Thông tư liên bộ 04-LB/NH/TC-1975 về việc thanh toán công nợ dây dưa trong các Tổ chức kinh tế Quốc doanh, cơ quan Nhà nước, đơn vị Bộ đội do Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 04-LB/NH/TC
Ngày ban hành 15/06/1975
Ngày có hiệu lực 30/06/1975
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính,Ngân hàng Nhà nước
Người ký Đào Thiện Thi,Tạ Hoàng Cơ
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Kế toán - Kiểm toán

BỘ TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA  
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04-LB/NH/TC

Hà Nội, ngày 15 tháng 06 năm 1975 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 219-TTG NGÀY 14-6-1975 VỀ VIỆC THANH TOÁN CÔNG NỢ DÂY DƯA TRONG CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ QUỐC DOANH, CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, ĐƠN VỊ BỘ ĐỘI

Ngày 14-6-1975, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 219-TTg về việc tổ chức thanh toán công nợ dây dưa trong các tổ chức kinh tế quốc doanh, cơ quan Nhà nước, đơn vị bộ đội. Để chấp hành nghiêm chỉnh Chỉ thị trên của Chính phủ, Thủ trưởng các Bộ, Tổng cục, Ủy ban hành chính các cấp, các đơn vị cơ sở cần kiểm tra và tổ chức thực hiện tốt các văn bản của Nhà nước về thanh toán công nợ và thanh lý, xử lý tài sản đã ban hành : quyết định số 127-CP ngày 5-8-1968, số 107-CP ngày 7-5-1974 của Hội đồng Chính phủ, Chỉ thị số 50-TTg ngày 15-6-1968 của Thủ tướng Chính phủ, thông tư số 16-TC/NH ngày 8-5-1971 của liên Bộ Tài chính-Ngân hàng, thông tư số 27-TT/LB ngày 10-12-1964 của liên Bộ Tài chính – Ngân hàng – Nội thương, v.v…

Thông tư liên bộ này hướng dẫn một số điểm cụ thể về tổ chức thanh toán công nợ dây dưa và biện pháp ngăn chặn công nợ dây dưa tái phát trong các tổ chức kinh tế quốc doanh, cơ quan Nhà nước, đơn vị bộ đội.

I. YÊU CẦU VỀ THANH TOÁN CÔNG NỢ DÂY DƯA

1. Giải quyết khân trương các khoản công nợ dây dưa từ trước đến cuối năm 1974, nhằm góp phần đưa công tác thanh toán trong nền kinh tế quốc dân sớm trở lại bình thường, ổn định hoạt động kinh tế và tài chính của các đơn vị cơ sở, tăng cường và củng cố chế độ hạch toán kinh tế, phát huy vai trò kiểm soát của hệ thống tài chính – tín dụng.

2. Phải kết hợp chặt chẽ việc thanh toán công nợ dây dưa với việc thanh, xử lý vật tư tài sản tổn thất, ứ đọng, kém, mất phẩm chất…, nhằm huy động vật tư, hàng hóa ra sử dụng và tạo điều kiện thuận lợi giải quyết vốn thanh toán công nợ dây dưa.

3. Phải có biện pháp cải tiến tổ chức quản lý và nâng cao trách nhiệm trong việc chấp hành chế độ, thể lệ, nhằm ngăn chặn công nợ dây dưa tái phát.

II. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ VIỆC TỔ CHỨC THANH TOÁN CÔNG NỢ DÂY DƯA

1. Tổ chức đối chiếu và thanh toán công nợ dây dưa.

a) Các ngành, tổ chức kinh tế, cơ quan Nhà nước, đơn vị bộ đội phải kiểm tra và nắm thật chắc tình hình công nợ (về các khoản phải thu, phải trả), quá trình diễn biến và nguyên nhân công nợ, đề ra biện pháp giải quyết từng khoản một. Trường hợp việc tổ chức thanh toán công nợ chưa đầy đủ, thiếu chính xác, thiếu chứng từ hợp pháp, đơn vị cơ sở phải tổ chức soát xét lại, truy tìm chứng từ để hạch toán chính xác, làm cơ sở pháp lý giải quyết công nợ.

Những khoản công nợ có đủ cơ sở pháp lý để đòi tiền hoặc trả tiền thì đơn vị cơ sở lập thủ tục đòi tiền và trả tiền qua ngân hàng ngay theo chế độ thanh toán hiện hành.

