Thông tư 03-NV năm 1963 hướng dẫn thi hành chế độ trợ cấp ưu đãi công nhân, viên chức Nhà nước có công lao, thành tích lớn, khi về hưu do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 03-NV
Ngày ban hành 01/02/1963
Ngày có hiệu lực 16/02/1963
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Lê Tất Đắc
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03-NV

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 1963

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ƯU ĐÃI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC CÓ CÔNG LAO, THÀNH TÍCH LỚN, KHI VỀ HƯU

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Để thi hành điều 47 của điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức Nhà nước, Bộ Nội vụ thống nhất với Bộ Lao động, hướng dẫn thi hành chế độ trợ cấp ưu đãi công nhân, viên chức Nhà nước có công lao thành tích lớn, khi về hưu:

I. ĐỐI TƯỢNG ƯU ĐÃI

Những người được xét trợ cấp ưu đãi khi về hưu là các anh hùng lao động, anh hùng quân đội chuyển ngành và các công nhân, viên chức Nhà nước đã có quá trình hoạt động cách mạng từ trước cách mạng tháng 8-1945, đang thuộc đối tượng thi hành thông báo số 22-TBHN ngày 12-7-1960 của Hội nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt nam và Thông tư số 32-TT-TC ngày 14-10-1960 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về chính sách đối với cán bộ, đảng viên hoạt động cách mạng lâu năm.

II. MỨC ĐỘ ƯU ĐÃI

1. Những công nhân, viên chức Nhà nước là anh hùng lao động, anh hùng quân đội chuyển ngành, khi về hưu được hưởng một mức trợ cấp ưu đãi thống nhất là 5% lương chính.

2. Những công nhân, viên chức Nhà nước là cán bộ hoạt động cách mạng lâu năm. Khi về hưu được trợ cấp ưu đãi theo ba mức 5%, 10%, 15%; cơ sở để xét mức ưu đãi là:

- Hoạt động cách mạng từ giai đoạn nào?

- Thời gian hoạt động trước cách mạng tháng 8 năm 1945 dài hay ngắn;

- Trách nhiệm cao nhất đã đảm nhận trong thời gian trước cách mạng tháng 8-1945.

Trên cơ sở đó, quy định các mức cụ thể như sau:

a) Những người đã hoạt động cách mạng từ 31-12-1935 trở về trước và có thời gian hoạt động trước cách mạng tháng 8-1945 từ 9 năm trở lên thì được trợ cấp ưu đãi bằng 15% lương chính.

b) Những người đã hoạt động cách mạng từ 31-12-1939 trở về trước và có thời gian hoạt động trước cách mạng tháng 8-1945 từ 5 năm trở lên đến 9 năm thì được trợ cấp ưu đãi bằng 10% lương chính; nếu quá trình hoạt động cách mạng trước ngày 19-8-1945 đã đảm nhiệm từ bí thư huyện ủy (hoặc tương đương) trở lên thì được trợ cấp ưu đãi bằng 15% lương chính.

c) Các trường hợp khác trong đối tượng được trợ cấp ưu đãi thì được trợ cấp ưu đãi bằng 5% lương chính; nếu trong quá trình hoạt động trước ngày 19-8-1945 đã đảm nhiệm Bí thư huyện ủy Tỉnh ủy viên, Phó bí thư tỉnh ủy, liên tỉnh ủy (hoặc tương đương) thì được trợ cấp ưu đãi bằng 10% lương chính, từ Bí thư tỉnh ủy (hoặc tương đương) trở lên thì được trợ cấp ưu đãi bằng 15% lương chính.

III. THỦ TỤC XÉT VÀ QUYẾT ĐỊNH TRỢ CẤP ƯU ĐÃI

1. Việc xét đối tượng và mức trợ cấp ưu đãi nói trên do các Bộ, các cơ quan ngang Bộ và các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh chịu trách nhiệm trong phạm vi quyền hạn của mình về quản lý cán bộ.

2. Đối với những trường hợp có liên quan nhiều đến các địa phương mà đương sự đã hoạt động trước cách mạng tháng 8-1945, nếu xét thấy cần thì trước khi quyết định các cơ quan có trách nhiệm nên trao đổi ý kiến với cấp ủy các địa phương đó.

3. Mức trợ cấp ưu đãi được ghi vào quyết định cho về hưu để Ban bảo hiểm xã hội có căn cứ tính trợ cấp. Đối với những người đã về hưu từ đầu năm 1962 đến nay mà chưa được xét trợ cấp ưu đãi thì cơ quan cho về hưu có trách nhiệm xét, đương sự được truy lĩnh kể từ ngày về hưu; quyết định này của cơ quan cần gửi cho người đã về hưu và Liên hiệp công đoàn địa phương mà người về hưu đang cư trú để Liên hiệp công đoàn địa phương này cấp phát. Nếu có trường hợp đã quyết định mức trợ cấp ưu đãi không đúng với quy định ở thông tư này thì cơ quan đã ra quyết định xét và quyết định lại, nhưng không đặt vấn đề truy hoàn đối với trường hợp đã cấp quá.

Trên đây chỉ là một số điểm hướng dẫn, trong khi thi hành, đề nghị các Bộ, các ngành, các địa phương căn cứ chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước để vận dụng cho thích hợp. Nếu có điểm nào vướng mắc cần bổ sung, xin phản ánh cho Bộ Nội vụ biết để góp ý kiến giải quyết hoặc nghiên cứu thêm.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
 


 

Lê Tất Đắc