BỘ NGOẠI GIAO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
58/2014/TB-LPQT
|
Hà Nội, ngày 18
tháng 09 năm 2014
|
THÔNG BÁO
VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định tại khoản
3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005,
Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu
tư lẫn nhau giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ
nước Cộng hòa Hồi giáo I-ran, ký tại Hà Nội ngày 23 tháng 12 năm 2009, có hiệu
lực kể từ ngày 19 tháng 3 năm 2011.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi Bản sao
Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Minh Nguyệt
|
HIỆP ĐỊNH
KHUYẾN KHÍCH VÀ BẢO HỘ ĐẦU TƯ LẪN NHAU GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG hòa XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA HỒI GIÁO IRAN
LỜI
NÓI ĐẦU
Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam và Chính phủ Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, sau đây gọi là “các Bên ký kết”;
Mong muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế
cùng có lợi cho cả hai Bên ký kết;
Nhằm huy động các nguồn lực kinh tế
và điều kiện tiềm năng trong lĩnh vực đầu tư cũng như tạo ra và duy trì các điều
kiện thuận lợi cho đầu tư của công dân các Bên ký kết trên lãnh thổ của nhau;
và
Thừa nhận sự cần thiết của việc thúc đẩy và bảo hộ đầu tư của công dân
thuộc các Bên ký kết trên lãnh thổ của nhau;
Đã thỏa
thuận như sau:
ĐIỀU 1
CÁC ĐỊNH NGHĨA
Với mục đích của Hiệp định này, các
thuật ngữ trong Hiệp định được hiểu như sau:
1. Thuật ngữ “đầu tư” có nghĩa là mọi
tài sản do nhà đầu tư của một Bên ký kết đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết
kia phù hợp với pháp luật của Bên ký kết đó (sau đây gọi là Bên ký kết chủ
nhà), bao gồm những khoản sau:
a) Động sản và bất động sản cũng như
các quyền có liên quan;
b) Cổ phần hoặc bất kỳ các hình thức
góp vốn vào công ty;
c) Quyền đòi tiền hoặc bất kỳ hoạt động
nào có giá trị kinh tế gắn với đầu tư;
đ) Các quyền sở hữu công nghiệp và sở
hữu trí tuệ như sáng chế, mô hình sử dụng, các kiểu dáng hoặc mẫu công nghiệp,
các nhãn hiệu và tên thương mại, bí quyết và uy tín kinh doanh;
e) Các quyền tìm kiếm, tinh chế hoặc
khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
2. Thuật ngữ “nhà đầu tư” có nghĩa là
các chủ thể sau đây thực hiện đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết kia Trong
khuôn khổ Hiệp định này:
a) Thể nhân là công dân của mỗi Bên ký kết phù hợp với pháp luật
của Bên ký kết đó và không có quốc tịch của Bên ký kết chủ nhà.
b) Pháp nhân của mỗi Bên ký kết được
thành lập hoặc tổ chức theo luật của Bên ký kết đó và có trụ sở cùng với các hoạt
động kinh tế thực chất trên lãnh thổ của
Bên ký kết đó,
3. Thuật ngữ “thu nhập” có nghĩa là các
khoản thu hợp pháp từ đầu tư bao gồm lợi nhuận từ đầu tư, cổ tức, tiền bản quyền
và các loại phí khác.
4. Thuật ngữ “lãnh thổ”:
a) Trong trường hợp Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam, có nghĩa là lãnh thổ đất liền, các hải đảo, nội thủy, lãnh
hải và vùng trời phía trên đó, các vùng biển ngoài lãnh hải bao gồm cả đáy biển
và lòng đất dưới đáy biển mà Cộng hòa Xã
hội Chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chủ quyền, quyền chủ
quyền và quyền tài phán phù hợp với pháp luật quốc gia và luật pháp quốc tế.
b) Trong trường hợp Cộng hòa Hồi giáo
Iran, có nghĩa là các vùng thuộc chủ quyền hoặc quyền tài phán của Cộng hòa Hồi
giáo Iran, và bao gồm cả các vùng biển.
