Thông tư 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 02/2024/TT-BKHCN
Ngày ban hành 28/03/2024
Ngày có hiệu lực 01/06/2024
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Lê Xuân Định
Lĩnh vực Thương mại

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2024/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 2024

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ TRUY XUẤT NGUỒN GỐC SẢN PHẨM, HÀNG HÓA

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đo lường;

Căn cứ Nghị định số 28/2023/NĐ-CP ngày 02 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa gồm: quản lý nhà nước đối với hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; quy định hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu; quản lý sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm, vật mang dữ liệu; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ, giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và tổ chức triển khai, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau:

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

2. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ, giải pháp liên quan đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

3. Cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Truy xuất nguồn gốc là hoạt động giám sát, xác định được một đơn vị sản phẩm hoặc dịch vụ qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh.

2. Hệ thống truy xuất nguồn gốc là hệ thống bao gồm hoạt động định danh sản phẩm, thu thập và lưu trữ thông tin về trạng thái của sản phẩm theo thời gian, địa điểm nhằm quản lý thông tin về chất lượng và an toàn của sản phẩm.

3. Mã truy vết sản phẩm là dãy số hoặc số và chữ được dùng để định danh sản phẩm ở các công đoạn sản xuất, kinh doanh trong quá trình truy xuất nguồn gốc.

4. Mã truy vết địa điểm là dãy số hoặc số và chữ được dùng để định danh địa điểm diễn ra sự kiện ở các công đoạn sản xuất, kinh doanh trong quá trình truy xuất nguồn gốc.

5. Mã truy xuất nguồn gốc là mã số định danh cuối cùng trong từng công đoạn của quá trình truy xuất nguồn gốc (bao gồm dãy số hoặc số và chữ liên tiếp được cấu thành từ mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm, số lô/mẻ sản phẩm, thời gian xảy ra sự kiện) và được mã hóa trong vật mang dữ liệu, thể hiện thông tin công khai, minh bạch về sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin phục vụ cho truy xuất nguồn gốc.

6. Vật mang dữ liệu truy xuất nguồn gốc là phương tiện hoặc vật thể chứa đựng dữ liệu (tem, nhãn, thẻ và các phương tiện hoặc vật thể phù hợp khác), bảo đảm thiết bị có thể đọc được.

7. Dữ liệu truy xuất nguồn gốc là các dữ liệu từ các bộ phận và quá trình khác nhau trong phạm vi truy xuất nguồn gốc đã xác định. Dữ liệu truy xuất nguồn gốc bao gồm dữ liệu về chất lượng, an toàn của sản phẩm và các thông tin cơ bản.

8. Nguyên tắc “một bước trước - một bước sau” là nguyên tắc truy xuất nguồn gốc mà tổ chức, cá nhân phải lưu giữ thông tin để bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn sản xuất, kinh doanh tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm được truy xuất nguồn gốc.

9. Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia bao gồm hệ thống phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu để phục vụ việc cung cấp thông tin về nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa có khả năng kết nối thông tin với hệ thống truy xuất nguồn gốc của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các hệ thống quốc tế.

[...]