Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư 01-TT-LB năm 1956 giải thích Nghị định 01-NĐ-LB về điều lệ kiểm thu do Bộ Nông lâm - Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 01-TT-LB
Ngày ban hành 19/01/1956
Ngày có hiệu lực 03/02/1956
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông lâm,Bộ Tài chính,Bộ Tư pháp
Người ký Lê Duy Trinh,Vũ Đình Hoè
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI CHÍNH - BỘ TƯ PHÁP
BỘ NÔNG LÂM
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01-TT-LB

Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 1956 

 

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH VỀ VIỆC THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 01-NĐ-LB

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG LÂM - BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH - BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính các Khu Việt bắc, Liên khu 3, 4, Khu tự trị Thái – Mèo, Khu Hồng – quảng, Hà – nội, Hải – phòng
- Các ông Giám đốc Khu canh nông Việt – bắc,  Liên khu 3, 4, Khu tự trị Thái – Mèo, Khu Hồng – quảng, Hà – nội, Hải – phòng. Liên bộ Nông lâm – Tài chính – Tư pháp gửi kèm theo đây nghị định bổ khuyết Các nghị định số 08 và 09 về điều lệ kiểm thu

Dưới đây, Liên bộ giải thích thêm về một số điểm được bổ khuyết.

1) Việc tính giá bán lâm sản  :

Trước đây vì hoàn cảnh giao thông khó khăn, việc định giá bán giao cho Ủy ban hành chính tỉnh, căn cứ vào giá thị trường quan trọng nhất ở địa phương.

Kiểm điểm lại, nhận thấy hiện nay việc tính giá như vậy có nhiều điểm không hợp lý. Giá  bán chênh lệch quá nhiều từ tỉnh này qua tỉnh khác, tuy điều kiện sản xuất không khác nhau, thí dụ giá lim ở Hải-ninh 9.600đ, ở Thanh hóa 40.000đ, nhiều nơi cũng trên một luồng sông giá tiền ở nơi xa hơn lại đắt hơn giá phía dưới, thí dụ lim ở Tuyên quang 36.000đ, ở Việt trì 28.000đ hoặc ở Thái nguyên 30.000đ, Bắc-giang 28.000đ -  giá thay đổi quá nhiều từ tháng này sang tháng khác thí dụ lim ở Tuyên-quang tháng 5 là 24.000đ, tháng 6 là 36.000đ, tháng 7 là 40.000đ.

 Tình trạng đó có ảnh hưởng không tốt như sau:

- Không khuyến khích nhân dân khai thác những rừng xa;

- Không bảo vệ được những rừng gần đã bị tàn phá nhiều vì khai thác ồ ạt;

- Thất thu cho công quỹ;

- Giá hàng tháng thay đổi quá  nhiều cản trở việc tính toán kinh doanh của Mậu dịch cũng như tư nhân và cản trở việc dự trù ngân sách của cơ quan.

Nguyên nhân là:

- Tổ chức thu mua của Mậu dịch còn yếu, nên thương nhân lũng đoạn thị trường, giá cả chưa bình ổn- việc lãnh đạo sản xuất thu mua còn thiếu sót.

- Việc lấy giá thị trường không sát, hoặc có nơi thấy tư nhân kêu ca thì hạ giá (Hải-ninh, Hồng-quảng, Việt-trì)

- Giá lâm sản do địa phương quyết định, nên thiếu bao quát, không có tác dụng điều hòa thị trường.

- Nguyên tắc tính giá bán mới chỉ căn cứ đơn thuần vào giá thị trường chưa chú trọng đến giá vốn sản xuất tại rừng.

Để chấm dứt tình trạng trên, Liên bộ định lại giá bán theo nguyên tắc sau đây:

- Một mặt căn cứ vào giá vốn sản xuất tại rừng của từng loại lâm sản  (công gây rừng, công quản lý, công khai thác).

- Mặt khác phải chiếu cố đến giá thị trường, nơi khai thác xa giá hạ hơn nơi gần để khuyến khích sản xuất.

- Những nơi nào hoàn cảnh khai thác, vận chuyển giống nhau thì giá ngang nhau.

Muốn như vậy, việc định giá bán phải do Trung ương quyết định để có lãnh đạo bao quát. Ủy ban hành chính tỉnh địa phương có nhiệm vụ cung cấp đầy đủ giá thị trường hàng tháng một cách chính xác để giúp Trung ương định giá được sát. Với điều kiện giao thông hiện tại,việc phổ biến giá bán cho các địa phương áp dụng không gặp trở ngại như trước.

Trong lúc thị trường chưa  ổn định, vẫn có thể có giá hàng tháng, nhưng sẽ tiến dần bình ổn thị trường để có giá bán tương đối ổn định cho từng thời gian dài  hơn.

2)  Về tổ chức thu:

Tuy hiện nay trên các luồng lâm sản quan trọng, theo đường thủy, các trạm  kiểm thu đã tổ chức tương đối hợp lý; nhưng còn một số lớn lâm sản phụ vẫn chuyển theo đường bộ rất phân tán. Nếu kể riêng từng luồng thì số lượng không đáng đặt một trạm kiểm thu nhưng cộng nhiều luồng thì số thất thu khá quan trọng.

Do đó cần đặt thêm ủy nhiệm thu. Tổ chức trước đây đã đặt, nhưng vì thiếu lãnh đạo chặt chẽ nên có tình trạng lợi dụng tham ô, làm thiệt hại đến công quỹ và ảnh hưởng không tốt đến chính sách kiểm thu. Ngày nay các Ủy ban xã đã và đang được chấn chỉnh điều lệ khai thác của Chính phủ đã ban hành cũng đặt chính thức nhiệm vụ quản lý rừng cho các  Ủy ban. Do đó việc lập lại ủy nhiệm cho các xã có thể làm được tốt.

Ủy nhiệm thu ở xã có thể là một ủy viên trong ban kinh tế phụ trách nếu có điều kiện, hoặc một cán bộ đoàn thể do ủy ban chọn và chịu trách nhiệm.

[...]