ĐIỀU 2
KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ
1. Mỗi Bên ký kết sẽ khuyến khích
công dân của mình đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết kia.
2. Mỗi Bên ký kết, trong khuôn khổ
pháp luật và quy định của nước mình, tạo các điều kiện thuận lợi nhằm thu hút đầu
tư của công dân của Bên ký kết kia trên lãnh thổ nước mình.
ĐIỀU 3
TIẾP NHẬN ĐẦU TƯ
1. Mỗi Bên ký kết sẽ tiếp nhận đầu tư
của thể nhân và pháp nhân của Bên ký kết kia trên lãnh thổ nước mình phù hợp với
pháp luật và quy định của nước mình.
2. Khi một hoại động đầu tư được chấp
thuận, mỗi Bên ký kết sẽ cấp các giấy phép cần thiết để thực hiện hoạt động đầu
tư đó theo quy định của pháp luật của mình.
ĐIỀU 4
BẢO HỘ ĐẦU TƯ
1. Đầu tư của nhà đầu tư của mỗi Bên
ký kết thực hiện trên lãnh thổ của Bên ký kết kia sẽ được bảo hộ pháp lý đầy đủ
và đối xử công bằng không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho nhà đầu tư của
Bên ký kết chủ nhà hoặc nhà đầu tư của bất kỳ nước thứ 3 nào trong cùng hoàn cảnh
tương tự, phù hợp với pháp luật của Bên ký kết chủ nhà.
2. Nếu một Bên ký kết đã hoặc sẽ dành
trong tương lai các ưu đãi hoặc đặc quyền cho nhà đầu tư của bất kỳ nước thứ 3
nào có được từ các hiệp định hiện hành hoặc tương lai về thành lập khu vực
thương mại tự do, liên minh thuế quan, thị trường chung hoặc tổ chức khu vực
tương tự và/hoặc trong các thỏa thuận về tránh đánh thuế hai lần, Bên ký kết đó
sẽ không buộc phải dành các ưu đãi hoặc đặc quyền này cho nhà đầu tư của Bên ký
kết kia.
ĐIỀU 5
CÁC QUY ĐỊNH THUẬN LỢI HƠN
Mặc dù có những điều khoản trong Hiệp
định này, các quy định Thuận lợi hơn đã hoặc có thể được mỗi Bên ký kết thỏa thuận với nhà đầu tư của Bên ký kết kia sẽ
được áp dụng.
ĐIỀU 6
TƯỚC QUYỀN SỞ HỮU VÀ BỒI THƯỜNG
1. Đầu tư của thể nhân và pháp nhân của
mỗi Bên ký kết sẽ không bị quốc hữu hóa, trưng thu, tước quyền sở hữu hoặc bị
áp dụng các biện pháp tương tự của Bên ký kết kia trừ trường hợp những biện
pháp này được thực hiện vì mục đích công cộng, phù hợp với trình tự luật định,
không phân biệt đối xử, và trên cơ sở bồi thường nhanh chóng, thỏa đáng và hiệu
quả.
2. Khoản bồi thường phải tương xứng với
giá trị thị trường của khoản đầu tư ngay trước khi hành động quốc hữu hóa, trưng
thu hoặc tước quyền sở hữu diễn ra hoặc được công bố.
3. Việc bồi thường sẽ bao gồm một khoản
đền bù cho bất kỳ sự chậm trễ phi lý nào trong việc trả tiền bồi thường với điều
kiện việc chậm trả tiền bồi thường không do nhà đầu tư gây ra. Khoản đền bù này
được xác định trên cơ sở LIBOR tính từ ngày tước quyền sở hữu cho đến ngày trả
tiền bồi thường.
