Thông tri 23/TTr-MTTW-BTT năm 2017 hướng dẫn quy trình giám sát và quy trình phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành

Số hiệu 23/TTr-MTTW-BTT
Ngày ban hành 21/07/2017
Ngày có hiệu lực 21/07/2017
Loại văn bản Thông tri
Cơ quan ban hành Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Người ký Trần Thanh Mẫn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN TRUNG ƯƠNG
MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
BAN THƯỜNG TRỰC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/TTr-MTTW-BTT

Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 2017

 

THÔNG TRI

HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH GIÁM SÁT VÀ QUY TRÌNH PHẢN BIỆN XÃ HỘI CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

Thực hiện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14- CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nghị quyết liên tịch số 403); để triển khai công tác giám sát, phản biện xã hội thống nhất từ trung ương đến địa phương, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn một số điểm trong quá trình thực hiện quy trình giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như sau:

A. NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN

1. Việc giám sát, phản biện xã hội phải bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan đúng các quy định của pháp luật, Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, không làm ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân được giám sát.

2. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp và thống nhất hành động của các tổ chức thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước có liên quan.

3. Việc tổ chức thực hiện cần được triển khai đồng bộ, thống nhất phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận và điều kiện thực tế ở địa phương; tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền; định kỳ có sơ kết, tổng kết.

B. QUY TRÌNH THỰC HIỆN

I. XÂY DỰNG KẾ HOẠCH GIÁM SÁT, PHẢN BIỆN XÃ HỘI HẰNG NĂM

- Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xác định mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức, thời gian, chủ thể tiến hành giám sát, phản biện xã hội; xác định rõ nội dung do Mặt trận chủ trì, nội dung do tổ chức chính trị - xã hội chủ trì. Khi cần thiết, nội dung kế hoạch giám sát, phản biện xã hội được điều chỉnh hoặc bổ sung với sự thống nhất của các bên tùy theo điều kiện thực tế và thời gian tổ chức thực hiện. Nội dung Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội được xây dựng theo biểu mẫu số 01/KH-MT. Kế hoạch giám sát, kế hoạch phản phản biện xã hội có thể được xây dựng chung hoặc riêng.

- Định kỳ quý IV hằng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì hiệp thương thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp lựa chọn những vấn đề mà Nhân dân quan tâm, bức xúc để xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của năm sau.

+ Ở cấp Trung ương: Tập trung giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức ở trung ương; những chuyên đề, vấn đề lớn có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân có phạm vi ảnh hưởng rộng.

+ Ở cấp địa phương: Tập trung giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức cùng cấp; những chuyên đề, vụ việc liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân có phạm vi ảnh hưởng trong phạm vi địa phương mình.

Việc tổ chức hiệp thương bằng hình thức hội nghị hoặc gửi văn bản đến các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức thành viên khác có liên quan để thống nhất nội dung kế hoạch.

- Trên cơ sở Dự thảo kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm đã được hiệp thương với các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao đổi, thống nhất với các cơ quan nhà nước cùng cấp về dự thảo kế hoạch theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 của Nghị quyết liên tịch số 403.

 Việc trao đổi, thống nhất với các cơ quan có thể bằng hình thức tổ chức hội nghị hoặc gửi dự thảo kế hoạch xin ý kiến.

II. QUY TRÌNH GIÁM SÁT

1. Quy trình giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân

- Các loại văn bản được giám sát gồm: Văn bản quy phạm pháp luật; Quyết định hành chính; Bản án, quyết định, kết luận, cáo trạng trong hoạt động tố tụng; Các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình kinh tế - xã hội, dự án, đề án của cơ quan nhà nước… liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

- Tùy quy mô, tính chất của hoạt động giám sát, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội có thể xây dựng kế hoạch thực hiện.

- Để bảo đảm hiệu quả giám sát văn bản, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội phân công các ban, đơn vị và cá nhân thuộc cơ quan, tổ chức mình thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, xem xét các văn bản do các cơ quan có thẩm quyền cùng cấp ban hành có nội dung liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Qua nghiên cứu, xem xét, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, thì ban, đơn vị, cá nhân được phân công có trách nhiệm báo cáo, đề xuất Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội quyết định việc giám sát văn bản đó.

Quy trình giám sát được thực hiện theo các bước sau:

 *Bước 1: Nghiên cứu, xem xét văn bản được giám sát

- Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội các cấp phân công một đồng chí lãnh đạo phụ trách trực tiếp chỉ đạo việc nghiên cứu, xem xét văn bản và giao các ban, đơn vị chuyên môn, cá nhân của cơ quan, tổ chức mình tham mưu thực hiện. Trường hợp cần thiết, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức hội nghị hoặc gửi lấy ý kiến tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học hoặc tổ chức hoạt động khảo sát để thu thập thông tin, xem xét, nghiên cứu tác động của văn bản đối với xã hội.

- Trình tự nghiên cứu, xem xét văn bản được thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Nghị quyết liên tịch số 403.

Trong quá trình nghiên cứu, xem xét văn bản, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội các cấp có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức ban hành văn bản có báo cáo, giải trình, cung cấp thông tin, tài liệu về những vấn đề liên quan đến nội dung của văn bản được giám sát.

* Bước 2: Xây dựng và gửi văn bản kiến nghị

- Khi phát hiện văn bản được giám sát chưa phù hợp với Hiến pháp hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chưa phù hợp với thực tiễn đời sống, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội chủ trì giám sát có văn bản kiến nghị gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết, sửa đổi, bổ sung hoặc đình chỉ thi hành. Văn bản kiến nghị được xây dựng theo biểu mẫu số 02-MT.

[...]