BỘ
LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
05/2007/TT-BLĐTBXH
|
Hà
nội, ngày 04 tháng 04 năm 2007
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN VIỆC TÍNH MỨC LƯƠNG HƯU ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC,
VIÊN CHỨC NGÀNH HẢI QUAN NGHỈ HƯU THEO QUY ĐỊNH TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ
287/2006/QĐ-TTG NGÀY 27 THÁNG 12 NĂM 2006 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Quyết định số 287/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2006 của Thủ
tướng Chính phủ về việc giải quyết phụ cấp thâm niên đối với công chức, viên chức
ngành Hải quan nghỉ hưu, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện
như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Công chức, viên
chức ngành Hải quan nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 4 năm 1993
đến ngày 30 tháng 11 năm 2007, có thời gian công tác trong ngành Hải quan trước
ngày 01 tháng 12 năm 2002 chưa được tính đủ khoản phụ cấp thâm niên Hải quan
theo quy định tại Nghị định số 96/2002/NĐ-CP
ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ để tính mức bình quân tiền lương tháng
đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu.
2. Công chức, viên
chức ngành Hải quan nghỉ hưu trước ngày 01 tháng 12 năm 2002 được hưởng chế độ
hưu trí theo quy định tại Nghị định số 236/HĐBT
ngày 18 tháng 9 năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), đã được
tính hưởng phụ cấp thâm niên Hải quan vào tiền lương để tính lương hưu hàng
tháng không thuộc đối tượng áp dụng Thông tư này.
II.
CÁCH TÍNH MỨC LƯƠNG HƯU
Mức lương hưu của đối tượng
quy định tại khoản 1, Mục I Thông tư này được tính trên mức
bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối cùng trước khi
nghỉ hưu, bao gồm cả phụ cấp thâm niên Hải quan như sau:
1. Tính mức lương
hưu tại thời điểm nghỉ hưu được bổ sung phụ cấp thâm niên.
Mức lương hưu tại thời
điểm nghỉ hưu được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm
xã hội trong 5 năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu mà chưa được tính đủ khoản phụ
cấp thâm niên Hải quan thì nay được tính bổ sung thêm khoản phụ cấp thâm niên
hàng tháng theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định số
96/2002/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ.
Khoản phụ cấp thâm niên
bổ sung tính theo số năm công tác trong ngành Hải quan và mức tiền lương tháng
đã hưởng và đóng bảo hiểm xã hội trong 5 năm cuối cùng đã được ghi trong hồ sơ
hưu trí của mỗi người.
2. Điều chỉnh mức
lương hưu trên cơ sở mức lương hưu tại thời điểm nghỉ hưu đã được tính bổ sung
thêm phụ cấp thâm niên.
Mức lương hưu tại thời
điểm nghỉ hưu đã được tính theo quy định tại khoản 1 nêu trên được điều chỉnh
theo quy định tại các văn bản về điều chỉnh lương hưu qua từng thời kỳ tuỳ theo
thời điểm nghỉ hưu theo các văn bản sau:
- Nghị định số 06/CP ngày 21/01/1997 của Chính phủ về việc giải
quyết tiền lương và trợ cấp năm 1997 đối với công chức, viên chức hành chính sự
nghiệp, người nghỉ hưu, nghỉ mất sức; lực lương vũ trang; cán bộ xã, phường và
một số đối tượng hưởng chính sách xã hội;
- Nghị định số 175/1999/NĐ-CP ngày 15/12/1999 của Chính phủ về
việc điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu, mức trợ cấp và sinh hoạt phí đối với
các đối tượng hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và sinh hoạt phí từ nguồn kinh phí
thuộc ngân sách Nhà nước;
- Nghị định số 77/2000/NĐ-CP ngày 15/12/2000 của Chính phủ về
việc điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu, mức trợ cấp và sinh hoạt phí đối với
các đối tượng hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và sinh hoạt phí;
- Nghị định số 03/2003/NĐ-CP ngày 15/01/2003 của Chính phủ về
việc điều chỉnh tiền lương, trợ cấp xã hội và đổi mới một bước cơ chế quản lý
tiền lương;
- Nghị định số 208/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về
việc điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội;
- Nghị định số 117/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 của Chính phủ về
việc điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội;
- Nghị định số 118/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 của Chính phủ điều
chỉnh mức lương tối thiểu chung;
- Nghị định số 93/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về
việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và điều chỉnh trợ cấp hàng
tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc;
- Nghị định số 94/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ điều
chỉnh mức lương tối thiểu chung.
