Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 02-TC/TT-1967 về thuế lợi tức đối với hợp tác xã thủ công nghiệp do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 02-TC/TT
Ngày ban hành 17/02/1967
Ngày có hiệu lực 04/03/1967
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trịnh Văn Bính
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02-TC/TT

Hà Nội, ngày 17 tháng 02 năm 1967 

 

THÔNG TƯ 

VỀ THUẾ LỢI TỨC ĐỐI VỚI HỢP TÁC XÃ THỦ CÔNG NGHIỆP

Theo chủ trương chuyển hướng xây dựng và phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước, sản xuất thủ công nghiệp đang được đẩy mạnh nhằm góp phần phát huy khả năng kinh tế của từng địa phương, tự cung, tự cấp với mức cao nhất các nhu cầu về sản xuất, chiến đấu và đời sống nhân dân của từng tỉnh, từng vùng.

Được sự lãnh đạo sát của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, nhờ sự giúp đỡ của các ngành có liên quan, và dựa vào sự nỗ lực của xã viên hợp tác xã thủ công nghiệp, sản xuất thủ công nghiệp cuối năm 1966 phát triển khá hơn đầu năm và tăng hơn so với cùng thời kỳ năm 1965. Tuy nhiên do ảnh hưởng của chiến tranh phá hoại của địch, các hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, các hợp tác xã vận tải thuyền cũng đang gặp một số khó khăn nhất định về nguyên liệu, về chất đốt, về nhân lực và về vận chuyển, nhiều hợp tác xã phải di chuyển, sơ tán phòng không, phải xây dựng cơ sở mới, phải giúp đỡ xã viên tổ chức đời sống ở nơi sơ tán… nên quỹ tích lũy cũng như quỹ công ích của hợp tác xã gần đây có bị giảm sút.

Căn cứ Điều lệ thuế công thương nghiệp mới, ban hành đầu năm 1966, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 74-TC/TQD ngày 05-5-1966 hướng dẫn việc thi hành thuế lợi tức doanh nghiệp, nhằm góp phần khuyến khích thủ công nghiệp phát triển đúng hướng (đúng ngành nghề và vùng kinh tế), thúc đẩy việc trang bị và cải tiến kỹ thuật, giúp đỡ hợp tác xã tăng cường quản lý lao động, vật tư, tài vụ, góp phần từng bước củng cố hợp tác xã, trên cơ sở đó động viên đóng góp công bằng hợp lý giữa các hợp tác xã ngành nghề khác nhau, thu nhập khác nhau.

Qua theo dõi việc thực hiện thông tư nói trên, Bộ nhận thấy cần bổ sung và nói rõ thêm một số điểm cho phù hợp với những biến chuyển mới trong tình hình sản xuất thủ công nghiệp và nhằm đơn giản việc thanh toán thuế lợi tức cả năm 1966 đối với các hợp tác xã sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, vận tải và kiến trúc.

1. Tính toán hao phí vật chất của hợp tác xã.

Để bảo đảm vốn cho hợp tác xã tái sản xuất, cần tính cho đúng mức các hao phí vật chất để trừ cho hợp tác xã khi tính số lợi tức phải chịu thuế.

Cơ quan thu khi tính thuế lợi tức, cần căn cứ vào các định mức do cơ quan, xí nghiệp Nhà nước đã xác định mà tiến hành kiểm tra sự kê khai của hợp tác xã về số lượng và giá cả nguyên vật liệu hao phí, rồi tính hao phí nguyên vật liệu được trừ.

Trường hợp hao phí thực tế thấp hơn định mức thì trừ theo hao phí thực tế và báo ngay cho cơ quan đặt hàng để điều chỉnh lại định mức cho sát.

