tài liệu bằng chữ Hán, chữ Nôm của các đời trước để lại là những di vật phản ánh trực tiếp nền văn minh mà nhân dân ta đã đạt tới qua các thời đại lịch sử.

Trong 80 năm đô hộ ta, đế quốc Pháp đã cướp mang đi nhiều những tài liệu qúy ấy. Một số đáng kể lại bị tổn thất trong thời kỳ kháng chiến và nhất là trong thời kỳ cải cách ruộng đất. Đối với số may mắn còn giữ được đến nay, nếu những hành động huỷ hoại và sử dụng không hợp lý đã được nêu lên trong chỉ thị của Phủ thủ tướng không được chấm dứt thì chẳng bao lâu nữa những tài liệu này sẽ mất hết. Cho nên việc bảo vệ những sách và tài liệu bằng chữ Hán, chữ Nôm được đặt ra một cách cấp thiết, nhằm phục vụ công tác nghiên cứu của các ngành khoa học đồng thời bảo tồn những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, kế thừa những yếu tố tích cực của nền văn hoá cũ và góp phần vào việc xây dựng nền văn hoá mới.

II. NHỮNG SÁCH VÀ TÀI LIỆU CẦN ĐƯỢC BẢO VỆ

Tất cả những sách và tài liệu bằng chữ Hán, chữ Nôm nói dưới đây viết tay, in hoạt tự, in bản khắc, vẽ không phân biệt là của tư nhân hay là của các tập thể (họ, tộc, phe giáp, phường hội, đoàn thể, đơn vị hành chính), nếu xét có giá trị về mặt lịch sử hoặc văn hoá, đều được Nhà nước bảo vệ theo quy định của chỉ thị của Phủ Thủ tướng.

1. Tài liệu về văn học, nghệ thuật, khoa học, lịch sử:

- Các tập thơ, văn, phú, truyền kỳ, ký sự, câu đối, văn sách, kinh nghĩa.

- Các tập ghi chép về văn học dân gian: tục ngữ, ca dao, hò vè, sơn ca, trường ca, chuyện cổ tích, tiếu lâm, câu đối,v.v..

- Các bản chèo, tuồng.

- Các bộ sử, thông sử, dã sử, truyện ký, địa chí, xã chí v.v..

- Các bộ luật lệ, điều lệ, công văn tập, khoa bảng lục.

- Các tập chế, chiếu, biểu, sớ, tấu.

- Các hương phả, thế phả, tộc phả, gia phả, gia lễ, thần phả, thần tích.

- Các bản văn bia.

- Các tập lịch, ngọc hạp...

- Các sách thuốc, sách phương thuật (lý, số, phong thuỷ, phù thuỷ).

- Các sách tôn giáo: kinh, khoá lễ, giáng bút, sách cúng, sách then, chầu văn.

- Các truyền đơn, bố cáo, hịch văn.

2. Tài liệu về chế độ xã hội cũ:

- Các đinh bạ, điền bạ, hương lệ, hương ước, các khoán ước, điều ước, phường hội.

- Các đơn từ, công văn, lệnh chỉ, trát sức, hồ sơ, biên bản, án kiện.

[...]