Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư 03/1997/TT-NH2 hướng dẫn hạch toán nghiệp vụ cho thuê tài chính do Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 03/1997/TT-NH2
Ngày ban hành 14/07/1997
Ngày có hiệu lực 29/07/1997
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Chu Văn Nguyễn
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/1997/TT-NH2

Hà Nội, ngày 14 tháng 7 năm 1997

 

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 03/1997/TT-NH2 NGÀY 14 THÁNG 7 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN HẠCH TOÁN NGHIỆP VỤ CHO THUÊ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 64/CP ngày 9-10-1995 của Chính phủ, ban hành quy chế tạm thời về tổ chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính tại Việt Nam (dưới đây gọi tắt là Quy chế tạm thời về tổ chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính), Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn hạch toán nghiệp vụ cho thuê tài chính như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1- Một giao dịch cho thuê tài chính phải thoả mãn một trong các tiêu chuẩn quy định tại Điều 3, Quy chế tạm thời về tổ chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính. Các giao dịch cho thuê khác, không đủ tiêu chuẩn là cho thuê tài chính không thuộc phạm vi hướng dẫn của Thông tư này.

2- Điều 1, Quy chế tạm thời về tổ chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính quy định: " Cho thuê tài chính là một hoạt động tín dụng trung và dài hạn thông qua việc cho thuê máy móc thiết bị và các động sản khác". Do vậy, việc hạch toán nghiệp vụ cho thuê tài chính có các đặc điểm như nghiệp vụ tín dụng:

- Giá trị tài sản cho thuê tài chính được hạch toán là một khoản phải thu của công ty cho thuê tài chính.

Mặc dù tài sản cho thuê tài chính thuộc quyền sở hữu của công ty cho thuê tài chính nhưng công ty không trích khấu hao (hoặc phân bổ giá trị tài sản) vào chi phí kinh doanh của công ty mà giá trị tài sản được thu hồi dần thông qua tiền thuê do bên thuê trả.

- Ngoài việc thu hồi giá trị tài sản cho thuê tài chính (còn gọi là vốn gốc về cho thuê tài chính), công ty được thu một số lãi về cho thuê tài chính. Số lãi này cần được tính và hạch toán riêng với số vốn gốc về cho thuê tài chính.

3- Hợp đồng cho thuê tài chính là một trong những căn cứ để:

- Hạch toán giá trị tài sản cho thuê tài chính vào các tài khoản 4312 và 4322.

- Hạch toán quá trình thu hồi vốn gốc và thu lãi.

Do đó, hợp đồng cho thuê tài chính phải được lập theo đúng quy định và đúng mẫu do Ngân hàng Nhà nước ban hành.

4. Vốn gốc về cho thuê tài chính bao gồm giá mua tài sản và các khoản chi mà bên thuê phải trả, không tính vào vốn gốc các khoản chi mà bên thuê không phải trả.

II- HẠCH TOÁN MUA VÀ CHO THUÊ TÀI SẢN

1- Khi tạm ứng để mua tài sản cho thuê tài chính theo hợp đồng, hạch toán:

Nợ TK 4311 - Tạm ứng mua tài sản cho thuê tài chính bằng đồng Việt Nam.

Hoặc 4321 - Tạm ứng mua tài sản cho thuê tài chính bằng ngoại tệ.

Có TK Thích hợp: Tiền mặt, Tiền gửi Ngân hàng....

2- Trường hợp tài sản cho thuê tài chính đã mua xong nhưng bên thuê chưa nhận, công ty phải tạm thời quản lý thì hạch toán:

Nhập TK 941 - Tài sản dùng để cho thuê tài chính đang quản lý tại công ty.

Đối với các tài sản hiện có của công ty cho thuê tài chính, sử dụng vào mục đích cho thuê tài chính công ty phải hạch toán vào tài khoản 743 - Vật liệu (nếu chưa ký được hợp đồng cho thuê) hoặc tài khoản 4311, 4321 (nếu đã ký được hợp đồng cho thuê) và hạch toán vào tài khoản ngoại bảng 941 - Tài sản dùng để cho thuê tài chính đang quản lý tại công ty.

3- Khi bắt đầu cho thuê tài chính, hạch toán:

Nợ TK 4312 - Nợ cho thuê tài chính bằng đồng Việt Nam trong hạn và đã được gia hạn nợ

Có TK 4311 - Tạm ứng mua tài sản cho thuê tài chính bằng đồng Việt Nam

Hoặc

Nợ TK 4322 - Nợ cho thuê tài chính bằng ngoại tệ trong hạn và đã được gia hạn nợ

Có TK 4321 - Tạm ứng mua tài sản cho thuê tài chính bằng ngoại tệ

[...]