ĐIỀU 7
THIỆT HẠI
Nhà đầu tư của mỗi Bên ký kết có đầu
tư bị thiệt hại do bất kỳ xung đột vũ trang, cách mạng hoặc tình trạng khẩn cấp
tương tự trên lãnh thổ Bên ký kết kia sẽ được Bên ký kết kia dành cho sự đối xử
không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho nhà đầu tư nước mình hoặc nhà đầu tư
của bất kỳ nước thứ ba nào.
ĐIỀU 8
CHUYỂN TIỀN VỀ NƯỚC VÀ RA NƯỚC NGOÀI
1. Mỗi Bên ký kết, phù hợp với pháp
luật của nước mình, sẽ cho phép một cách thiện chí những khoản sau đây liên
quan đến đầu tư theo Hiệp định này được chuyển tự do và không chậm trễ ra ngoài
lãnh thổ nước mình:
a) Các khoản thu nhập;
b) Các khoản thu từ việc bán và/hoặc thanh lý toàn
bộ hoặc một phần đầu tư;
c) Tiền bản quyền và các khoản phí liên quan đến
chuyển giao công nghệ;
d) Toàn bộ các khoản được thanh toán theo Điều 6
và/hoặc Điều 7 của Hiệp định này;
e) Các khoản thanh toán nợ liên quan đến đầu tư với
điều kiện được thanh toán cho các hoạt động đầu tư đó;
f) Các khoản lương và tiền công hàng tháng của người
lao động làm việc cho nhà đầu tư, đã được cấp giấy phép lao động liên quan đến
đầu tư đó trên lãnh thổ của Bên ký kết chủ nhà;
g) Các khoản thanh toán từ quyết định của cơ quan có
thẩm quyền theo Điều 13.
2. Việc chuyển tiền ra nước ngoài trên đây sẽ được
thực hiện bằng đồng tiền chuyển đổi và theo tỷ giá hối đoái hiện hành phù hợp với
các quy định về quản lý ngoại hối vào thời điểm chuyển.
ĐIỀU
9
THẾ
QUYỀN
Nếu một Bên ký kết hoặc cơ quan được ủy quyền của Bên ký kết đó, theo phương thức do
pháp luật quy định, thế quyền nhà đầu tư khi thực hiện các khoản thanh toán
theo hợp đồng bảo hiểm hoặc bảo lãnh đối với những rủi ro phi thương mại:
a) Việc thế
quyền này sẽ được Bên ký kết kia sẽ công nhận;
b) Người thế quyền không được thực hiện bất kỳ các
quyền nào khác ngoài những quyền mà nhà đầu tư được phép thực hiện;
c) Tranh chấp giữa người
được thế quyền và Bên ký kết chủ nhà sẽ được giải quyết phù hợp với Điều 13 Hiệp
định này.
ĐIỀU
10
TUÂN THỦ CÁC CAM KẾT
Mỗi Bên ký kết sẽ đảm bảo tuân thủ các cam kết đã
tham gia liên quan đến đầu tư của thể nhân hoặc pháp nhân của Bên ký kết kia.
ĐIỀU
11
ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH KHÁC
Nếu một quy định được đồng thời điều chỉnh trong Hiệp
định này và các Hiệp định quốc tế khác mà hai Bên ký kết là thành viên, những
quy định này, trong chừng mực thuận lợi hơn, sẽ được áp dụng cho các Bên ký kết
và nhà đầu tư của các Bên ký kết có đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết kia.
ĐIỀU
12
PHẠM VI ÁP DỤNG CỦA HIỆP ĐỊNH
1. Trong trường hợp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam, Hiệp định này được áp dụng đối với tất cả các khoản đầu tư được cơ quan có
thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận cụ thể bằng văn bản, phù hợp với pháp luật
và quy định của mình.
2. Trong trường hợp Cộng hòa Hồi giáo Iran, Hiệp định
này được áp dụng đối với tất cả các khoản đầu tư được sự chấp thuận của Tổ chức
Hỗ trợ Đầu tư, Kinh tế và Kỹ thuật của Iran (O.I.E.T.A.I.) hoặc bất kỳ cơ quan
có thẩm quyền nào thay thế tổ chức này.
