Thông tư 025-TTg năm 1960 về tổ chức nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi xử lý và lề lối làm việc của Hội đồng trọng tài các cấp do Phủ Thủ Tướng ban hành

Số hiệu 025-TTg
Ngày ban hành 22/01/1960
Ngày có hiệu lực 06/02/1960
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 025-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 1960 

 

THÔNG TƯ

VỀ TỔ CHỨC NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, PHẠM VI XỬ LÝ VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI CÁC CẤP

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Kính gửi:

Các ông Bộ trưởng các Bộ
Ông Chủ tịch Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh
Ông Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Thủ tướng phủ

 

Căn cứ Nghị định số 004-TTg ngày 04 tháng 01 năm 1960, và Nghị định số 020-TTg ngày 14-01-1960, Thủ tướng Chính phủ giải thích và quy định chi tiết về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi xử lý và lề lối làm việc của Hội đồng trọng tài các cấp như sau:

I. TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI CÁC CẤP

Ở các cấp trung ương, khu, thành phố, tỉnh và ở mỗi Bộ chủ quản xí nghiệp tổ chức một Hội đồng trọng tài để xử lý những việc tranh chấp về từ chối ký kết hợp đồng kinh tế và vi phạm hợp đồng đã ký kết giữa các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước.

Về nguyên tắc tổ chức và lãnh đạo thì Hội đồng trọng tài các cấp là một tổ chức giúp việc cho cơ quan chính quyền cấp ấy, trong việc giữ vững tính chất kỷ luật của Nhà nước về chế độ hợp đồng kinh tế của Chính phủ đã ban hành. Vì vậy, Hội đồng trọng tài thuộc cấp nào đặt dưới quyền lãnh đạo của cơ quan chính quyền cấp ấy. Đối với Hội đồng trọng tài Bộ, khu, thành phố và tỉnh, thì Hội đồng trọng tài trung ương chỉ theo dõi và hướng dẫn về nghiệp vụ.

Tổ chức Hội đồng trọng tài các cấp theo đúng như điều 2, 5 và 7 trong Nghị định số 020-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

II. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ PHẠM VI XỬ LÝ CỦA HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI CÁC CẤP

Điều 10 và 11 của bản điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trọng tài các cấp, thông tư này giải thích và quy định chi tiết như sau:

- Căn cứ theo chủ trương của Chính phủ và kế hoạch Nhà nước, xử lý tức là quyết định những vụ tranh chấp về từ chối ký kết hợp đồng và vi phạm hợp đồng đã ký kết. Sau khi chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước đã được Hội đồng Chính phủ thông qua, các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan  Nhà nước có liên quan, nếu từ chối ký kết hợp đồng, thì Hội đồng trọng tài các cấp có quyền buộc bên từ chối ký kết hợp đồng, phải ký kết hợp đồng. Khi hai bên đã ký kết hợp đồng mà một bên không thực hiện đúng hợp đồng, bên kia khiếu nại hoặc tự Hội đồng trọng tài phát hiện, thì Hội đồng trọng tài có thẩm quyền xử lý, tức là quyết định bên không thực hiện đúng hợp đồng phải bồi thường về kinh tế cho bên bị thiệt hại. Đồng thời, Hội đồng trọng tài các cấp trong khi xử lý có quyền đề ra những biện pháp để kịp thời ngăn ngừa và hạn chế những tổn thất, gây thiệt hại đến việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, cho việc thực hiện hợp đồng giữa đôi bên.

Những quyết định của Hội đồng trọng tài có thẩm quyền xử lý sau khi đã công bố có hiệu lực pháp lý. Vì vậy, xí nghiệp quốc doanh, cơ quan Nhà nước sau khi nhận được quyết định đó phải thi hành ngay. Nếu có gì khiếu nại lên Hội đồng trọng tài cấp trên, thì trong khi chờ đợi Hội đồng trọng tài cấp trên quyết định thì xí nghiệp, cơ quan ấy vẫn thi hành quyết định đã công bố.

Hội đồng trọng tài trung ương là cơ quan xử lý tối cao. Các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước, sau khi có quyết định của Hội đồng trọng tài trung ương, không có khiếu nại đến cơ quan chính quyền nào khác.

Ngoài nhiệm vụ, quyền hại xử lý trên, Hội đồng trọng tài các cấp, tùy tính chất nghiêm trọng của việc từ chối ký hợp đồng và vi phạm hợp đồng đã ký kết, có quyền đề nghị cơ quan chính quyền có thẩm quyền thi hành kỷ luật hành chính như: phê bình, cảnh cáo, hạ từng công tác, hoặc cách chức đối với người đã ký kết hợp đồng mà không thực hiện đúng hợp đồng, và đề nghị thi hành kỷ luật hành chính đối với xí nghiệp, cơ quan không thực hiện đúng hợp đồng.

