Thông tư 01-LĐ/TT-1980 hướng dẫn về công tác lao động tiền lương để thi hành Điều lệ liên hiệp các xí nghiệp quốc doanh do Bộ Lao động ban hành

Số hiệu 01-LĐ/TT
Ngày ban hành 02/01/1980
Ngày có hiệu lực 17/01/1980
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Nguyễn Thọ Chân
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 02 tháng 01 năm 1980 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VỀ CÔNG TÁC LAO ĐỘNG TIỀN LƯƠNG ĐỂ THI HÀNH ĐIỀU LỆ LIÊN HIỆP CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH

Thi hành nghị định số 302-CP ngày 01-12-1978 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ liên hiệp các xí nghiệp quốc doanh, Bộ Lao động hướng dẫn về công tác lao động tiền lương của liên hiệp các xí nghiệp quốc doanh như sau:

I. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA LIÊN HIỆP CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH VỀ QUẢN LÝ LAO ĐỘNG TIỀN LƯƠNG

Nhiệm vụ và quyền hạn của liên hiệp các xí nghiệp quốc doanh (sau đây gọi tắt là liên hiệp) về quản lý lao động tiền lương đã được quy định trong Điều lệ của liên hiệp (từ điều 15 đến điều 19), dưới đây Bộ Lao động quy định và hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn của liên hiệp về mặt này như sau :

1. Công tác định mức lao động và tổ chức lao động.

a) Định mức lao động:

- Liên hiệp phải lập và tổ chức thực hiện kế hoạch dài hạn và hàng năm về công tác định mức lao động cho toàn ngành, hướng dẫn các xí nghiệp trực thuộc xây dựng kế hoạch này và chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện; chỉ đạo và đôn đốc các xí nghiệp thực hiện đúng đắn các tiêu chuẩn và định mức lao động của Nhà nước và của ngành đã ban hành.

Đối với những công việc chưa có tiêu chuẩn và mức thống nhất của Nhà nước, liên hiệp tổ chức việc xây dựng để tổng giám đốc liên hiệp ban hành sau khi được sự thỏa thuận bằng văn bản của Bộ Lao động .

Trên cơ sở những tiêu chuẩn và mức chi tiết, dựa vào quy trình công nghệ tiến bộ, liên hiệp chỉ đạo xây dựng và ban hành mức tổng hợp của từng sản phẩm theo quy định của Nhà nước, làm cơ sở cho việc xây dựng và xét duyệt kế hoạch, quản lý quỹ tiền lương v.v…

Liên hiệp hướng dẫn các xí nghiệp trực thuộc xây dựng những mức lao động trong khi chưa có mức ngành, tổ chức xét duyệt những mức ấy để giám đốc các xí nghiệp ban hành.

Đôn đốc các xí nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn và mức hiện có vào việc cải tiến tổ chức sản xuất, tổ chức lao động và trả lương cho công nhân.

Thực hiện chế độ quản lý và hạch toán nghiệp vụ về định mức lao động, phân tích hiệu quả của việc thực hiện định mức, tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm sản xuất và phương pháp lao động tiên tiến, thường xuyên nâng cao chất lượng định mức lao động.

b) Tổ chức lao động:

Liên hiệp xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác tổ chức lao động khoa học, nghiên cứu xây dựng mô hình mẫu và thiết kế mẫu về tổ chức lao động khoa học, hướng dẫn các đơn vị trong liên hiệp thực hiện, đồng thời tổ chức chỉ đạo điển hình để rút kinh nghiệm, từng bước mở rộng ra toàn ngành. Kế hoạch công tác tổ chức lao động khoa học phải được lập đồng thời với kế hoạch kinh tế kỹ thuật. Tổ chức lao động khoa học phải tiến hành có hệ thống và thường xuyên trong tất cả các khâu lao động chính, phụ và phục vụ. Phải kết hợp kinh nghiệm tiên tiến với tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoàn cảnh sản xuất cụ thể nhằm sử dụng có hiệu quả nhất sức lao động vào sản xuất, tạo điều kiện bảo vệ tốt sức khỏe người lao động và không ngừng tăng năng suất lao động.

Căn cứ vào nhiệm vụ sản xuất và định mức lao động tiến bộ, liên hiệp hướng dẫn các xí nghiệp bố trí lại lao động một cách chặt chẽ trong từng dây chuyền sản xuất. Liên hiệp phải theo dõi kiểm tra việc sử dụng đúng ngành nghề, tổ chức làm việc, chế độ đãi ngộ đối với những kỹ sư, cán bộ kỹ thuật giỏi và công nhân lành nghề nhằm phát huy tốt năng lực của họ.