3. Hiệp định này cũng áp dụng đối với các khoản đầu
tư đã được thực hiện phù hợp với các quy định của Điều
này trước khi Hiệp định này có hiệu lực.
ĐIỀU
13
GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP GIỮA MỘT BÊN KÝ KẾT VÀ NHÀ ĐẦU TƯ
CỦA BÊN KÝ KẾT KIA
1. Nếu có bất kỳ tranh chấp nào phát sinh giữa Bên
ký kết chủ nhà và nhà đầu tư của Bên ký kết kia liên quan đến đầu tư, Bên ký kết
chủ nhà và nhà đầu tư trước hết sẽ nỗ lực giải quyết tranh chấp mội cách thân
thiện thông qua thương lượng và tham vấn.
2. Trong trường hợp Bên ký kết chủ nhà và nhà đầu
tư không thỏa thuận được trong vòng 6
tháng kể từ ngày có thông báo về yêu cầu
của một bên tranh chấp đối với bên kia, mỗi bên tranh chấp có thể đưa vụ tranh
chấp ra giải quyết tại tòa án có thẩm quyền của Bên ký kết chủ nhà, hoặc hội đồng;
trọng tài gồm 3 thành viên theo khoản 5 dưới đây với sự cân nhắc thỏa đáng đến
pháp luật của các Bên ký kết.
3. Tranh chấp đã được đưa ra tòa án có thẩm quyền của
Bên ký kết chủ nhà và đang trong quá trình giải quyết thì không được đưa ra giải
quyết bằng trọng tài, trừ trường hợp các bên có thỏa
thuận; và trong trường hợp khi đã có phán quyết cuối cùng của tòa án, vụ
tranh chấp sẽ không được đưa ra giải quyết bằng trọng tài.
4. Tòa án quốc gia không có quyền tài phán đối với
bất kỳ tranh chấp nào đã được đưa ra giải quyết bằng trọng tài. Tuy nhiên, những
quy định của khoản này không cấm bên thắng trong vụ tranh chấp yêu cầu cưỡng chế
thực hiện quyết định của trọng tài tại tòa án quốc gia.
5. Bên ký kết chủ nhà hoặc nhà đầu tư của Bên ký kết
kia mong muốn đưa vụ tranh chấp ra xét xử bằng trọng tài sẽ chỉ định một trọng
tài bằng văn bản thông báo cho bên kia. Bên tranh chấp đó sẽ chỉ định một trọng
tài trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo này và các trọng tài được
chỉ định sẽ chỉ định Chủ tịch trọng tài trong vòng 60 ngày kể từ ngày được chỉ
định. Trong trường hợp mỗi bên không chỉ định được trọng tài của mình trong thời
hạn trên đây và/hoặc các trọng tài được chỉ định không thỏa thuận được về Chủ tịch trọng tài, mỗi bên có thể yêu cầu Tổng
thư ký Tòa Trọng tài Thường trực chỉ định trọng tài của bên không chỉ định được
hoặc Chủ tịch trọng tài tùy theo từng trường
hợp. Tuy nhiên, Chủ tịch trọng tài sẽ được chỉ định trong số công dân của quốc
gia có quan hệ ngoại giao với cả hai Bên ký kết vào thời điểm được chỉ định.
ĐIỀU
14
GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP GIỮA CÁC BÊN KÝ KẾT
1. Mọi tranh chấp phát sinh giữa các Bên ký kết
liên quan đến giải thích hoặc áp dụng Hiệp định này trước hết được giải quyết
trên cơ sở hòa giải thông qua tham vấn. Trong trường
hợp không thỏa thuận được, mỗi Bên căn cứ
vào pháp luật của nước mình, đồng thời với
việc thông báo cho Bên kia biết, có thể đưa vụ tranh chấp ra giải quyết tại hội
đồng trọng tài gồm 3 thành viên bao gồm 2 trọng tài do các Bên ký kết chỉ định
và một Chủ tịch trọng tài.
