Thông tư 017-TT/LB năm 1962 hướng dẫn cách thức trích nộp kinh phí cho quỹ bảo hiểm xã hội do Bộ Tài chính-Tổng công đoàn Việt Nam ban hành

Số hiệu 017-TT/LB
Ngày ban hành 09/06/1962
Ngày có hiệu lực 24/06/1962
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính,Tổng Công đoàn Việt Nam
Người ký Nguyễn Thanh Sơn,Trần Danh Tuyên
Lĩnh vực Bảo hiểm

BỘ TÀI CHÍNH – TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

*******

Số: 017-TT/LB

Hà Nội, ngày 09 tháng 06 năm 1962

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CÁCH THỨC TRÍCH NỘP KINH PHÍ CHO QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Thi hành điều 68 của điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội với công nhân viên chức Nhà nước và các điều 2, 4, 5, 6, 7, của nghị định số 39-CP ngày 22-03-1962 của Hội đồng Chính phủ;

Bộ Tài chính và Tổng công đoàn Việt nam hướng dẫn cụ thể việc trích nộp kinh phí cho quỹ bảo hiểm xã hội như sau:

I. CĂN CỨ ĐỂ TÍNH KINH PHÍ TRÍCH NỘP CHO QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Theo Điều 2 và Điều 5 của nghị định số 39/CP ngày 22-03-1962 nói trên, hàng tháng các cơ quan chính quyền và đoàn thể nhân dân, các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường… của Nhà nước phải nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội một số tiền tính bằng 4,7% so với số tiền lương thực trả cho công nhân viên chức trong tháng đó.

1. Quỹ tiền lương để làm căn cứ tính số tiền phải nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội theo tỷ lệ 4,7% nói trên là tổng số tiền mà hàng tháng cơ quan, xí nghiệp… đã thực chi để trả lương cho tổng số cán bộ công nhân viên chức nằm trong phạm vi  chỉ tiêu kế hoạch lao động tiền lương của Nhà nước đã duyệt cho các cơ quan hành chính, sự nghiệp (kể cả các cơ quan đoàn thể nhân dân), các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường trong tháng đó, bao gồm mọi khoản chi  về lương đã được Hội đồng Chính phủ quy định trong nghị định số 14/CP ngày 01-02-1961 về thành phần tổng mức tiền lương của Nhà nước.

2. Kinh phí trích nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội. Lương của cán bộ, công nhân, viên chức thuộc chỉ tiêu biên chế và quỹ tiền lương nói trên do nguồn kinh phí nào trả (kinh phí hành chính, kinh phí sự nghiệp văn xã, kinh phí sự nghiệp kiến thiết kinh tế, kinh phí kinh doanh tự túc theo lối bù trừ chênh lệch, kinh phí kinh doanh sản xuất v.v…) thì số tiền nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội cũng do nguồn kinh phí đó trả.

II. VIỆC GHI CHI VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI THUỘC NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC HAY KẾ HOẠCH TÀI VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN XÍ NGHIỆP

1. Đối với các cơ quan hành chính, sự nghiệp: (kể cả các đoàn thể nhân dân, các cơ quan sự nghiệp văn xã và kiến thiết kinh tế), số tiền trích nộp theo tỷ lệ 4,7% cho quỹ bảo hiểm xã hội do ngân sách Nhà nước cấp phát trong dự toán kinh phí của các cơ quan đó và ghi vào mục III “phụ cấp xã hội”, tiết 2 “Tiền trích nộp 4,7% cho quỹ bảo hiểm xã hội”.

2. Đối với các xí nghiệp: Số tiền nộp theo tỷ lệ 4,7% cho quỹ bảo hiểm xã hội do xí nghiệp chi và tính vào giá thành sản phẩm.

3. Đối với các đơn vị kiến thiết cơ bản: Số tiền nộp theo tỷ lệ 4,7% cho quỹ bảo hiểm xã hội tính vào mục xã hội (chi phí gián tiếp) của dự toán kiến thiết.

