Thông tư 02/2003/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 102/2002/NĐ-CP quy định chế độ trợ cấp đối với bệnh binh, hoặc công nhân, viên chức nghỉ việc hưởng chế độ mất sức lao động đồng thời là thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh do Bộ Lao động, Thương binh và xã hội ban hành

Số hiệu 02/2003/TT-BLĐTBXH
Ngày ban hành 07/02/2003
Ngày có hiệu lực 07/02/2003
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Thị Hằng
Lĩnh vực Bảo hiểm,Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/2003/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 07 tháng 2 năm 2003

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 02/2003/TT-BLĐTBXH NGÀY 07 THÁNG 02 NĂM 2003 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 102/2002/NĐ-CP NGÀY 11 THÁNG 12 NĂM 2002 CỦA CHÍNH PHỦ QUI ĐỊNH CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI BỆNH BINH, HOẶC CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NGHỈ VIỆC HƯỞNG CHẾ ĐỘ MẤT SỨC LAO ĐỘNG ĐỒNG THỜI LÀ THƯƠNG BINH HOẶC NGƯỜI HƯỞNG CHÍNH SÁCH NHƯ THƯƠNG BINH

Thi hành Nghị định số 102/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ về việc qui định chế độ trợ cấp đối với bệnh binh hoặc công nhân viên chức nghỉ việc hưởng chế độ mất sức lao động đồng thời là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;

Sau khi thống nhất ý kiến với các Bộ, ngành có liên quan;

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện như sau:

I/ ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN:

1. Đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp qui định tại khoản 1, Điều 2 Nghị định:

a. Bệnh binh đồng thời là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (gọi chung là thương binh) có tỷ lệ thương tật từ 21% trở lên, có thời gian phục vụ trong quân đội, công an từ 15 năm trở lên; nếu chưa đủ 15 năm phục vụ trong quân đội, công an, nhưng cộng thời gian công tác thực tế trước đó có đủ 20 năm thuộc diện tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

b. Công nhân, viên chức nghỉ việc hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, đồng thời là thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ thương tật từ 21% trở lên, có thời gian công tác thực tế được tính hưởng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên; nếu chưa đủ 20 năm công tác thực tế, nhưng trong đó có đủ 15 năm công tác thực tế trở lên phục vụ liên tục trong quân đội, công an.

2. Đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp qui định tại khoản 2, Điều 2 Nghị định:

a. Bệnh binh đồng thời là thương binh có tỷ lệ thương tật từ 21% trở lên, có thời gian phục vụ trong quân đội, công an dưới 15 năm.

b. Công nhân viên chức mất sức lao động đồng thời là thương binh có tỷ lệ thương tật từ 21% trở lên, có thời gian công tác thực tế dưới 20 năm.

3. Thời gian công tác có tháng kẻ thì từ 6 tháng trở lên được tính là 01 năm.

4. Bệnh binh, công nhân viên chức mất sức lao động đồng thời là thương binh qui định tại điểm 1, điểm 2 mục I của Thông tư này đã được xác nhận lập hồ sơ thực hiện chế độ từ trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 và đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành còn đang hưởng trợ cấp bệnh binh hoặc trợ cấp mất sức lao động.

II/ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP:

1. Đối với bệnh binh, công nhân viên chức mất sức lao động quy định tại điểm 1 mục I Thông tư này:

Được tiếp tục hưởng trợ cấp bệnh binh, trợ cấp mất sức lao động như đang hưởng. Ngoài ra còn được hưởng trợ cấp hàng tháng đối với thương binh theo tỷ lệ thương tật đã được xác định trong biên bản giám định y khoa.

Ví dụ 1:

Ông A có 16 năm 6 tháng phục vụ trong quân đội về nghỉ hưởng chế độ bệnh binh từ ngày 15 tháng 10 năm 1980, tỷ lệ mất sức lao động 61%, trong biên bản giám định y khoa có xác định tỷ lệ thương tật 22%.

Ông A tiếp tục hưởng trợ cấp bệnh binh với tỷ lệ mất sức lao động 61%; đồng thời được hưởng mức trợ cấp thương tật theo tỷ lệ 22% là 96.000 đ/tháng (thời điểm năm 2002).

Ví dụ 2:

Ông H có 20 năm công tác liên tục ở cơ quan Nhà nước, về nghỉ chế độ mất sức lao động từ ngày 01 tháng 4 năm 1991, tỷ lệ mất sức lao động 65%, trong biên bản giám định y khoa có xác định tỷ lệ thương tật 21%.

Ông H tiếp tục hưởng trợ cấp mất sức lao động 65%; đồng thời được hưởng mức trợ cấp thương tật theo tỷ lệ 21% là 92.000 đ/tháng (thời điểm năm 2002).

Ví dụ 3:

Ông K có 15 năm phục vụ trong quân đội, chuyển ngành ra cơ quan Nhà nước được 4 năm, về nghỉ chế độ mất sức lao động từ ngày 01 tháng 6 năm 1989, tỷ lệ mất sức lao động 75%, trong biên bản giám định y khoa có xác định tỷ lệ thương tật 31%.

Ông K tiếp tục hưởng trợ cấp mất sức lao động 75%; đồng thời được hưởng mức trợ cấp thương tật theo tỷ lệ 31% là 135.000 đ/tháng (thời điểm năm 2002).

2. Đối với bệnh binh, công nhân viên chức mất sức lao động quy định tại điểm 2 mục I Thông tư này:

a. Đối với bệnh binh: Căn cứ tỷ lệ mất sức lao động được xác định tại biên bản giám định y khoa trừ đi tỷ lệ thương tật, nếu tỷ lệ mất sức lao động còn từ 41% trở lên thì được hưởng trợ cấp thương tật đối với thương binh và trợ cấp mất sức lao động do bệnh tật theo tỷ lệ còn lại.

[...]