Đơn vị chủ nợ cần chủ động đối chiếu các khoản công nợ cần phải đối chiếu với các đơn vị mắc nợ và cùng nhau xác nhận nợ, đơn vị mắc nợ phải tích cực đối chiếu xác nhận, không được trì hoãn hoặc từ chối đối chiếu.

b) Đối với các khoản công nợ phải đòi có đủ chứng từ hợp lệ, đã được đơn vị mắc nợ xác nhận nợ chưa trả tiền, đơn vị chủ nợ được áp dụng giấy nhờ thu đòi tiền về vật tư, hàng hóa, lao vụ thuộc công nợ dây dưa theo Chỉ thị số 17-CT/NH ngày 28-10-1974 của Ngân hàng Nhà nước.

c) Đối với các khoản công nợ phải đòi có đầy đủ chứng từ hợp lệ, trong phạm vi tối đa 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của đơn vị chủ nợ yêu cầu đối chiếu nợ được gửi qua Ngân hàng phục vụ đơn vị mắc nợ, đơn vị mắc nợ không chịu đối chiếu để xác nhận, thì đơn vị chủ nợ được lập giấy nhờ thu kèm theo chứng từ cần thiết gửi cho đơn vị ngân hàng phục vụ mình để đòi tiền. Trong thời hạn tối đa 30 ngày, kể từ ngày ngân hàng chuyển giao giấy đòi nợ, đơn vị mắc nợ phải đối chiếu để xác nhận nợ và giải quyết vốn thanh toán. Hết thời hạn trên, đơn vị mắc nợ không trả tiền hoặc không có giấy báo đến ngân hàng về lý do chính đáng để từ chối thanh toán, ngân hàng trích tài khoản tiền gửi của đơn vị mắc nợ trả cho đơn vị chủ nợ theo giấy nhờ thu như đã nói ở điểm b. Nếu sau đó xảy ra tranh chấp, hai bên chủ nợ và mắc nợ tự giải quyết hoặc lập hồ sơ tranh chấp chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm.

d) Đối với các khoản công nợ phải đòi, sau khi đối chiếu, nếu đơn vị mắc nợ chưa thừa nhận hoặc còn tranh chấp thì phải ký biên bản ghi rõ lý do không chấp nhận toàn bộ hoặc một phần khoản công nợ đó ; phần nào đã xác nhận thì phải thanh toán.

Trường hợp hai bên có tranh chấp, đơn vị chủ nợ phải báo cáo lên cơ quan chủ quản cấp trên giải quyết, nếu là hai đơn vị cùng ngành, báo cáo cho ban tổ chức thanh toán công nợ Ngân hàng – Tài chính tỉnh, thành phố (đặt tại chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố) nếu là hai đơn vị thuộc địa phương quản lý ; báo cáo cho ban tổ chức thanh toán công nợ liên Bộ Ngân hàng Nhà nước – Tài chính (đặt tại Ngân hàng Nhà nước trung ương), nếu là hai đơn vị do trung ương quản lý ; trường hợp một đơn vị do trung ương quản lý và một đơn vị do địa phương quản lý, hoặc cả hai đơn vị đều do địa phương quản lý nhưng ở khác tỉnh hay thành phố và những khoản tranh chấp mà các cơ quan chủ quản không giải quyết được thì lập báo cáo lên ban tổ chức thanh toán công nợ liên bộ Ngân hàng – Tài chính. Ban tổ chức thanh toán công nợ liên bộ Ngân hàng Nhà nước – Tài chính phải báo cáo lên Chính phủ xem xét và quyết định về các khoản tranh chấp không giải quyết được.

Các đơn vị chủ nợ và mắc nợ trực tiếp lập hồ sơ chuyển cho Hội đồng trọng tài kinh tế giải quyết các khoản tranh chấp do không chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế.

Quyết định xử lý của Thủ trưởng cơ quan chủ quản cấp trên, biên bản xử lý của Ban thanh toán công nợ Ngân hàng – Tài chính, quyết định của hội đồng trọng tài kinh tế các cấp, có giá trị pháp lý cho việc thanh toán. Hết thời hạn quy định trong quyết định xử lý và biên bản xử lý, đơn vị mắc nợ chưa trả nợ cho đơn vị chủ nợ, Ngân hàng Nhà nước trích tài khoản tiền gửi hoặc kinh phí được cấp của đơn vị mắc nợ trả cho đơn vị chủ nợ.

