Thông tư 04/2001/TT-TCDL hướng dẫn Nghị định 27/2001/NĐ-CP về kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch do Tổng cục du lịch ban hành

Số hiệu 04/2001/TT-TCDL
Ngày ban hành 24/12/2001
Ngày có hiệu lực 08/01/2002
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Tổng cục Du lịch
Người ký Vũ Tuấn Cảnh
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

TỔNG CỤC DU LỊCH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2001/TT-TCDL

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2001 

 

THÔNG TƯ

CỦA TỔNG CỤC DU LỊCH SỐ 04/2001/TT-TCDL NGÀY 24 THÁNG 12 NĂM 2001 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 27/2001/NĐ-CP NGÀY 5/6/2001 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KINH DOANH LỮ HÀNH, HƯỚNG DẪN DU LỊCH

Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 13/1999/QH13 ngày 12 tháng 6 năm 1999;
Căn cứ Pháp lệnh Du lịch số 11/1999/PL-UBTVQH10 ngày 08 tháng 02 năm 1999;
Căn cứ Nghị định số 27/2001/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2001 của Chính phủ về kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch;
Tổng cục Du lịch hướng dẫn thực hiện Nghị định này như sau:

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:

Thông tư này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch, trừ trường hợp pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có quy định khác.

II. TRONG THÔNG TƯ NÀY, MỘT SỐ TỪ NGỮ DƯỚI ĐÂY ĐƯỢC HIỂU NHƯ SAU:

1. Khách du lịch quốc tế là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch; công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam ra nước ngoài du lịch. Khách du lịch quốc tế bao gồm:

1.1. Khách du lịch vào Việt Nam (khách inbound): là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch;

1.2. Khách du lịch ra nước ngoài (khách outbound): là công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam ra nước ngoài du lịch.

2. Khách du lịch nội địa: là công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam đi du lịch trong lãnh thổ Việt Nam.

3. Kinh doanh lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện các chương trình du lịch nhằm mục đích sinh lợi. Kinh doanh lữ hành bao gồm:

3.1. Kinh doanh lữ hành nội địa: là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện các chương trình du lịch cho khách du lịch nội địa;

3.2. Kinh doanh lữ hành quốc tế: là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện các chương trình du lịch cho khách du lịch quốc tế;

3.3. Đại lý lữ hành (Travel Agency): là tổ chức, cá nhân bán chương trình du lịch của doanh nghiệp lữ hành cho khách du lịch nhằm hưởng hoa hồng; không tổ chức thực hiện các chương trình du lịch đã bán.

4.Tiền ký quỹ là số tiền doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải gửi vào tài khoản ký quỹ tại ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản giao dịch chính trong suốt thời gian hoạt động kinh doanh lữ hành.

CHƯƠNG II

KINH DOANH LỮ HÀNH

Kinh doanh lữ hành là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân kinh doanh lữ hành phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và cam kết thực hiện đầy đủ các điều kiện dưới đây:

I. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH LỮ HÀNH NỘI ĐỊA

1.1. Có phương án kinh doanh lữ hành nội địa. Phương án kinh doanh thực hiện theo mẫu phụ lục 02 kèm theo Thông tư này;

1.2. Nộp tiền ký quỹ 50.000.000 đồng Việt Nam (năm mươi triệu đồng chẵn);

1.3. Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

II. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH LỮ HÀNH QUỐC TẾ

1. 1. Có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế;

1.2. Nộp tiền ký quỹ 250.000.000 đồng Việt Nam (hai trăm năm mươi triệu đồng chẵn);

1.3. Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

[...]