Trong trường hợp tranh chấp được giải quyết tại hội
đồng trọng tài, mỗi Bên ký kết sẽ chỉ định một trọng tài trong vòng 60 ngày kể
từ khi nhận được thông báo và các trọng tài do các Bên ký kết chỉ định sẽ,
trong vòng 60 ngày kể từ ngày được chỉ định, chỉ định Chủ tịch trọng tài. Nếu mỗi
Bên ký kết không chỉ định được trọng tài của mình hoặc các trọng tài được chỉ định
không thỏa thuận được về việc chỉ định Chủ
tịch trọng tài trong thời hạn này, mỗi Bên ký kết có thể yêu cầu Chủ tịch Tòa
án Công lý Quốc tế chỉ định trọng tài của Bên ký kết không chỉ định được trọng
tài hoặc Chủ tịch trọng tài tùy theo từng
trường hợp.
Tuy nhiên Chủ tịch trọng tài phải là công dân của
quốc gia có quan hệ ngoại giao với cả hai Bên ký kết vào thời điểm được chỉ định.
2. Trong trường hợp Chủ tịch trọng tài do Chủ tịch Tòa án Công lý Quốc tế chỉ định, nếu
Chủ tịch Tòa án Công lý Quốc tế không thực hiện chức năng này hoặc là công dân
của một Bên ký kết, việc chỉ định sẽ do phó Chủ tịch Tòa án Công lý Quốc tế thực
hiện, và nếu phó Chủ tịch Tòa án Công lý Quốc tế cũng không thực hiện được chức
năng này hoặc là công dân của một Bên ký kết, việc chỉ định sẽ do thành viên
cao cấp của Tòa án này mà không phải là công
dân của một Bên ký kết thực hiện.
3. Căn cứ vào các quy định khác do các Bên ký kết thỏa thuận, hội đồng trọng tài sẽ quyết định thủ
tục và địa điểm trọng tài.
4. Các quyết định của hội đồng trọng tài là bắt buộc
đối với các Bên ký kết.
ĐIỀU
15
HIỆU LỰC CỦA HIỆP ĐỊNH
1. Hiệp định này được các cơ quan có thẩm quyền của
từng Bên ký kết phê duyệt/phê chuẩn phù hợp với pháp luật và quy định của các
Bên ký kết.
2. Hiệp định này sẽ có hiệu lực trong thời hạn là
mười năm từ thời điểm sau 30 ngày kể từ ngày thông báo cuối cùng của một Bên ký
kết gửi cho Bên ký kết kia về việc đã hoàn tất những thủ tục cần thiết phù hợp
với pháp luật của mình để Hiệp định này có hiệu Lực. Sau thời hạn này, Hiệp định
này sẽ tiếp tục có hiệu lực trừ trường hợp một trong các Bên ký kết thông báo với
Bên ký kết kia bằng văn bản về việc không mong muốn duy trì Hiệp định, 6 tháng
trước khi kết thúc hoặc chấm dứt hiệu lực.
3. Sau khi Hiệp định kết thúc hoặc chấm dứt hiệu lực,
các quy định của Hiệp định sẽ tiếp tục được áp dụng đối với các hoạt động đầu
tư theo Hiệp định này thêm một thời hạn là mười năm.
Để làm bằng, những người ký tên dưới đây được ủy quyền hợp lệ của Chính phủ mình đã ký Hiệp định
này.
Làm thành 2 bản tại Hà Nội ngày 23 tháng 12 năm
2009 ………………………………………… …………………………………., bằng tiếng Việt, tiếng Ba Tư và tiếng
Anh, tất cả các văn bản đều có giá trị ngang nhau. Trong trường hợp có sự giải
thích khác nhau, văn bản tiếng Anh sẽ được dùng làm căn cứ.
THAY MẶT CHÍNH
PHỦ NƯỚC
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Cao Đức Phát
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
|
THAY MẶT CHÍNH
PHỦ NƯỚC
CỘNG HÒA HỒI GIÁO IRAN
Mehdi Ghazanfari
Bộ trưởng
|