Thông tư liên tịch 01/TTLT năm 1964 về Chế độ tạm thời thoả thuận thiết kế và thiết bị phòng cháy và chữa cháy của các công trình xây dựng do Bộ Công An- Uỷ ban kiến thiết cơ bản Nhà nước ban hành
Số hiệu | 01/TTLT |
Ngày ban hành | 18/01/1964 |
Ngày có hiệu lực | 01/02/1964 |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch |
Cơ quan ban hành | Bộ Công An,Uỷ ban kiến thiết cơ bản Nhà nước |
Người ký | Ngô Ngọc Du,Trần Đại Nghĩa |
Lĩnh vực | Xây dựng - Đô thị |
Điều 3 Pháp lệnh ngày 27-9-1961 "quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy", quy định Cục phòng cháy và chữa cháy có nhiệm vụ "thoả thuận về thiết kế và thiết bị phòng cháy và chữa cháy của các công trình xây dựng về kinh tế và văn hóa và các công trình xây dựng khu nhà lớn, trước khi thi công các công trình ấy".
Điều 6 Nghị định số 220/CP ngày 28-12-1961 của Hội đồng Chính phủ về việc thi hành pháp lệnh trên quy định các đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp thuộc các Sở, Ty công an có nhiệm vụ "thoả thuận về thiết kế và thiết bị phòng cháy và chữa cháy của các công trình xây dựng của địa phương".
Căn cứ pháp lệnh và nghị định trên, nay quy định chế độ tạm thời về thoả thuận thiết kế và thiết bị phòng cháy và chữa cháy của các công trình xây dựng như sau:
1. Các công trình sau đây phải được thoả thuận về thiết kế và thiết bị phòng cháy và chữa cháy trước khi thi công; tất cả các xí nghiệp, kho tàng, các cơ sở kinh tế và văn hoá có tập trung đông người, có chất dễ cháy, nổ, có nhiều vật quý giá, và các khu nhà lớn.
Các công trình nói trên xây dựng mới, mở rộng, xây dựng thêm hoặc thay đổi tính chất sử dụng đều phải theo chế độ thoả thuận thiết kế trước khi thi công.
2. Hồ sơ cần gửi cho cơ quan phòng cháy và chữa cháy nghiên cứu để thoả thuận gồm:
a. Bản đồ mặt bằng toàn thể: các công trình sẽ xây dựng mới, các công trình và vật đã có sẵn trong khu vực xây dựng và xung quanh khu vực đó (nhà, ao hồ, đường bộ, sông, đê, đường sắt, đường dây điện, trạm biến thế, cây xanh, đường ống nước của thành phố,.v.v..), hệ thống nước( bể, đài, hầm nước, các đường ống nước, trụ nước, máy bơm chữa cháy bên ngoài, hệ thống nước chữa cháy bên trong nếu có) .Trong bản đồ này phải ghi rõ khoảng cách giữa các công trình.
Nếu dự kiến tương lai mở rộng các công trình hoặc xây dựng thêm công trình thì cần ghi vị trí mở rộng để cơ quan phòng cháy và chữa cháy tiện nghiên cứu khoảng cách phòng cháy.
b. Bản đồ thiết kế kỹ thuật: đường đi, hành lang, cầu thang cấp cứu, các lối thoát, những nơi bố trí máy móc, hệ thống hút bụi , công tơ, cầu dao điện,v.v..
c. Bản thuyết minh: Căn cứ vào bản tiêu chuẩn thiết kế và tuỳ theo là loại nhà sản xuất, kho, nhà làm việc, nhà ở, v.v. mà thuyết minh về các vấn đề sau đây:
- Hạng sản xuất (A, B, C, D, Đ) của xí nghiệp, kho tàng;
- Bậc chịu lửa của từng công trình( 1, 2, 3, 4, 5);
- Số tầng gác;
- Khoảng cách phòng cháy, đường đi, lối thoát;
- Việc cung cấp nước chữa cháy;
- Những bộ phận ngăn cháy;
- Các công trình đặt hệ thống máy móc, thiết bị thông gió, hút bụi;
- Những nhà ở, nhà phụ, nhà làm việc.
3. Để việc thoả thuận thiết kế được nhanh chóng, đỡ lãng phí, cán bộ thiết kế cần trao đổi với cơ quan phòng cháy và chữa cháy trước khi thiết kế chính thức. Sau khi hoàn thành việc thiết kế thì gửi hồ sơ đến cơ quan phòng cháy và chữa cháy đối với thiết kế do Cục phòng chaý và chữa cháy thuộc Bộ Công an thoả thuận thì gửi mỗi thứ (bản đồ và bản thuyết minh) ba bản, có chữ ký của thủ trưởng cơ quan thiết kế; đối với thiết kế do đội phòng cháy và chữa cháy địa phương thoả thuận thì gửi mỗi thứ hai bản cho đội phòng cháy và chữa cháy thuộc Sở, Ty Công an.
Cơ quan phòng cháy và chữa cháy phải có ý kiến trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được bản thiết kế. Đối với những công trình do Hội đồng Chính phủ quyết định phải xây dựng gấp thì thời gian này có thể rút ngắn hơn.
Đối với những công trình xây dựng theo đồ án thiết kế tiêu chuẩn Nhà nước hay đồ án thiết kế sử dụng nhiều lần thì chỉ cần gửi cho cơ quan phòng cháy và chữa cháy bản đồ mặt bằng toàn thể và bản thuyết minh và những điểm thay đổi so với đồ án thiết kế tiêu chuẩn hoặc đồ án thiết kế sử dụng lại, để cơ quan phòng cháy và chữa cháy tham gia ý kiến trước khi thi công.
4. Đối với các công trình thuộc Cục phòng cháy và chữa cháy thoả thuận, sau khi nghiên cứu bản thiết kế, nếu đồng ý thì Cục trưởng Cục phòng cháy và chữa cháy ký tên và đóng dấu rồi gửi trả lại cơ quan thiết kế một bản, gửi cho đội phòng cháy và chữa cháy địa phương một bản để theo dõi kiểm tra thi công và lưu một bản.
Đối với các công trình thuộc thẩm quyền đội phòng cháy và chữa cháy địa phương thoả thuận thì đội trưởng đội phòng và chữa cháy ký tên, đóng dấu, gửi cho cơ quan thiết kế một bản và lưu một bản.
5. Sau khi cơ quan phòng cháy và chữa cháy đã thoả thuận thiết kế nếu cơ quan thiết kế, cơ quan thi công hoặc cơ quan sử dụng cần sửa đổi, thêm bớt bản thiết kế cũ, mở rộng công trình, xây dựng thêm, thay đổi tính chất sử dụng của công trình đều phải được cơ quan phòng cháy và chữa cháy thoả thuận lại trước khi thi công hoặc sử dụng.
6. Đối với những cơ sở cũ trước đây chưa có sự thoả thuận về thiết kế và thiết bị phòng cháy và chữa cháy, khi mở rộng sửa chữa, thay đổi tính chất sử dụng thì căn cứ vào chế độ quy định chung mà tiến hành.
7. Khi thiết kế hoặc thảo thuận thiết kế, cơ quan thiết kế hoặc cơ quan phòng cháy và chữa cháy phải theo đúng tiêu chuẩn đã quy định.