Ví dụ:
Ông Nguyễn Văn A, kiểm
tra viên chính Hải quan nghỉ hưu ngày 01 tháng 01 năm 1999, có 40 năm công tác
trong ngành Hải quan, diễn biến tiền lương trong 5 năm cuối chưa được hưởng chế
độ phụ cấp thâm niên Hải quan là:
- Từ 01/01/1994 đến
31/12/1995: hưởng lương hệ số 4,85
- Từ 01/01/1996 đến
31/12/1998: hưởng lương hệ số 5,13
Mức lương hưu của ông A
được điều chỉnh như sau:
a) Tính mức lương
hưu tại thời điểm nghỉ hưu được bổ sung phụ cấp thâm niên.
Mức tiền lương khi nghỉ
hưu tại thời điểm tháng 01/1999 được tính trên mức tiền lương tối thiểu 144.000
đồng/tháng.
Mức bình quân tiền lương
tháng đóng bảo hiểm xã hội trong 5 năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu có bổ sung
khoản phụ cấp thâm niên Hải quan của ông A được tính lại như sau:
- Tổng tiền lương
tháng đóng bảo hiểm xã hội từ 01/01/1994 đến 31/12/1994 (12 tháng) được tính bổ
sung khoản phụ cấp thâm niên Hải quan:
4,85 x 144.000 đồng x
1,36 x 12 tháng = 11.397.888 đồng
- Tổng tiền lương
tháng đóng bảo hiểm xã hội từ 01/01/1995 đến 31/12/1995 (12 tháng) được tính bổ
sung khoản phụ cấp thâm niên Hải quan:
4,85 x 144.000 đồng x
1,37 x 12 tháng = 11.481.696 đồng
- Tổng tiền lương
tháng đóng bảo hiểm xã hội từ 01/01/1996 đến 31/12/1996 (12 tháng) được tính bổ
sung khoản phụ cấp thâm niên Hải quan:
5,13 x 144.000 đồng x
1,38 x 12 tháng = 12.233.203 đồng
- Tổng tiền lương
tháng đóng bảo hiểm xã hội từ 01/01/1997 đến 31/12/1997 (12 tháng) được tính bổ
sung khoản phụ cấp thâm niên Hải quan:
5,13 x 144.000 đồng x
1,39 x 12 tháng = 12.321.850 đồng
- Tổng tiền lương
tháng đóng bảo hiểm xã hội từ 01/01/1998 đến 31/12/1998 (12 tháng) được tính bổ
sung khoản phụ cấp thâm niên Hải quan:
5,13 x 144.000 đồng x
1,40 x 12 tháng = 12.410.496 đồng
Tổng số tiền lương tháng
đóng bảo hiểm xã hội của 60 tháng cuối là: 11.397.888 đồng + 11.481.696 đồng +
12.233.203 đồng + 12.321.850 đồng + 12.410.496 đồng = 59.845.133 đồng.
Mức bình quân tiền lương
tháng đóng bảo hiểm xã hội có phụ cấp thâm niên Hải quan của ông A là:
59.845.133 đồng :
60 tháng = 997.419 đồng/tháng
Lương hưu của ông A tại
thời điểm nghỉ hưu 01 tháng 01 năm 1999 đã được bổ sung phụ cấp thâm niên là:
997.419 đồng/tháng
x 75% = 748.064 đồng/tháng
b) Điều chỉnh mức
lương hưu trên cơ sở mức lương hưu tại thời điểm nghỉ hưu đã được tính bổ sung
thêm phụ cấp thâm niên.