- Phạm vi xử lý của Hội đồng trọng tài các cấp:

Hội đồng trọng tài trung ương xử lý những việc tranh chấp về từ chối ký kết hợp đồng  và vi phạm hợp đồng đã ký kết trong phạm vi các loại hợp đồng kinh tế có liên quan đến nhiều xí nghiệp quốc doanh, nhiều cơ quan Nhà nước thuộc nhiều Bộ, có liên quan đến xí nghiệp quốc doanh, cơ quan Nhà nước giữa trung ương và địa phương có liên quan đến xí nghiệp quốc doanh, cơ quan Nhà nước giữa nhiều địa phương. Đối với những việc tranh chấp về từ chối ký kết hợp đồng và vi phạm hợp đồng đã ký kết thuộc phạm vi xử lý của Hội đồng trọng tài trung ương, thì trước hết hai Hội đồng trọng tài và hai bên ký kết hợp đồng có trách nhiệm cùng nhau thương lượng giải quyết trong phạm vi không ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch Nhà nước. Muốn giải quyết được kết quả, cần đứng trên tinh thần khách quan nhìn rõ khuyết điểm trong việc chấp hành hợp đồng và tự giác chịu kỷ luật xử lý. Nếu không thỏa thuận được, mới chuyển toàn bộ hồ sơ lên Hội đồng trọng tài trung ương quyết định. Trường hợp xử lý như trên, hai Hội đồng trọng tài cấp dưới phải báo cáo kết quả cuộc xử lý ấy lên Hội đồng trọng tài trung ương.

Hội đồng trọng tài Bộ xử lý những việc tranh chấp về từ chối ký kết hợp đồng và vi phạm hợp đồng đã ký kết trong phạm vi giữa các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước thuộc Bộ quản lý.

Hội đồng trọng tài khu, thành phố, tỉnh xử lý những việc tranh chấp về từ chối ký kết hợp đồng và vi phạm hợp đồng đã ký kết trong phạm vi giữa các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước thuộc địa phương quản lý.

Hội đồng trọng tài khu tự trị Việt bắc và khu tự trị Thái Mèo được quyền xử lý và quyết định những việc tranh chấp về từ chối ký kết hợp đồng và vi phạm hợp đồng đã ký kết giữa các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước giữa các tỉnh thuộc khu tự trị.

III. VỀ LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI CÁC CẤP

Nhận đơn: Bên khiếu nại  khi nộp đơn đến Hội đồng trọng tài, phải có kèm theo bản thuyết trình rõ ràng sự việc từ chối ký kết hợp đồng và vi phạm hợp đồng đã ký kết; trường hợp vi phạm hợp đồng, phải nộp hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng cụ thể ký kết giữa hai bên. Khi nhận được đơn khiếu nại, Hội đồng trọng tài phải tiến hành nghiên cứu, thẩm tra, xử lý, không để chậm trễ, kéo dài sẽ gây tai hại cho việc thực hiện kế hoạch Nhà nước.

Thẩm tra: Sau khi nhận đơn khiếu nại, Hội đồng trọng tài phải thẩm tra lại sự việc bằng cách mời hai bên đương sự đến trình bày hoặc đòi nộp những giấy tờ, chứng từ cần thiết. Nếu xét thấy cần, Hội đồng trọng tài có thể liên hệ với các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân để thu nhập thêm tài liệu cần thiết và tiến hành thẩm tra tại chỗ trước khi xét và quyết định.

Quyết định: kể từ ngày nhận đơn, Hội đồng trọng tài các cấp phải tiến  hành xử lý trong một thời gian ngắn, tối đa 20 ngày. Trong khi Hội đồng trọng tài xử lý phải có mặt hai bên đương sự. Nếu sau khi đã có giấy mời của Hội đồng trọng tài, một bên vắng mặt, Hội đồng trọng tài vẫn có quyền xử lý, tuyên bố quyết định và bên vắng mặt vẫn phải chấp hành.

Khiếu nại: Sau khi Hội đồng trọng tài công bố quyết định, hai bên phải chấp hành. Nếu một bên thấy quyết định đó chưa đúng, có quyền khiếu nại lên Hội đồng trọng tài trung ương, nhưng trong khi chờ quyết định của Hội đồng trọng tài trung ương thì vẫn phải chấp hành quyết định đó.

Vì tổ chức mới nêu trên đây Thủ tướng Chính phủ giải thích và quy định những điểm căn bản, tổ chức nhiệm vụ quyền hạn và lề lối làm việc của Hội đồng trọng tài các cấp. Trong quá trình chấp hành thông tư này, sẽ rút kinh nghiệm và bổ sung dần cho được đầy đủ hơn; vì vậy với Bộ, Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh, Hội đồng trọng tài các cấp một mặt tích cực chấp hành, mặt khác báo cáo kịp thời những khó khăn và kinh nghiệm, để Hội đồng trọng tài trung ương kịp thời tổng kết kinh nghiệm và hướng dẫn thực hiện cho có kết quả tốt.

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG





Phạm Hùng

[...]