Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 05/GD-ĐT-1996 hướng dẫn xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và Nhà giáo ưu tú lần thứ năm do Bộ giáo dục và đào tạo ban hành

Số hiệu 05/GD-ĐT
Ngày ban hành 23/03/1996
Ngày có hiệu lực 07/04/1996
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Trần Hồng Quân
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/GD-ĐT

Hà Nội, ngày 23 tháng 3 năm 1996

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 05/GD-ĐT NGÀY 23 THÁNG 03 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN VIỆC XÉT TẶNG DANH HIỆU NHÀ GIÁO NHÂN DÂN VÀ NHÀ GIÁO ƯU TÚ LẦN THỨ NĂM

Thi hành Pháp lệnh ngày 30-5-1985 của Hội đồng Nhà nước và Nghị định số 52/HĐBT ngày 26 tháng 4 năm 1986 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân Nhà giáo giáo ưu tú, trên cơ sở đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm của 4 đợt phong tặng danh hiệu Nhà giáo từ 1988 đến 1994, nay Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thay mặt Hội đồng xét tặng danh hiệu Nhà giáo Trung ương hướng dẫn việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ năm như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG:

- Cô nuôi dạy trẻ, giáo viên mẫu giáo, phổ thông, bổ túc.

- Giáo viên các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp; cán bộ giảng dạy các trường cao đẳng, đại học, các trường Đảng, đoàn thể và các trường, học viện khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

- Cán bộ quản lý trường học, cán bộ chỉ đạo, nghiên cứu tại các cơ quan quản lý, nghiên cứu giáo dục.

II. TIÊU CHUẨN:

A. TIÊU CHUẨN NHÀ GIÁO NHÂN DÂN.

1. Đạo đức: Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tha thiết yêu nghề, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, đào tạo, thương yêu chăm sóc, giáo dục học sinh: gương mẫu, mô phạm thực sự là tấm gương sáng.

2. Có tài năng sư phạm xuất sắc, có nhiều công lao lớn đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của dân tộc, cụ thể là:

- Trong công tác giảng dạy đạt chất lượng tốt, hiệu quả cao: có nhiều học sinh giỏi, phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước.

- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; có nhiều công lao xây dựng đơn vị trở thành trường học tiên tiến xuất sắc hoặc mô hình phát triển giáo dục.

- Có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm hoặc công trình nghiên cứu khoa học được ứng dụng rộng rãi và hiệu quả cao trong công tác giảng dạy, giáo dục (hoặc quản lý giáo dục) được Hội đồng Khoa học cấp Bộ xếp hạng cao.

3. Ảnh hưởng của Nhà giáo:

- Có nhiều thành tích trong công tác bồi dưỡng, giúp đỡ đồng nghiệp trong công tác chuyên môn và nghiên cứu khoa học; có năng lực và thực hiện có hiệu quả công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, kiểm tra, thanh tra chuyên môn và đạt kết quả cao.

- Có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành, được đồng nghiệp thừa nhận là nhà giáo tiêu biểu; có tài năng sư phạm xuất sắc, được học sinh kính trọng và nhân dân tín nhiệm.

4. Đã trực tiếp giảng dạy ít nhất 15 năm.

- Những người có thời gian công tác từ 10 năm trở lên ở vùng cao, biên giới, hải đảo, vùng xa xôi hẻo lánh; cán bộ, giáo viên được điều động đi công tác B, C trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước; những người giảng dạy các nghề nặng nhọc, độc hại, ngoài trời thì được giảm 3 năm.

- Cán bộ đang công tác ở các cơ quan quản lý, nghiên cứu giáo dục phải có ít nhất 10 năm trực tiếp giảng dạy trong số 15 năm công tác.

B. TIÊU CHUẨN NHÀ GIÁO ƯU TÚ.

1. Đạo đức: Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tha thiết yêu nghề, hết lòng thương yêu chăm sóc giáo dục học sinh: đạo đức, gương mẫu.

2. Có tài năng sư phạm, có nhiều công lao trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo cụ thể là:

- Trong công tác giảng dạy có chất lượng tốt, đạt hiệu quả rõ rệt; có nhiều học sinh giỏi.

- Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có nhiều công lao xây dựng đơn vị, trường học trở thành đơn vị tiên tiến xuất sắc.

- Có cải tiến hoặc sáng kiến, kinh nghiệm hoặc công trình nghiên cứu khoa học được áp dụng đạt hiệu quả trong công tác giảng dạy, giáo dục (hoặc quản lý giáo dục); được Hội đồng khoa học các cấp đánh giá, xếp hạng.

3. Ảnh hưởng của nhà giáo.

- Có nhiều thành tích bồi dưỡng, giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao trình độ nghiệp vụ, có năng lực và thực hiện có hiệu quả công tác bồi dưỡng, kiểm tra và thanh tra chuyên môn.

[...]