Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 03/2000/TT-TCBĐ hướng dẫn Quyết định 178/1999/QĐ-TTg về việc ghi nhãn hàng hoá đối với thiết bị viễn thông đầu cuối thuê bao sản xuất trong nước và nhập khẩu do Tổng cục Bưu điện ban hành

Số hiệu 03/2000/TT-TCBĐ
Ngày ban hành 26/07/2000
Ngày có hiệu lực 10/08/2000
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Tổng cục Bưu điện
Người ký Trần Đức Lai
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin,Sở hữu trí tuệ

TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/2000/TT-TCBĐ

Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN SỐ 03/2000/TT-TCBĐ NGÀY 26 THÁNG 7 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 178/1999/QĐ-TTG NGÀY 30/8/1999 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC GHI NHÃN HÀNG HOÁ ĐỐI VỚI THIẾT BỊ VIỄN THÔNG ĐẦU CUỐI THUÊ BAO SẢN XUẤT TRONG NƯỚC VÀ NHẬP KHẨU

Căn cứ Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (dưới đây gọi là Quy chế);
Căn cứ Thông tư số 34/1999/TT-BTM ngày 15/12/1999 của Bộ Thương mại hướng dẫn thực hiện Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/08/1999 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;
Tổng cục Bưu điện hướng dẫn một số điểm cụ thể để ghi nhãn hàng hoá đối với thiết bị viễn thông đầu cuối thuê bao (dưới đây gọi là nhãn thiết bị) như sau:

I- QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Phạm vi điều chỉnh: Tất cả các thiết bị viễn thông đầu cuối thuê bao sản xuất tại Việt Nam để lưu thông trong nước; thiết bị viễn thông đầu cuối thuê bao sản xuất tại nước ngoài được nhập khẩu để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam đều phải có nhãn thiết bị và thực hiện việc ghi nhãn thiết bị theo các quy định tại Thông tư này.

1.2. Đối tượng áp dụng: Thông tư này quy định đối với các tổ chức, cá nhân, thương nhân sản xuất, kinh doanh thiết bị viễn thông đầu cuối thuê bao được sản xuất tại Việt Nam để lưu thông trong nước; tổ chức, cá nhân, thương nhân, nhập khẩu thiết bị viễn thông đầu cuối thuê bao để bán tại Việt Nam.

1.3. Giải thích thuật ngữ:

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.3.1. Thiết bị viễn thông đầu cuối thuê bao (sau đây gọi là thiết bị) nêu trong Thông tư này bao gồm thiết bị điện thoại cố định và di động, máy Fax, máy telex, máy nhắn tin, tổng đài nội bộ PBX, modem.

1.3.2. Nhãn hiệu thiết bị là bản viết, bản in, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu được in chìm, in nổi trực tiếp hoặc được dán, đính, cài chắc chắn trên thiết bị hoặc bao bì để thể hiện các thông tin cần thiết, chủ yếu về thiết bị đó.

1.3.3. Ghi nhãn thiết bị là việc ghi các thông tin cần thiết, chủ yếu về thiết bị lên nhãn thiết bị nhằm cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin cơ bản để nhận biết thiết bị, làm căn cứ để người mua quyết định việc lựa chọn thiết bị đó, làm căn cứ cho các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, giám sát. Nhãn thiết bị phải được gắn ở vị trí để khách hàng dễ nhận biết.

1.3.4. Nội dung bắt buộc ghi trên nhãn thiết bị là phần bao gồm nhưng thông tin quan trọng cần thiết nhất về thiết bị đó và được quy định tại Thông tư này.

1.3.5. Nội dung không bắt buộc ghi trên nhãn thiết bị là phần những thông tin khác, ngoài nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn thiết bị.

1.4. Yêu cầu cơ bản của nhãn hiệu thiết bị: Tất cả các chữ viết, chữ số, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu, ký hiệu ghi trên nhãn thiết bị phải rõ ràng, đúng với thực chất của thiết bị, không được ghi mập mờ, gây ra nhầm lẫn với nhãn thiết bị khác.

1.5. Ngôn ngữ trình bầy nhãn thiết bị:

1.5.1. Nhãn thiết bị lưu thông trong nước phải được viết bằng tiếng Việt Nam. Tuỳ theo yêu cầu của từng loại thiết bị có thể viết thêm bằng tiếng nước ngoài nhưng kích thước phải nhỏ hơn.

1.5.2. Đối với thiết bị nhập khẩu để lưu thông, tiêu thụ ở thị trường Việt Nam thì ngôn ngữ trình bày trên nhãn thiết bị được áp dụng một trong các cách thức sau đây:

a) Khi ký kết hợp đồng nhập khẩu, thương nhân cần yêu cầu để phía cung cấp thiết bị chấp thuận ghi trên phần nhãn nguyên gốc các thông tin thuộc nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt Nam.

b) Trường hợp không thoả thuận được như quy định trên thì thương nhân nhập khẩu thiết bị phải làm nhãn phụ ghi những thông tin thuộc nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt Nam đính kèm theo nhãn nguyên gốc bằng tiếng nước ngoài của thiết bị đó trước khi đưa ra bán hoặc lưu thông trên thị trường.

1.6. Nhãn thiết bị không có giá trị thay thế cho Giấy chứng nhận hợp chuẩn vật tư, thiết bị bưu chính viễn thông do Tổng cục Bưu điện cấp.

II- NỘI DUNG GHI NHÃN THIẾT BỊ

2.1. Nội dung ghi bắt buộc:

2.1.1. Tên thiết bị:

2.1.1.1. Tên thiết phải được ghi rõ trên nhãn thiết bị theo nguyên tắc sau:

a) Nếu thiết bị là loại có tên trong tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) thì tên của thiết bị được lấy theo tên ghi trong tiêu chuẩn Việt Nam đó.

b) Nếu thiết bị chưa có tên trong Tiêu chuẩn Việt Nam, thì tên thiết bị được lấy theo tên ghi trong các Tiêu chuẩn ngành do Tổng cục Bưu điện ban hành hoặc Tiêu chuẩn Quốc tế đã được Tổng cục Bưu điện công bố áp dụng.

c) Trường hợp thiết bị chưa có tên theo quy định tại các mục a, b nêu trên, thì lấy tên kèm theo danh mã của thiết bị đó trong bảng phân loại hàng hoá HS Quốc tế (Harmonized commodity description and coding System) mà Việt Nam đã công bố áp dụng.

d) Nếu thiết bị không có tên theo quy định tại các mục a, b, c trên đây, thì việc ghi tên của thiết bị được dùng tên mô tả cụ thể hoặc nói rõ công dụng của thiết bị.

[...]