Trường hợp hao phí thực tế cao hơn định mức thì phân biệt giải quyết như sau: nếu xét thấy định mức đã sát đúng rồi, nhưng do hợp tác xã quản lý không tốt nên hao phí nguyên vật liệu, chất đốt vượt quá định mức, thì trừ theo như định mức, nếu xét thấy định mức không còn sát nữa do đã có sự thay đổi về loại hay về chất lượng nguyên vật liệu, chất đốt, thì cơ quan thu cần phối hợp với cơ quan đặt hàng và cơ quan cung cấp nguyên vật liệu, chất đốt, để xác định lại định mức cho sát, làm cơ sở tính lại số hao phí được trừ khi tính lợi tức chịu thuế. Gặp trường hợp cơ quan cung cấp nguyên vật liệu, chất đốt chưa xác định lại kịp, thì cơ quan thu phải kiểm tra kỹ số hao phí thực tế trong các kỳ sản xuất vừa qua để xác định chi phí về tiêu hao vật chất của hợp tác xã làm cơ sở cho việc tính lợi tức chịu thuế, trong trường hợp này, cần nói rõ với hợp tác xã là việc cơ quan thu xác định chi phí về tiêu hao vật chất như vậy chỉ là để áp dụng cá biệt trong đợt tính thuế lợi tức lần đó thôi, chứ không ràng buộc cơ quan gia công đặt hàng (việc định mức tiêu hao vật chất thuộc trách nhiệm của cơ quan gia công đặt hàng và cơ quan này phải quy định những định mức trung bình tiền tiến áp dụng chung cho nhiều hợp tác xã).

Về giá cả nguyên vật liệu mua ngoài và giá cước vận tải thì cần chú ý những điểm sau đây:

Nguyên tắc là nhất thiết không để cho hợp tác xã mua ở thị trường tự do những vật tư Nhà nước thống nhất quản lý và những vật tư lấy cắp ở kho của Nhà nước (gặp trường hợp này, phải phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm mà tìm cho ra nguồn bán để có biện pháp xử lý chính đáng), nhất thiết không để cho hợp tác xã tùy tiện mua nguyên liệu hoặc trả cước theo bất kỳ giá nào.

Vấn đề căn bản ở đây là cơ quan và cán bộ thu phải giáo dục, giúp đỡ hợp tác xã nghiêm chỉnh tôn trọng các chế độ và quy định của Nhà nước về quản lý vật tư và giá cả nguyên liệu, vật liệu cũng như giá cước vận tải. Đối với những trường hợp mua hay thuê mướn cao hơn giá quy định của Nhà nước mà xét ra là vì hợp tác xã lúng túng trước khó khăn nên đã làm sai như vậy, thì cơ quan thu xét chiếu cố và cho hợp tác xã được tính toán theo thực tế đã chi, đồng thời cần nhắc nhở hợp tác xã sau này phải nghiêm chỉnh tôn trọng các quy định của Nhà nước.

Trong việc này, cán bộ thu phải đi đúng đường lối quần chúng, dựa vào những xã viên giác ngộ nhất để động viên toàn thể hợp tác xã cũng như ban quản trị nêu cao ý thức chấp hành luật lệ của Nhà nước, bảo vệ tài sản Nhà nước, đồng thời phát huy sáng kiến, khắc phục khó khăn, làm ăn tiết kiệm. Ngoài ra, cần lưu ý các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước quan tâm giúp đỡ hợp tác xã hơn nữa về nguyên vật liệu, chất đốt… tránh cho họ khỏi phải xoay xở ở thị trường tự do.

2. Về mức miễn thu.

Điều lệ thuế quy định mỗi xã viên có thực tế tham gia sản xuất trong kỳ kinh doanh đều được trừ một suất miễn thu do điều 14 Điều lệ thuế quy định cho mỗi khu vực (Hà Nội, Hải Phòng, các thị xã, miền núi, các nơi khác, căn cứ vào tính chất lao động khác nhau của các ngành nghề.