4. Đối với các nhà ăn, nhà trẻ:

- Nhà ăn nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội 4,7% so với quỹ tiền lương đã thực trả cho cấp dưỡng và nhân viên nhà ăn. Số tiền nộp 4,7% cho quỹ bảo hiểm xã hội chi trong số thu của nhà ăn gồm có tiền cơ quan, xí nghiệp trợ cấp (1đ80 theo đầu người ăn) và số tiền thu 5% vào mức ăn thực tế của cán bộ công nhân viên chức.

- Nhà trẻ nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội 4,7% so với quỹ tiền lương đã thực trả các bảo mẫu của nhà trẻ. Số tiền nộp 4,7% cho quỹ bảo hiểm xã hội ghi trong dự toán chi của nhà trẻ.

5. Đối với các trường học:

a) Cán bộ, công nhân viên chức của trường:

Việc trích nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội 4,7% so với quỹ tiền lương đã thực trả cán bộ, công nhân, viên chức thuộc chỉ tiêu biên chế, tiền lương của trường, thực hiện theo cách thức quy định ở trên.

b) Học sinh, sinh viên là cán bộ, công nhân, viên chức được cử đi học đã cắt biên chế ở cơ quan, xí nghiệp, hưởng sinh hoạt phí theo tỷ lệ % lương do trường đài thọ:

Nhà trường phải trích nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội 4,7% so với tổng số tiền trợ cấp theo tỷ lệ % lương cho các học sinh, sinh viên là cán bộ, công nhân được cử đi học. Số tiền trích nộp 4,7% này do quỹ học bổng của trường đài thọ và ghi vào một tiết riêng để tiện việc theo dõi.

c) Cán bộ được cử đi học các lớp bồi dưỡng văn hóa, chính trị và nghiệp vụ vẫn thuộc biên chế cơ quan, xí nghiệp… vẫn lĩnh lương ở cơ quan,xí nghiệp… (hưởng 100% hay theo tỷ lệ % lương):

cơ quan trả lương phải trích nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội 4,7% so với tổng số tiền lương đã thực trả những cán bộ, công nhân đó và phải gửi toàn bộ số tiền lương cho nhà trường để nhà trường trả lương và trợ cấp bảo hiểm xã hội cho những cán bộ và công nhân đó trong trường hợp ốm đau, sinh đẻ… về việc thanh toán giữa nhà trường và các cơ quan xí nghiệp sẽ có quy định sau.

III. THỜI GIAN NỘP KINH PHÍ CHO QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI

1. Vì căn cứ để tính số tiền phải nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội là số tiền lương thực chi hàng tháng của cơ quan, xí nghiệp… nên thời gian quy định thống nhất để các cơ quan, nộp tiền cho quỹ bảo hiểm xã hội là từ ngày 01 đến hết ngày 05 đầu tháng sau (nghĩa là sau khi trừ xong lương tháng trước).

Thí dụ: trong các ngày 1, 2, 3, 4, 5 tháng 04-1962 các cơ quan, xí nghiệp cho Liên hiệp công đoàn số tiền phải nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội về tháng 03-1962.

2. Riêng tháng 12 hàng năm, để bảo đảm việc nộp kinh phí cho quỹ bảo hiểm xã hội và việc thanh toán các khoản chi về bảo hiểm xã hội được dứt khoát của năm nào vào năm ấy, nên đến ngày 31 tháng 12 nếu còn những khoản chi về lương hay bảo hiểm xã hội của tháng 12 chưa thanh toán xong phải để chi sang tháng 01 năm sau, thì các khoản chi đó được tính vào thực chi quỹ lương hay tạm ứng cho bảo hiểm xã hội của tháng 12 năm đó. Nhưng thời gian nộp kinh phí cho quỹ bảo hiểm xã hội về tháng 12 không được kéo dài quá ngày 15 tháng 01 năm sau.

IV. CÁCH TÍNH KINH PHÍ NỘP CHO QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI

1. Đối với các cơ quan, xí nghiệp hiện đang trả lương cán bộ, công nhân, viên chức. Sau thời gian lao động một lần vào cuối tháng hoặc trả làm 2 kỳ:

[...]