e) Các khoản nợ phải đòi đã mất chứng từ, sổ sách không còn cơ sở để xác nhận đơn vị mắc nợ, các khoản nợ mà người mắc nợ đã chết, những khoản nợ không có địa chỉ để đòi hoặc những trường hợp không thu hồi được nợ thì đơn vị chủ nợ phải lập hồ sơ cụ thể từng khoản, lập hội đồng xử lý hoặc báo cáo cho cơ quan chủ quản cấp trên, cơ quan tài chính, Ban thanh lý tài sản của Chính phủ để giải quyết theo trách nhiệm và quyền hạn được Nhà nước quy định cho các cơ quan này.

g) Các khoản nợ phải đòi mà đơn vị mắc nợ đã giải thể, phân tán, sát nhập thì đơn vị chủ nợ phải liên hệ với cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp của đơn vị mắc nợ, hoặc cơ quan tiếp nhận đơn vị đó để yêu cầu đối chiếu xác nhận và thanh toán. Các cơ quan chủ quản trực tiếp hoặc cơ quan tiếp nhận tài sản của đơn vị đã giải thể, phân tán, sát nhập phải chịu trách nhiệm thay đơn vị mắc nợ đối chiếu để xác nhận công nợ và thanh toán như đã quy định ở điểm b ; trường hợp không còn cơ quan chủ quản hoặc không có đơn vị tiếp nhận tài sản thì giải quyết như điểm e.

h) Các khoản nợ phải trả đã có chứng từ hóa đơn hợp lệ hoặc đã được hai bên chủ nợ và mắc nợ đối chiếu xác nhận thì đơn vị mắc nợ phải trả ngay cho đơn vị chủ nợ. Đối với các khoản phải trả cho các đơn vị chủ nợ thuộc kinh phí dự toán ngân sách Nhà nước cấp phát trong những năm trước năm kế hoạch và các khoản phải trả đã được xác định là không có người nhận, không có cơ sở để hoàn trả, đơn vị mắc nợ không được hoàn trả cho đơn vị chủ nợ mà phải lập bảng kê để nộp ngay vào ngân sách Nhà nước, đồng thời thông báo cho đơn vị chủ nợ biết về số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước.

i) Các khoản tiền nhận ứng trước, tiền nhận đặt hàng, hoặc tiền bên mua trả thừa, kể cả số tiền thuộc loại này còn tạm giữ trên tài khoản “tạm giữ” tại Ngân hàng, các đơn vị cơ sở đều phải thanh toán chậm nhất đến ngày 30 tháng 11 năm 1975. Đơn vị cơ sở nào đã ứng trước, trả trước, có tiền trả thừa phải đòi lại bằng giấy nhờ thu dựa trên chứng từ xác nhận nợ, đơn vị nhận các khoản tiền này phải hoàn trả cho đơn vị chủ nợ bằng giấy ủy nhiệm chi. Đối với các khoản tiền phải trả cho đơn vị chủ nợ thuộc kinh phí dự toán ngân sách Nhà nước cấp phát của những năm trước năm kế hoạch, đơn vị mắc nợ giải quyết như điểm h.

k) Các đơn vị cơ sở không thực hiện được việc thanh toán công nợ do tài sản tổn thất về chiến tranh chưa được giải quyết, phải khẩn trương lập biên bản về thiệt hại chiến tranh theo thông tư số 150-TC/TDT ngày 5-9-1968 của Bộ Tài chính.

Trường hợp không lập được biên bản tài sản tổn thất do chiến tranh, đơn vị cơ sở phải tổ chức hội đồng kiểm tra và lập biên bản xác nhận số tài sản thiệt hại gửi lên cơ quan chủ quản để kiểm tra, xác nhận và đề nghị Ban thanh lý tài sản của Chính phủ cho thanh lý.

Trường hợp tài sản tổn thất do công tác quản lý không chặt chẽ gây ra đến nay chưa được giải quyết thì đơn vị cơ sở phải đưa ra hội đồng xử lý, hoặc lập báo cáo cụ thể lên cơ quan chủ quản xử lý tùy theo tính chất sự việc.

l) Các cơ quan chủ quản (Bộ, Tổng cục, Sở, Ty…) phải tổ chức việc thanh toán công nợ giữa các đơn vị cơ sở trong nội bộ từng ngành với sự giúp đỡ của Ngân hàng Nhà nước. Số tiền phải thanh toán là số chênh lệch phải đòi và phải trả của các đơn vị kinh tế sau khi đã thực hiện bù trừ.

m) Đối với các khoản nợ nần giữa cá nhân với đơn vị, cần lập hội đồng xử lý để giải quyết đúng theo các quy định của chế độ hiện hành.

[...]