Sau khi đã xác định hợp tác xã thuộc ngành nghề nào trong biểu chung của Điều lệ và biểu chi tiết do Bộ Tài chính hướng dẫn, thì toàn bộ xã viên của hợp tác xã (chính thức hay dự bị) đều được trừ một mức miễn thu như nhau (không phân tích từng giai đoạn của dây chuyền sản xuất và áp dụng những mức miễn thu khác nhau). Đối với hợp tác xã làm nhiều nghề (phân biệt theo danh mục ở điều 14), ví dụ vừa sản xuất cơ khí, vừa sản xuất văn phòng phẩm… thì phân tách riêng từng phân xưởng hay tổ sản xuất mà áp dụng mức miễn thu đã quy định cho mỗi nghề, cho số xã viên tham gia sản xuất trong từng phân xưởng hay tổ sản xuất.

Về cách tính số suất miễn thu.

Để đơn giản việc tính toán và để theo sát quy định của điều 14 Điều lệ thuế, số suất miễn thu hợp tác xã được trừ là số xã viên thực tế có tham gia sản xuất trong kỳ kinh doanh, không lấy tổng số ngày công chia cho 25 ngày như đã hướng dẫn trong Thông tư số 74-TC/TQD.

Trong việc tính trừ suất miễn thu, cần giải thích cho hợp tác xã thông suốt yêu cầu quản lý lao động tốt để phát triển sản xuất, hiểu rõ ý nghĩa của chính sách miễn thu là góp phần quản lý tốt lao động, và trên cơ sở đó, tính trừ cả suất miễn thu cho số xã viên làm từ 15 ngày trở lên và tính trừ 1/2 suất miễn thu cho số xã viên làm dưới 15 ngày.

Số ngày xã viên làm nhiệm vụ trực chiến phòng không, xây hầm hố, di chuyển hoặc xây dựng cơ sở sơ tán đều được coi như ngày tham gia sản xuất. Trường hợp do phải di chuyển, sơ tán, do báo động, do mất điện, do không được cung cấp đủ nguyên vật liệu, nên bắt buộc phải có một số xã viên nghỉ việc trong một số ngày, thì cũng vẫn được kể những ngày đó khi tính toán số suất miễn thu được trừ. Trường hợp hợp tác xã có cơ sở sản xuất tương đối ổn định, nhưng vì không quản lý tốt lao động, nên xã viên ngày làm, ngày nghỉ, thì cần bàn bạc với ban quản trị hợp tác xã để loại trừ không tính suất miễn thu cho những xã viên chỉ có danh nghĩa, chỉ làm việc từ 3 ngày trở xuống.

Thuê nhân công trong phạm vi 20% số xã viên thì được tính trừ tiền công phải trả cho số công thuê ngoài.

Trường hợp hợp tác xã sản xuất để phục vụ quốc phòng, giao thông hay xuất khẩu, nếu vì nhu cầu đột xuất nhất thời mà phải thuê quá mức 10% để bảo đảm sản xuất kịp thời gian, thì tính trừ tiền công cho toàn bộ nhân công thuê ngoài như đã hướng dẫn trong Thông tư số 74-TC/TQD.

3. Về lợi tức chịu thuế bình quân xã viên.

Để tính thuế, cần chia bình quân số lợi tức của hợp tác xã để tìm ra lợi tức bình quân một xã viên (điều 16): lấy lợi tức chịu thuế của hợp tác xã, chia cho tổng số xã viên thực sự có tham gia sản xuất (cụ thể là chia cho số suất miễn thu đã trừ cho xã viên, cả xã viên chính thức và dự bị), không được kể số thợ học việc, số người trong gia đình xã viên làm thêm…

Đối với hợp tác xã có lợi tức vượt mức (nói ở điều 16 Điều lệ thuế) thì cuối mỗi năm các Chi cục thu, Sở, Ty tài chính cần nghiên cứu tính chất kinh doanh của hợp tác xã và căn cứ Điều lệ thuế và thông tư số 74-TC/TQD, quán triệt yêu cầu khuyến khích cải tiến kỹ thuật và cải tiến quản lý đồng thời điều tiết đúng mức những khoản thu nhập không hợp lý mà đề nghị Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh xét quyết định mức thu đối với phần lợi tức vượt mức của từng hợp tác xã, cũng như quyết định những trường hợp không thu thêm vào lợi tức vượt mức.

4. Về miễn giảm thuế lợi tức.

[...]