Mức lương hưu của ông A
tại thời điểm nghỉ hưu 01 tháng 01 năm 1999 đã được tính bổ sung thêm phụ cấp
thâm niên, được điều chỉnh như sau:
- Từ ngày
01/01/2000, mức lương hưu được điều chỉnh tăng 25% theo quy định tại Nghị định
số 175/1999/NĐ-CP ngày 15/12/1999 của Chính
phủ;
- Từ ngày
01/01/2001, mức lương hưu được điều chỉnh tăng 16,7% theo quy định tại Nghị định
số 77/2000/NĐ-CP ngày 15/12/2000 của Chính
phủ;
- Từ ngày
01/01/2003, mức lương hưu được điều chỉnh tăng 38,1% theo quy định tại Nghị định
số 03/2003/NĐ-CP ngày 15/01/2003 của Chính phủ;
- Từ ngày
01/10/2004, mức lương hưu được điều chỉnh tăng 10% theo quy định tại Nghị định
số 208/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính
phủ;
- Từ ngày
01/10/2005, mức lương hưu được điều chỉnh tăng 8% theo quy định tại Nghị định số
117/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 và tăng 20,7%
theo quy định tại Nghị định số 118/2005/NĐ-CP
ngày 15/9/2005 của Chính phủ;
- Từ ngày
01/10/2006, mức lương hưu được điều chỉnh tăng 8% theo quy định tại Nghị định số
93/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006 và tăng 28,6%
theo quy định tại Nghị định số 94/2006/NĐ-CP
ngày 7/9/2006 của Chính phủ;
Mức lương hưu hàng tháng
ông A được hưởng kể từ ngày 01/01/2007 là:
748.064 đồng/tháng x
1,25 x 1,167 x 1,381 x 1,1 x 1,08 x 1,207 x 1,08 x 1,286 = 3.001.247 đồng/tháng.
III.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bảo hiểm xã hội
Việt Nam có trách nhiệm triển khai thực hiện việc tính và chi trả mức hưởng
lương hưu hàng tháng đối với công chức, viên chức ngành Hải quan nghỉ hưu theo
quy định tại Quyết định số 287/2006/QĐ-TTg
ngày 27 tháng 12 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư này, cụ thể:
a) Thực hiện tính
và chi trả mức lương hưu đối với công chức, viên chức ngành Hải quan nghỉ hưu
có thời gian chưa được tính bổ sung phụ cấp thâm niên Hải quan;
b) Hướng dẫn, kiểm
tra hệ thống bảo hiểm xã hội trong việc tổ chức, triển khai thực hiện theo đúng
hướng dẫn tại Thông tư này.
2. Tổng Cục Hải
quan có trách nhiệm lập danh sách số đối tượng đã nghỉ hưu được tính bổ sung phụ
cấp thâm niên Hải quan gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam; hướng dẫn Hải quan các tỉnh,
thành phố cung cấp hồ sơ cho Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố đối với những trường
hợp có vướng mắc về thâm niên.
3. Cách tính hưởng
phụ cấp thâm niên Hải quan (kể cả người đã hưởng phụ cấp thâm niên quân đội,
công an, cơ yếu chuyển ngành sang Hải quan) được thực hiện theo quy định tại
khoản 4 Thông tư số 40/2003/TT-BTC ngày 05
tháng 5 năm 2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên
Hải quan.
4. Thông tư này có
hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo; mức lương hưu được
tính theo quy định tại Thông tư này áp dụng từ ngày 01/01/2007.
5. Trong quá trình
thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ảnh về Bộ Lao động- Thương binh và Xã
hội để có hướng dẫn bổ sung kịp thời./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng
CP;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- VP TƯ Đảng và các Ban của Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Sở LĐ-TBXH, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Công báo; Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản- Bộ Tư pháp;
- Lưu VT, PC, BHXH.
|
BỘ
TRƯỞNG
Nguyễn Thị Hằng
|