Thông tư 02-BYT/TT-1968 về việc cấp trang bị bảo hộ lao động cho trạm y tế xã do Bộ Y tế ban hành
Số hiệu | 02-BYT/TT |
Ngày ban hành | 03/01/1968 |
Ngày có hiệu lực | 18/01/1968 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Y tế |
Người ký | Nguyễn Đức Thắng |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương,Thể thao - Y tế |
BỘ Y TẾ |
VIỆT NAM DÂN CHỦ
CỘNG HÒA |
Số: 02-BYT/TT |
Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 1968 |
VỀ VIỆC CẤP TRANG BỊ BẢO HỘ LAO ĐỘNG CHO TRẠM Y TẾ XÃ
Kính gửi: |
- Ủy ban hành chính các tỉnh, thành;
|
Từ hòa bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, công tác y tế ở xã phát triển nhanh chóng và thu được nhiều thành tích tốt, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế xã đã được Thủ tướng Chính phủ và các Bộ có liên quan quy định những chính sách cụ thể, qua đó bước đầu giải quyết được một phần về mặt đãi ngộ vật chất, nhưng về mặt trang bị bảo hộ lao động để giữ gìn sức khỏe đề phòng các bệnh truyền nhiễm, nhiễm độc có hại sức khỏe thì chưa có quy định cụ thể, nên ở mỗi địa phương giải quyết khác nhau, nơi cấp, nơi không, gây rất nhiều khó khăn cho công tác y tế ở xã.
Đến nay, do yêu cầu của sự nghiệp phát triển y tế, công tác y tế ở xã phải đảm đương nhiệm vụ nặng nề hơn như trực tiếp phục vụ chiến đấu, làm nhiệm vụ cấp cứu tuyến 2, tiếp nhận một số giường bệnh do bệnh viện huyện giao và nhận phân cấp điều trị theo tuyến, phát triển cửa hàng dược, v.v… Vì vậy, việc trang bị bảo hộ lao động đã trở thành một nhu cầu tối thiểu cần thiết và phải có sự quy định thống nhất; Bộ Y tế sau khi được thỏa thuận của Bộ Lao động (công văn số 444-LĐĐH ngày 17-11-1967), quy định về việc trang bị bảo hộ lao động cho trạm y tế xã như sau:
1. Mỗi trạm y tế được trang bị từ 3 đến 4 áo choàng và từ 3 đến 4 mũ vải, để dùng cho cán bộ y tế xã khi khám bệnh, điều trị, đỡ đẻ, săn sóc bệnh nhân, cấp cứu chiến thương, v.v… Vì khả năng tài chính, vật tư của ta hiện nay có hạn, nên áo choàng và mũ không cấp phát riêng cho các cá nhân mà để dùng chung ở trạm, chỉ khi nào thường trực ở trạm mới được sử dụng; riêng đối với những cán bộ y tế có nhiệm vụ có tính chất thường xuyên và cố định ở trạm ( như y sĩ) thì được cấp hẳn.
2. Mỗi cá nhân được cấp 01 khẩu trang.
3. Ở những xã có tiếp nhận một số giường bệnh của bệnh viện huyện phân cấp, hoặc có từ 10 giường bệnh trở lên, hoặc trước đây đã trang bị áo choàng và mũ vải cao hơn quy định ở điểm 1, thì vẫn được giữ nguyên như cũ hoặc tùy theo yêu cầu cụ thể của mỗi trạm mà Ủy ban hành chính địa phương và phòng y tế huyện quyết định việc trang bị cho thích hợp (có thể cấp cao hơn) để tạo điều kiện cho việc bảo vệ sức khỏe cán bộ và nâng cao được tinh thần phục vụ bệnh nhân.
4. Thời gian sử dụng: Áo choàng và mũ vải sử dụng trong 3 năm, khẩu trang dùng từ 6 tháng đến 1 năm, hết thời gian sử dụng trạm y tế xã làm dự trù xin cấp phát mới hoặc xin bổ sung, Ủy ban hành chính các xã và phòng y tế huyện có nhiệm vụ xét duyệt cấp phát. Cán bộ y tế xã khi được cấp phát hẳn, nếu hết thời gian sử dụng thì được mang cái cũ để đổi lấy cái mới; nhưng khi hết thời gian sử dụng mà áo choàng và mũ còn tốt thì vẫn tiếp tục sử dụng cho đến khi hỏng mới cấp phát cái mới. Trường hợp này cơ quan lãnh đạo cấp trên cần có hình thức biểu dương khen thưởng thích hợp để động viên kịp thời về tinh thần tiết kiệm và giữ gìn của công của cán bộ y tế.
5. Nhiệm vụ bảo quản: Trang bị bảo hộ lao động cấp cho trạm y tế xã là tài sản chung của Nhà nước, xã và hợp tác xã giao cho trạm y tế xã quản lý không ai được dùng làm của riêng, người cán bộ y tế khi sử dụng phải đề cao trách nhiệm giữ gìn sạch sẽ, cẩn thận, không được để hư hỏng và mất mát, nếu làm hư hỏng, mất mát mà không có lý do chính đáng thì phải bồi thường theo giá trị còn lại khi đang sử dụng.
Ngoài việc cấp áo choàng và mũ cho trạm y tế xã, các địa phương vẫn cần phải tiếp tục cấp các trang bị cho nhà hộ sinh, cho sản phụ và cho trẻ mới đẻ (thau, chậu, quần áo người đẻ và tã lót, v.v…) và một số trang bị khác như giường, tủ, màng, soong, dụng cụ mổ, v.v… (theo những quy định hướng dẫn trước đây của Bộ) để dần dần tạo điều kiện cho trạm y tế xã hoàn thành tốt nhiệm vụ trước mắt và ngày một nặng nề hơn.
Ở những xã đã có y sĩ xã thì nhất thiết phải trang bị ống nghe vì nó là nhu cầu tối thiểu cần thiết của người thầy thuốc dùng trong việc khám bệnh, điều trị phục vụ bệnh nhân.
Căn cứ vào sự hướng dẫn trong thông tư này, các sở, ty y tế làm dự trù đề nghị Ủy ban hành chính tỉnh, thành cấp phát và tính vào ngân sách địa phương.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
(1) Mục III về kinh phí được đăng đúng theo văn bản đính chính số 1907-BYT/TC ngày 06-5-1968 của Bộ Y tế.