Trong quá trình xét duyệt chỉ đạo thực hiện kế hoạch, liên hiệp có quyền điều hòa lao động giữa các xí nghiệp. Các cơ quan hữu quan địa phương như công an, lương thực…cần giải quyết vấn đề hộ khẩu, lương thực cho những người được điều động từ địa phương này sang địa phương khác theo quyết định của liên hiệp để tạo điều kiện sử dụng hợp lý lực lượng lao động trong toàn liên hiệp.

Khi xí nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc cải tiến tổ chức sản xuất mà có lao động dôi ra, nếu xí nghiệp không tự giải quyết được thì liên hiệp điều động cho các xí nghiệp khác. Nếu không có yêu cầu của xí nghiệp khác thì giải quyết theo điều 6 của nghị định số 24-CP ngày 13-1-1963 của Hội đồng Chính phủ.

Trường hợp do nguyên nhân khách quan, xí nghiệp phải ngừng việc nhiều ngày mà bản thân từng xí nghiệp không tự giải quyết được thì liên hiệp có trách nhiệm tạm thời điều chỉnh cho những xí nghiệp khác. Tránh tình trạng để công nhân hưởng lương ngừng việc kéo dài quá thời hạn quy định.

2. Tổ chức liền lương

a) Tiền lương áp dụng chung trong liên hiệp:

Đối với những xí nghiệp sản xuất đã ổn định về nhiệm vụ mặt hàng và nguyên vật liệu thì liên hiệp phải kiên quyết thực hiện chế độ tiền lương sản phẩm cho toàn bộ xí nghiệp nghĩa là chi quỹ tiền lương theo mức hoàn thành khối lượng sản phẩm có kiểm tra chặt chẽ về chất lượng. Còn việc trả lương trong nội bộ xí nghiệp do giám đốc xí nghiệp quyết định thực hiện đúng chế độ của Nhà nước.

Liên hiệp có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra các xí nghiệp trực thuộc thực hiện đúng các chế độ, chính sách tiền lương của Nhà nước, áp dụng các thang lương, bảng lương, các hình thức trả lương và các chế độ phụ cấp đúng quy định. Liên hiệp quy định cụ thể các tiêu chuẩn và điều kiện khen thưởng, xét duyệt nội quy và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thi hành đúng các chế độ tiền thưởng hiện hành. Còn biện pháp khen thưởng là thuộc quyền giám đốc xí nghiệp.

Hàng năm, liên hiệp giao chỉ tiêu đào tạo công nhân cho các xí nghiệp, đôn đốc các xí nghiệp tổ chức đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề và tổ chức thi kiểm tra nâng bậc cho công nhân theo quy định của Nhà nước.

Dựa vào các phương pháp xác định cấp bậc công việc mà Bộ Lao động đã hướng dẫn, liên hiệp chọn phương pháp xác định cấp bậc công việc thích hợp với tổ chức sản xuất, đặc điểm kỹ thuật của ngành mà hướng dẫn các xí nghiệp xác định cấp bậc kỹ thuật thống nhất cho những nghề phổ biến trong ngành để đề nghị các cơ quan quản lý cấp trên xét duyệt ban hành.

Dựa theo bảng phân loại lao động hiện hành, liên hiệp căn cứ vào đặc điểm và điều kiện lao động cụ thể của các nghề trong ngành để nghiên cứu đề nghị bổ sung các chức danh chưa có hoặc sửa đổi cho hợp lý, làm cơ sở cho việc thực hiện chế độ cung cấp lương thực, thực phẩm, bồi dưỡng lao động nặng nhọc, độc hại.

Căn cứ vào phương pháp và tiêu chuẩn xếp hạng xí nghiệp do Bộ Lao động hướng dẫn, liên hiệp nghiên cứu xác định các yếu tố cụ thể của ngành để xếp hạng cho các xí nghiệp trong liên hiệp, trình cơ quan cấp trên phê chuẩn.

Định kỳ tổ chức sơ kết và phổ biến kinh nghiệm của các xí nghiệp trong công tác quản lý thực hiện các chính sách chế độ tiền lương, tiền thưởng…uốn nắn kịp thời những lệnh lạc của các xí nghiệp, đề xuất ý kiến sửa đổi những chính sách, chế độ không còn phù hợp.

[...]