Thông tư 04/2017/TT-BTC hướng dẫn Khoản 2 Điều 1 Nghị định 18/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 04/2017/TT-BTC
Ngày ban hành 16/01/2017
Ngày có hiệu lực 04/03/2017
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Hiếu
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2017/TT-BTC

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2017

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN KHOẢN 2 ĐIỀU 1 NGHỊ ĐỊNH SỐ 18/2016/NĐ-CP NGÀY 18 THÁNG 3 NĂM 2016 CỦA CHÍNH PHỦ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 53/2013/NĐ-CP NGÀY 18 THÁNG 5 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ THÀNH LẬP, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG VIỆT NAM

Căn cứ Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 18/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 18/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc phân bổ dần vào chi phí phần chênh lệch giữa giá trị ghi sổ trừ đi (-) giá bán của khoản nợ được tổ chức tín dụng bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (sau đây gọi tắt là VAMC) theo giá thị trường và giá trị khoản dự phòng rủi ro đã trích cho chính khoản nợ (sau đây gọi là phân bổ) theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 18/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức tín dụng bán nợ xấu theo giá thị trường cho VAMC (sau đây gọi là tổ chức tín dụng), bao gồm:

a) Tổ chức tín dụng có kết quả kinh doanh bị lỗ trong năm tài chính bán nợ.

b) Tổ chức tín dụng khi thực hiện hạch toán ngay vào chi phí hoạt động toàn bộ phần giá trị chênh lệch sẽ dẫn đến kết quả kinh doanh của năm thực hiện bán nợ của tổ chức tín dụng bị lỗ.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Giá trị ghi sổ là Giá trị ghi sổ số dư nợ gốc.

2. Giá trị chênh lệch là giá trị chênh lệch giữa giá trị ghi sổ trừ đi giá bán của khoản nợ được mua theo giá trị thị trường và giá trị khoản dự phòng rủi ro đã trích cho chính khoản nợ được bán.

3. Giá trị chênh lệch còn lại là giá trị chênh lệch của khoản nợ được mua bán theo giá trị thị trường trừ đi giá trị đã phân bổ vào chi phí hoạt động.

Điều 3. Phương pháp thực hiện phân bổ

1. Thời điểm thực hiện phân bổ giá trị chênh lệch

a) Tại thời điểm bán nợ, tổ chức tín dụng hạch toán toàn bộ phần giá trị chênh lệch vào tài khoản chi phí chờ phân bổ.

b) Tại thời điểm 31/12, tổ chức tín dụng hạch toán số tiền phải phân bổ vào chi phí hoạt động trong năm.

2. Việc phân bổ giá trị chênh lệch được thực hiện theo nguyên tắc sau:

a) Thời hạn phân bổ tối đa 05 năm kể từ năm bán nợ.

b) Trong thời gian thực hiện phân bổ, tổ chức tín dụng được chủ động quyết định số tiền phân bổ vào chi phí hoạt động hàng năm. Trong năm phân bổ, trường hợp tổ chức tín dụng có chênh lệch thu lớn hơn chi (lợi nhuận) trước khi thực hiện phân bổ thì số tiền phải phân bổ vào chi phí hoạt động trong năm tối thiểu bằng mức chênh lệch thu chi trước khi thực hiện phân bổ.

Điều 4. Trách nhiệm của tổ chức tín dụng

1. Theo dõi giá trị chênh lệch phải phân bổ chi tiết cho từng khoản nợ.

2. Thực hiện việc phân bổ giá trị chênh lệch theo đúng quy định tại Thông tư này.

[...]